Thursday, 25/04/2024 - 19:15|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÂU LẠC BỘ KHOA HỌC XÃ HỘI TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN VỚI CHƯƠNG TRÌNH “THAY LỜI TRI ÂN”

“Đi suốt cuộc đời quên sao nổi công ơn

Quên sao nổi mái tóc thầy bạc trắng

Đi một đời quên làm sao vạt nắng

Tỏa xuống đời sưởi ấm tuổi thơ con”

Có thể nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Những người thầy giáo, cô giáo như những người lái đò cần mẫn đưa khách sang sông mong đến ngày cập bến. Những chuyến đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm, bỏ lại sau lưng biết bao nhọc nhằn và vượt qua mọi khó khăn phía trước với một ý chí kiên cường chở con đò cập bến tri thức.

 

Học sinh trường THPT Hưng Yên tham dự Lễ kỉ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 

 

Nhằm tôn vinh, tri ân công lao to lớn của các thầy cô giáo trong Hội đồng giáo dục nhà trường, đồng thời thế hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo - những người đưa đò cần mẫn đã đưa bao con thuyền cập bến vinh quang bằng chính kiến thức, tình yêu và tâm huyết của mình, được sự đồng ý của Ban giám hiệu trường THPT Hưng Yên, sáng ngày 19 tháng 11 năm 2019, trong không khí thiêng liêng, trang trọng của buổi Lễ kỉ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Câu lạc bộ Khoa học xã hội trường THPT Hưng Yên đã tổ chức chương trình sinh hoạt chủ điểm tháng 11 - 2019 với Chủ đề “THAY LỜI TRI ÂN”. Chương trình là tiếng nói, là tình cảm thiêng liêng, chân thành, sâu kín nhất của các thành viên câu lạc bộ nói riêng, các bạn học sinh trường THPT Hưng Yên nói chung gửi tới các thầy cô giáo nhân ngày 20 tháng 11.

Chương trình THAY LỜI TRI ÂN gồm 4 phần:

Mở đầu chương trình, bạn Hải Yến, thay mặt cho các thành viên Câu lạc bộ Khoa học xã hội gửi đến quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn học sinh trong nhà nước bài phát biểu với chủ đề “TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”.

Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, bạn Hải Yến nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam ta suốt bao đời nay luôn mang trong mình tinh thần hiếu học và gắn liền với đó là truyền thống tôn sư trọng đạo - một truyền thống quý báu, một nét đẹp lâu đời của nền văn hóa Việt Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói : “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên đỉnh núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.’’

Nghề dạy học là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Vì thế  nghề dạy học rất được coi trọng bởi là nghề đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, hiền tài là nguyên khí quốc gia - nguyên khí mạnh thì thế nước mới vững chắc lâu bền. Tư tưởng ấy từ lâu đã trờ thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt hàng ngàn năm gìn giữ và xây dựng Tổ quốc, được kế thừa và phát huy theo chiều dài lịch sử và dòng chảy thời gian.

Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi.

Nhà giáo nữ đầu tiên của nước ta ở thế kỉ XV là Ngô Chi Lan được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học. Hay những người thầy nổi tiếng như Chu Văn An, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà giáo Lê Qúy Đôn, thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,…… và đặc biệt là chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của cách mạng Việt Nam. Họ đã trở thành những tấm gương sáng ngời về đạo đức và lối sống để cho thế hệ sau này nối tiếp và phát huy.

Truyền thống giáo dục và truyền thống tôn sư trọng đạo có từ ngàn xưa và được coi là nền tảng để xây dựng một nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa, vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa đápứng được yêu cầu Cách mạng. Ngành giáo dục luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, vai trò của các thầy cô giáo vẫn được đánh giá cao.

Trong 60 năm qua, các thầy cô giáo trường THPT Hưng Yên luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Họ tiếp tục là những chiến sĩ hăng say trên mặt trận văn hóa, giáo dục - đào tạo. Những thành tựu to lớn của ngành giáo dục ngày hôm nay luôn ghi đậm công lao, sự nỗ lực của bao thế hệ nhà giáo.

Trên con đường học vấn đầy gian nan, thử thách, thầy cô giáo vừa là người dẫn đường chỉ lối vùa là người bạnđ ồng hành thân thiết của mỗi chúng ta. Chính vì thế, ngày 20/11 - kỉ niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam, với tất cả lòng biết ơn và sự thành kính, em xin gửi đến toàn thể các thầy cô giáo trong nhà trường lời kính chúc tốt đẹp nhất, chúc thầy cô luôn vui vẻ và tiếp tục chèo lái “con đò tri thức’’ cập bến đỗ của tương lai!”.

 

Bạn Hải Yến trình bày bài phát biểu với chủ đề “TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”.

 

Phần thứ hai - ĐỌC THƯ - “NHỮNG LỜI MUỐN NÓI”, các thầy cô giáo, các vị đại biểu khách quý và các bạn học sinh trong nhà trường đã đươc ghe ba bức thư do các thành viên Câu lạc bộ Khoa học xã hội viết và gửi tặng thầy cô trong nhà trường. Ba bức thư tuy ngắn gọn, súc tích nhưng chán chứa những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của tất cả các bạn học sinh, những người đã và đang ngồi trên ghế nhà trường THPT Hưng Yên gửi tới thầy cô của mình trong dịp 20 tháng 11 năm nay.

Phần thứ ba - GIAO LƯU VỚI KHÁN GIẢ. Với chủ đề “Nhưng người thầy trong dòng chảy lịch sử”, các bạn học sinh trong nhà trường được tìm hiểu thêm về những người thầy nổi tiếng trong lịch sử qua các câu hỏi đố vui có thưởng. Qua những câu hỏi ngắn gọn, các bạn học sinh có điều kiện thể hiện sự hiểu biết của mình đồng thời được ban tổ chức cung cấp thêm những kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp của những nhà giáo dục nổi tiếng như Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Nguyên Giáp,.v.v…

 

Bạn HỒNG DỊU - thành viên CLB gửi tời thầy cô trong nhà trường Bức thư thứ nhất

 

Bạn BÌNH MINH - thành viên CLB gửi tời thầy cô trong nhà trường Bức thư thứ hai

 

Đến phần thứ tư - "GIAO LƯU VỚI CÁC THẦY CÔ TRONG NHÀ TRƯỜNG QUA NHỮNG CÁNH THƯ”, các bạn học sinh trong nhà trường được trực tiếp thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, mong muốn của mình qua các lá thư, những lời chúc, những điều muốn nói bằng cách ghi lại "những điều muốn nói" vào những tờ giấy do các thành viên câu lạc bộ đã chuẩn bị. Sau khi viết xong, các bạn học sinh có thể gấp lại thành những lá thư, những cánh hạc giấy, những cánh chim hòa bình, hay những chiếc máy bay,…theo ý tưởng, ý thích của bản thân và gửi những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đó của mình đến những thầy cô giáo vô cùng kính yêu của mình.

Xen giữa những nội dung trên là các tiết mục văn nghệ đặc sắc, những bài hát đầy ý nghĩa về mái trường, về thầy cô, về bạn bè do các thành viên câu lạc bộ thể hiện như các bài hát Con đường đến trường, Người thầy, Những điều thầy chưa kể, Bụi phấn, Mong ước kỉ niệm xưa.v.v…

Chương trình Thay lời tri ân đã khép lại với những dư âm còn vang mãi trong trái tim của tất cả học sinh trường THPT Hưng Yên. Và bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất, tất cả học sinh trong nhà trường đều thầm hứa sẽ ra sức học tập và rèn luyện, lập thành tích cao nhất kính tặng tới thầy cô trong tháng thi đua dạy tốt, học tốt đầy ý nghĩa này.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI SINH HOẠT VỚI CHỦ ĐỀ THAY LỜI TRI ÂN

CỦA CÂU LẠC BỘ KHOA HỌC XÃ HỘI

 

TỐ UYÊN và CẨM LY - Hai MC chính của chương trình

 

Giao lưu cùng khán giả với chủ đề Những người thầy trong dòng chảy lịch sử

 

Cô ĐỖ THỊ GIANG - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm cùng các em học sinh trong nhà trường

 

Cô LÊ THỊ THÚY NGÀ - Phó Hiệu trưởng nhà trường giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm cùng các em học sinh trong nhà trường

 

Các em học sinh trong nhà trường ghi lại những dòng cảm xúc, những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình gửi tời thầy cô

 

Dòng tâm sự của một thành viên Câu lạc bộ Khoa học xã hội gửi tới các thầy cô giáo trong nhà trường

Tam ca CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG

 

Song ca ANH TÀI và HỮU TRƯỜNG với bài hát NGƯỜI THẦY

 

Bạn HỮU TRƯỜNG thể hiện ca khúc BỤI PHẤN

 

Bạn HUYỀN TRANG với ca khúc MONG ƯỚC KỈ NIỆM XƯA

 

 

 


Tác giả: Bùi Huy Hoàng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết