Tuesday, 24/12/2024 - 01:03|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 tại trường THCS Đức Hợp, huyện Kim Động.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trường THCS Đức Hợp triển khai hiệu quả trong ba năm học cho các khối 6, 7 và khối 8.

 

Năm học 2023 -2024, trường THCS Đức Hợp có 14 lớp với 563 học sinh, trường đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Hoạt động giáo dục đạo đức, hướng nghiệp và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh được tổ chức thường xuyên, giúp các em phát triển toàn diện, thích nghi tốt với môi trường học tập và cuộc sống tương lai. Nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và giáo viên, bao gồm việc triển khai các kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn và tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cùng các buổi tập huấn định kỳ về phương pháp giảng dạy mới theo chương trình GDPT 2018. Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, hội thảo và tọa đàm được tổ chức thường xuyên để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích giáo viên tham gia học tập trực tuyến và áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực. Việc phân công và bố trí đội ngũ giảng dạy được thực hiện một cách hợp lý để đáp ứng hiệu quả yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực hiện chương trình GDPT 2018. Nhà trường chủ động rà soát, đánh giá điều kiện hiện có, đồng thời lập kế hoạch tham mưu với Phòng GD&ĐT, UBND xã và huyện để đầu tư, cải tạo, bổ sung trang thiết bị dạy học cho các khối lớp 6, 7, 8. Hơn nữa, nhà trường huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục và sử dụng nguồn tài chính hợp lý, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ công tác chuyên môn để triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới. Hiện nay, trang thiết bị dạy học đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và các phòng bộ môn đang được hoàn thiện.

Xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường khoa học, phản ánh đầy đủ bức tranh tổng thể của GD nhà trường và tổ chức thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của địa phương, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường là một phần cốt lõi trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, không chỉ đáp ứng nhu cầu học sinh mà còn đóng góp vào phát triển nhà trường và địa phương. Ngay từ đầu các năm học Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện nghiêm túc về quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong đó những định hướng trọng tâm để nhà trường xây dựng KHGD đó là:

KHGD phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường: Mỗi trường học có những đặc điểm riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh. Kế hoạch cần được thiết kế sao cho phản ánh đúng nhu cầu, khả năng và đặc thù của từng đối tượng học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất. Đánh giá đúng năng lực, chất lượng đội ngũ sẽ sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực.Việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế sẽ giúp nhà trường khai thác tốt nhất các nguồn lực sẵn có, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

KHGD nhà trường phải nâng cao được hiệu quả giáo dục: Kế hoạch giáo dục được xây dựng khoa học, xác định rõ mục tiêu ngắn và dài hạn, giúp triển khai các chương trình học tập hiệu quả. Trường THCS Đức Hợp chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, khuyến khích học sinh khai thác tối đa tài liệu qua thực hành. Hình thức kiểm tra đa dạng không chỉ tập trung vào kiểm tra lý thuyết mà còn mở rộng các bài kiểm tra thực hành, dự án học tập, hạn chế văn mẫu trong môn Ngữ văn để đánh giá đúng năng lực học sinh. Ngoài ra, trường tăng cường giáo dục STEM và hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.

KHGD thể hiện tính linh hoạt và thích ứng: Qua mỗi năm thực hiện nhà trường đều tổ chức rà soát và bổ sung KHGD nhằm chủ động điều chỉnh và cập nhật kế hoạch dựa trên phản hồi từ thực tiễn giảng dạy và học tập giúp cải tiến liên tục các phương pháp và nội dung giáo dục. Kế hoạch giáo dục cần có tính linh hoạt để thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh giáo dục và xã hội, cần liên tục đổi mới để đáp ứng các thách thức của thời đại số.

KHGD phát huy sự độc đáo và sáng tạo của nhà trường: Nhà trường đã xây dựng những nét riêng biệt trong kế hoạch giáo dục, từ đó tạo nên thương hiệu và bản sắc riêng. Điều này không chỉ thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh mà còn đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của hệ thống giáo dục.

Sự độc đáo sáng tạo của CBGV nhà trường là khả năng thực hiện công tác chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ thông tin. Trong 3 năm qua, trường THCS Đức Hợp đã triển khai thành công hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu quả quản lý. Mọi cán bộ, giáo viên đều được trang bị chữ ký số, giúp quá trình phê duyệt, ký kết văn bản được thực hiện nhanh chóng, bảo mật và thuận tiện. Ứng dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) giúp việc giảng dạy và học tập của học sinh được thuận lợi và hiệu quả.

Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên và học sinh. Các buổi tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số trong giáo dục được tổ chức thường xuyên, giúp đội ngũ giáo viên nắm vững các công cụ và phương pháp dạy học mới.

KHGD tăng cường sự tham gia của cộng đồng và xã hội: Trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường có sự tham gia của phụ huynh, cộng đồng và các tổ chức xã hội đã giúp tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ cho nhà trường, tạo thêm nguồn lực và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong quá trình triển khai các hoạt động giáo dục.

Thực hiện công tác thi đua khen thưởng: Nhà trường đã xây dựng tiêu chí thi đua minh bạch và đa dạng, kết hợp khen thưởng vật chất và tinh thần. Vai trò của giáo viên trong đánh giá và khen thưởng học sinh được phát huy, cộng đồng được khuyến khích tham gia. Chương trình thi đua thường xuyên được đánh giá và cải tiến. Các hoạt động thi đua, khen thưởng kịp thời đã thúc đẩy tinh thần học tập và giảng dạy, đồng thời gắn kết các thành viên trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên năm học 2023- 2024, nhà trường đã đạt được kết quả như: Học sinh có kết quả học tập loại Khá - Tốt đạt trên 60%, Kết quả rèn luyện loại Khá - tốt đạt trên 86%;  có 20 HS đạt danh hiệu HSG cấp huyện; 02 giải nghiên cứu khoa học cấp huyện. Kết quả thi vào lớp 10 THPT có 75% học sinh đỗ vào các trường công lập. Tập thể giáo viên, tiêu biểu có 03 thày cô đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở; 04 thày cô được nhận giấy khen các cấp; và có 09 thày cô đạt chuẩn GV loại tốt.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, năm học 2024-2025 để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9 đạt kết quả cao, trường THCS Đức Hợp, huyện Kim Động tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục công tác bồi dưỡng phát triển đội ngũ: Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu dành cho giáo viên về chương trình lớp 9, đặc biệt tập trung vào những môn học có nhiều sự thay đổi. Giáo viên được khuyến khích tham gia các khóa học trực tuyến và các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các buổi hội thảo và chuyên đề tại trường được tổ chức để rà soát và đánh giá toàn bộ nội dung chương trình lớp 6,7,8,9. Những hoạt động này giúp giáo viên xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn của mình và phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.

Hai là, tích cực tham mưu hoàn thiện, bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học: Tăng cường công tác tham mưu với các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư cải thiện các phòng học, phòng chức năng, hệ thống trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đảm bảo đầy đủ tài liệu, giáo trình và trang thiết bị cần thiết cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Ba là, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường linh hoạt và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, của nhà trường: Thiết kế chương trình học tập đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, giúp học sinh nắm bắt kiến thức một cách toàn diện và hứng thú. Tiếp tục vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phát triển các kỹ năng cho học sinh;

Bốn là, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục: Nhà trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, quản trị nhà trường và tổ chức dạy học; thường xuyên rà soát, tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của nhà trường theo Quyết định 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, từ đó đề ra các mục tiêu để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao hơn

Năm là, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tạo môi trường học tập toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về kiến thức, kỹ năng và nhân cách. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, khuyến khích phụ huynh tham gia hoạt động ngoại khóa, giúp họ hiểu rõ phương pháp giáo dục. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức để tổ chức hoạt động ngoại khóa và hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh. Tăng cường liên kết giữa các bộ phận trong trường để xây dựng kế hoạch giáo dục thống nhất. Đẩy mạnh tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh giải quyết vấn đề cá nhân. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để bổ sung cho hoạt động giáo dục.

Qua đó, từng bước xây dựng trường THCS Đức hợp thực sự là “địa chỉ tin cậy” đối với các bậc phụ huynh học sinh và là niềm tin của các cấp lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân.

 

Phạm Nhuấn - Sở GDĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết