Friday, 19/04/2024 - 10:58|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Triệu Quang Phục đổi mới dạy học lịch sử, địa lý địa phương

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, đồng thời nhằm mục đích cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về các danh nhân, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, truyền thống đấu tranh kiên cường của nhân dân địa phương; chiều ngày 1/10/2019, tổ Sử - Địa – Ngoại ngữ, trường THPT Triệu Quang Phục đã tổ chức buổi ngoại khoá thường niên với chủ đề Dạ Trạch – Địa linh, nhân kiệt lần thứ 7.

Tham dự buổi ngoại khóa có thầy giáo Nguyễn Ngọc Văn – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể các thầy cô giáo của tổ Sử - Địa – Ngoại ngữ, tổ Văn – Công dân, tổ Thể dục – Quốc phòng, các giáo viên chủ nhiệm và hơn 300 HS khối 10.

 

 

Sau lễ dâng hương, các thầy cô giáo và các em đi tham quan khu di tích Đền hoá Dạ Trạch và nghe cán bộ quản lý khu di tích thuyết minh về đền Hóa. Đền Hóa Dạ Trạch còn có tên gọi là đền Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Sa Công chúa và Triệu Việt Vương. Đền Hóa Dạ Trạch được xây dựng trên nền cao của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi ba vị hóa về trời. Đền nằm trong không gian cạnh đầm Dạ Trạch xưa kia. Kết cấu chính từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông, hồ bán nguyệt, qua sân là đến điện thờ gồm ba tòa nhà. Toàn bộ nội, ngoại thất, kiến trúc ngôi đền toát lên nét cổ kính, linh thiêng. Cuối thế kỷ 19, Chu Mạnh Trinh chỉ huy trùng tu đền. Đến tham quan đền bạn sẽ thấy hình ảnh chiếc nón và cây gậy - hai vật Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Trong đền có tượng cá chép, gọi là ông "Bế" ("Bế ngư thần quan") hình cá chép hóa rồng. Đền có chiếc chuông "Dạ Trạch từ chung" được đúc từ năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu. Đền được nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật vào năm 1989.

 

 

 

 

Sau tham quan và nghe giới thiệu về Đền Hoá, cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ - tổ trưởng tổ Sử - Địa - Ngoại ngữ của nhà trường giới thiệu với các em học sinh về thân thế và sự nghiệp của tướng quân Triệu Việt Vương – vị vua mà trường vinh dự mang tên. Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, là vua Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy. Triệu Quang Phục là con của Thái phó Triệu Túc, người huyện Chu Diên. Ông được sử sách mô tả là người uy tráng dũng liệt. Ông cùng cha theo Lý Nam Đế khởi nghĩa từ ngày đầu (541), có công lao đánh đuổi quân Lương về nước, được giao chức Tả tướng quân nước Vạn Xuân. (xem them tại đây). Tại buổi nói chuyện, Cô Nguyễn Thị Thuỷ cũng cho các em học sinh hiểu hơn về truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành của ngôi trường THPT Triệu Quang Phục.

 

 

 

 

 

 

Xen giữa buổi ngoại khoá, các em còn được tìm hiểu các nét văn hoá dân dân gian thông qua tiểu phẩm tái hiện lại cuộc đời của Triệu Quang Phục (do các em học sinh biểu diễn); các tiết mục hát trống quân (CLB Hát Trống quân của xã Dạ Trạch biểu diễn); các tiết mục múa sạp (do học sinh biểu diễn) và các tiết mục văn nghệ tái hiện không khí hào hùng của dân tộc trong các thời kỳ đánh giặc ngoại xâm.

 

 

Kết thúc buổi ngoại khoá, thầy giáo Nguyễn Ngọc Văn đã đánh giá cao về sự sáng tạo của các thầy cô trong tổ Sử - Địa - Ngoại ngữ; ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của cố gắng của các thầy cô và các em học sinh trong công tác đổi mới dạy và học tại nhà trường. Thay mặt BGH nhà trường, thầy giáo Nguyễn Ngọc Văn gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Dạ Trạch đã giúp đỡ nhà trường tổ chức các buổi ngoại khoá trong suốt 7 năm qua.

Tổ Sử - Địa - Ngoại ngữ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết