Thursday, 18/04/2024 - 15:41|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình "Tiết học không giới hạn" - một biện pháp giảm áp lực học tập cho học sinh

Trong những năm gần đây, nhất quán với quan điểm dạy học định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn, toàn ngành giáo đã có sự chuyển mình tích cực. Điều này được thể hiện trong tất cả các bộ môn, trong từng tiết dạy của các thầy cô giáo trong ngành nói chung và trường THPT Triệu Quang Phục nói riêng.

          Với tinh thần dạy học đổi mới, học sinh không chỉ chuyển từ việc tiếp nhận kiến thức thành chủ động khám phá tri thức với đúng mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống”. Hơn thế, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi mới về con người lao động trong thời kì công nghiệp 4.0 thì học theo cách tích lũy kiến thức không còn thích ứng, thay vào đó các em cần học cách để làm, tự tin, tự lập và chủ động trong cuộc sống mới là cái đích đến. Vì thế, các thầy cô giáo trong trường THPT Triệu Quang phục và bản thân cô Trần Thu Hương luôn kiên trì và đầu tư xây dựng chất lượng trong từng tiết dạy.

Một trong các cách mà cô Trần Thu Hương áp dụng trong môn học cô phụ trách (môn học mà rất nhiều các em học sinh đã luôn cho nó là “môn học phụ”) đó là môn Công nghê lớp 10. Cô Hương không hề nặng nề buộc các em học sinh phải cho nó là một môn chính hay phụ, mà bằng một cách tự nhiên, qua các tiết học đó cô Hương đã tổ chức cho các em học sinh với một phong cách khác mà cô gọi là “Tiết học không giới hạn”. Cô Trần Thu Hương đã thay đổi không gian học tập, để các em nhìn môn học với một cách khác – việc học là không chỉ học kiến thức. Với cách học này, qua thực tế áp dụng tại nhà trường đã cho thấy: trong các tiết học đã tạo ra một không gian học tập tràn đầy hứng khởi và vui vẻ, một giờ học giảm tối đa áp lực học tập và hiệu quả.

          Điều đầu tiên cô Trần Thu Hương làm là hướng dẫn các em thay đổi suy nghĩ: Em sẽ làm việc hiệu quả khi em yêu nó. Vì thế, để tạo hứng thú và gạt sư mệt mỏi của học sinh, khi bước vào lớp cô luôn mang một khuôn mặt rạng rỡ, một tâm thế tràn đầy hứng khởi và nụ cười của chính người giáo viên.  Cô Hương đã truyền cảm hứng cho học sinh theo cách như thế.

          Thứ hai, để học sinh ở đúng vị thế là chủ thể của hoạt động học tập, giáo viên không làm thay, để tạo sự tò mò và để duy trì hứng thú tìm tòi, cô Hương luôn linh hoạt trong tổ chức các hình thức cho tiết học: có tiết học là một buổi diễn đàn, có tiết là một cuộc thi, cũng có tiết là 1 buổi triển lãm trưng bày, một cuộc kí kết hợp đồng và các em là đối tác với giáo viên…tùy thuộc vào nội dung của bài để thiết kế cho phù hợp.

          Thứ ba, thay đổi hình thức trong từng hoạt động nhỏ, ví dụ thay vì một quy trình lên lớp thường bắt đầu bằng một hoạt động kiểm tra bài cũ, thì cô Hương không bỏ điều này nhưng là một cách tổ chức khác đó là chuyển thể các câu hỏi dưới dạng các trò chơi như chiếc nón kì diệu, lật ô chữ, xếp hình…

          Thứ tư, để đảm bảo một tiết dạy theo đúng các bước trong mô hình trường học mới. Trong đó, cô Hương coi việc các em học các tiết học liên tục giống như xem một bộ phim dài tập khi kết thúc một tập thường là một đoạn gợi mở bắt đầu và gây tò mò cho tập sau. Vì thế, hoạt động khởi động cho tiết học sau thường được cô Hương gieo vấn đề vào ngay sau cuối tiết học trước. Với cách tổ chức như vậy, cô Hương đã rất dễ linh hoạt trong hoạt động hình thành kiến thức có thể thay đổi không gian học tập ở nhà, học theo nhóm và đương nhiên luôn kèm theo hình thức đánh giá phù hợp.

          Cuối cùng, qua thực tế giảng dạy tôi thấy không cách học nào hiệu quả bằng việc các em là các em được trải nghiệm và tự tay làm ra một sản phẩm, cho dù sản phẩm đó có thể thất bại, nhưng với những tiết học không giới hạn trong bộ môn Công Nghệ 10, thì cái các em học được còn hơn thế nữa đó đó là sự tự tin, chủ động và đơn giản là “học cách thất bại để thành công”. Với quan điểm và suy nghĩ … các em thành công khi các em đã dám làm và tự mình làm, các thầy cô giáo trong trường THPT Triệu Quang Phục và cá nhân cô giáo Trần Thu Hương đã xây dựng rất nhiều tiết học theo phong cách đó.

 

Một số hình ảnh về một số hoạt động trong một tiết học thực hành: Bài 47. Thực hành: Làm sữa chua và sữa đậu nành bằng phương pháp đơn giản - Chương trình Công nghệ 10:

Hình 1. Học sinh nếm thử sản phẩm (thực hiện cuối tiết học trước) để gây hứng thú cho học sinh trong hoạt động khởi động.

 

 

Hình 2 và 3. Linh hoạt không gian học tập: Học sinh tự tìm tòi thực hành hoàn thành nhiệm vụ học tập làm sản phẩm sữa chua và sữa đậu nành theo nhóm (có video ghi lại quá trình thực hiện là một trong các căn cứ đánh giá sự tham gia của các thành viên trong nhóm - ảnh cắt từ video)

 

 

Hình 4, 5. Các nhóm trưng bày sản phẩm và giới thiệu về quy trình hoàn thành sản phẩm

Hình 6. Các nhóm thảo luận và hoàn thành báo cáo thực hành sau khi có ý kiến đánh giá của các nhóm (tăng cường tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng trong dạy học)

 

 

Hình 7, 8.  Những khuôn mặt vui vẻ, tràn đầy thích thú vì được trải nghiệm

Hà Ngọc Bách


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết