Friday, 26/04/2024 - 06:20|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN HƯỞNG ỨNG TUẪN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2019

Thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Công văn số 1535/SGDĐT-GDTrH-GDTX, ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019. Trong thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 7 tháng 10 năm 2019, trường THPT Hưng Yên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019.

Đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học suốt đời đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân và của toàn xã hội, sáng ngày mùng 7 tháng 10 năm 2019, trong buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần, thầy và trò trường THPT Hưng Yên đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “ĐỌC VÀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI THEO TẤM GƯƠNG BÁC HỒ VĨ ĐẠI”.

Tới dự cuộc giao lưu có các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu, Ban Chuyên môn, Ban chấp hành Đoàn trường, các thầy cô giáo trong Hội đồng chủ nhiệm cùng hơn 1.350 học sinh trong toàn trường.

Mở đầu buổi lễ, đồng chí Đỗ Thị Giang - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc học tập đối với đời sống con người; nguyên nhân, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời; mục đích của việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Trên cơ sở đó đồng chí Hiệu trưởng nhà trường đã kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường hãy nhiệt liệt hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời với những suy nghĩ, hành động và việc làm thiết thực mà cụ thể là thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 là “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.

Tiếp theo chương trình buổi lễ, được sự phân công của Ban Giám hiệu nhà trường, thầy giáo Bùi Huy Hoàng - Tổ trưởng tổ Sử - Địa - GDCD đã chia sẻ với các em học sinh nhà trường một số nội dung có liên quan tới Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019.

Mở đầu phần chia sẻ của mình, thầy Bùi Huy Hoàng đã nêu lên vai trò to lớn, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập, việc tự học và học tập suốt đời đối với mỗi cá nhân và xã hội. Từ đó thầy đi tới nhận định: Học tập giúp ta làm giàu thêm vốn hiểu biết, phát triển trình độ văn hóa, nâng cao đạo đức, cung cấp cho ta những hành trang quan trọng để chúng ta tự tin trong cuộc sống, bước đi những bước vững trắc trên đường đời. Học tập cung cấp cho ta kiến thức, cung cấp cho ta chìa khóa quan trọng nhất để mở cánh cửa đi vào tương lai, tiến vào kỉ nguyên văn minh, tiến bộ. Hiểu được giá trị của giáo dục và tri thức như vậy nên có thể nói, trong lịch sử phát triển của mình, không một dân tộc nào trên thế giới này lại không đề cao giáo dục và việc học tập. Không có quốc gia, dân tộc nào đi tới văn minh, hiện đại mà lại chỉ dựa đơn thuần vào tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi. Bài học từ sự vươn lên mạnh mẽ cua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công hay Xingapo sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã có chúng ta thấy muốn phát triển nhanh và bền vững không gì bằng coi trọng giáo dục, đề cao việc học tập và học tập thường xuyên của người dân”.

 
Đồng chí ĐỖ THỊ GIANG - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường
phát động Lễ hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019

Nói về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, thầy Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống tốt đẹp như truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, truyền thống nhân nghĩa, truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất,…và một trong những truyền thống nổi bật đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc ta đó là truyền thống hiếu học. Nhân dân Việt Nam ta đặc biệt coi trọng giáo dục, luôn kính trọng người thầy và đề cao những người có học vấn.

Để động viên, khuyến khích con cháu mình cố gắng, miệt mài học tập, các cụ ta từ xưa thường nhắc nhở con cháu mình bằng những câu nói rất hay, tiêu biểu như:

“Ngọc bất trác, bất thành khí

Nhân bất học, bất tri lý”

Hay: “Ấu bất học, lão hà vi”

Cách đây đúng 230 năm, vào năm 1789, sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh, bắt tay vào xây dựng đất nước, củng cố triều chính, Hoàng đế Quang Trung đã từng nói: Xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu; tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp.

Nối tiếp truyền thống văn hiến, hiếu học, tôn sư trọng đạo, đề cao giáo dục, coi trọng hiền tài của dân tộc, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẫm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ở thời điểm hiện tại, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI được gần 2 thập kỉ, nền kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ thì đòi hỏi mỗi chúng ta càng cần phải có đầy đủ kiến thức, trình độ, năng lực và phẩm chất. Do đó mỗi người càng cần phải không ngừng học tập, tự học và học tập suốt đời.

Hơn nữa kiến thức của nhân loại là cả một đại dương, trong khi hiểu biết của chúng ta mới chỉ là những giọt nước. Nếu chúng ta không chịu khó học tập suốt đời, bằng lòng với những gì mình đang có thì chúng ta sẽ tụt hậu, tự mình lùi lại sau lưng những người khác.

Chính vì vậy, tổ chức UNESCO đã chính thức khởi xướng việc tôn vinh Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hay Tuần lễ người lớn học tập trên toàn thế giới.

Theo UNESCO, "học tập suốt đời" là quá trình học tập diễn ra trong suốt cả cuộc đời, dựa trên bốn trụ cột: học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống và học để làm người; thông qua các phương thức giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên; đặc biệt là coi trọng việc tự học.

Ở nước ta, nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập suốt đời cũng như sự cần thiết phải xây dựng một xã hội học tập, ngay từ năm 2001, trong Văn kiện của Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã chỉ rõ phải “Tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời”.

Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã triển khai thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020. Thực hiện đề án đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều đề án nằm hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi người dân Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để học tập một cách thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, với mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ.

Và để nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học suốt đời đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân và của toàn xã hội. Hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với các chủ đề khác nhau.

Chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 này là: “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.

Tại buổi giáo lưu, thầy Bùi Huy Hoàng đã tập trung giải thích, làm nổi bật chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019. Đó là: Tại sao lại học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại? Tại sao Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 lại tôn vinh văn hóa đọc?

Trao đổi cùng các em học sinh câu hỏi thứ nhất, thầy Hoàng nói ngắn gọn “Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đã qua đời. Nhưng trước lúc đi xa, Người đã để lại cho nhân dân ta một tài sản tinh thần vô giá đó là bản Di chúc thiêng liêng. Năm 2019, tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc của người. Do đó Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 cũng nằm trong loạt các hoạt động kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, khi còn sống, lãnh tụ Hồ Chí Minh không những là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn là tấm gương sáng ngời về sự tự học và tự học suốt cuộc đời. Người từng căn dặn lớp lớp con cháu: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Do đó thế hệ học sinh ngày hôm nay cần không ngừng noi gương Người, noi gương tinh thần tự học của Bác”.

Trả lời câu hỏi thứ hai là tại sao chúng ta phải đề cao việc đọc sách, thầy Bùi Huy Hoàng đã phân tích cho các em học sinh tầm quan trọng của sách, lợi ích của việc đọc sách đối với cuộc sống nói chung, đối với học tập nói riêng. Từ đó thầy đi tời kết luận: “Do sách và đọc sách có nhiều lợi ích và ý nghĩa như vậy nên trước đay và hiện nay các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích, cổ vũ người dân đọc sách, họ coi việc đọc sách là một thói quen văn hóa nhằm nâng cao trình độ cho người dân.

 
Thầy BÙI HUY HOÀNG chia sẻ với các em học sinh nhà trường
một số nội dung có liên quan tới Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019

 

Đặc biệt, dẫn thông tin, số liệu từ báo chí, thầy Bùi Huy Hoàng đã chia sẻ với các em học sinh trong nhà trường về tình hình đọc sách ở các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Cụ thể là:

- Ấn Độ là quốc gia xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân. Thời gian đọc sách trung bình một tuần của một người Ấn Độ lên đến gần 11 giờ.

- Ở Hunggary, trung bình mỗi người dân đọc 64 quyển sách/năm.

- Ở Đức và các nước Bắc Âu như Nauy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch trung bình mỗi người dân đọc 1 cuốn sách/1 tuần. Ở Nga là 55 quyển/1 năm.

- Ở châu Á, người Nhật Bản dẫn đầu về niềm đam mê đọc sách, bình quân mỗi năm một người dân đọc hơn 40 cuốn sách. Đặc biệt, người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm,... thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng.

- Ở Thái Lan, trung bình người dân sử dụng 37 phút đọc sách mỗi ngày và 81,8% dân số Thái Lan từ 6 tuổi trở lên thường xuyên đọc sách.

- Ở Malaysia, trung bình một người Malaysia đọc 14 cuốn sách một năm.

- Đặc biệt ở Israel - Quê hương của người Do Thái - dân tộc nổi tiếng với chỉ số IQ trung bình 110, cũng là đất nước nổi tiếng bởi niềm đam mê đọc sách: Trung bình mỗi năm người dân đọc đến 64 quyển sách. Khi dạy dỗ con cái, các bà mẹ Do Thái đã gieo cho con tiềm thức về sự “ngọt ngào” của sách bằng cách nhỏ vài giọt mật lên những trang sách và cho trẻ liếm. Thậm chí, họ còn đặt các cuốn sách ở nghĩa trang vì họ tin rằng các linh hồn sẽ tiếp tục đọc chúng. Người Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, ngay cả người ăn xin cũng luôn có quyển sách bên cạnh. Trong mắt họ, đọc sách báo không chỉ là một thói quen mà còn là một phẩm chất tốt. Trong ngày lễ Sabbath (Ngày lễ nghỉ ngơi), tất cả người Do Thái đều dừng các hoạt động buôn bán, vui chơi. Các cửa hàng, quán ăn, những khu vui chơi đều phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động, ngay cả các công ty hàng không đều ngừng bay, người dân chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện. Nhưng có một ngoại lệ, tất cả nhà sách trên toàn quốc vẫn được mở cửa hoạt động. Trong ngày này, những người đến tiệm sách là đông nhất, mọi người đến đây đều yên lặng đọc sách.

Ở các quốc gia trên thế giới như vậy, còn ở Việt Nam, người dân nước ta chưa có thói quen, chưa thực sự có niềm đam mê đọc sách, thậm chí thực trạng đọc sách ở nước ta rất đáng báo động. Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực:

  • Chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên

  • 44% thỉnh thoảng mới đọc sách

  • 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách.

Một khảo sát mới đây của báo Dân Trí nhắm vào đối tượng là giới trẻ cho thấy kết quả đáng quan ngại. Đó là 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần, 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua, chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Trong TOP 61 quốc gia nghiện đọc sách nhất thế giới không có tên Việt Nam trong khi đó ở khu vực Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này. Trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/1 năm.

Trước thực trạng đáng buồn đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm “chấn hưng văn hóa đọc” của người Việt. Tiêu biểu là ngày 15/3/ 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Mục tiêu là tới năm 2030 người dân Việt Nam có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố; môi trường đọc tiếp tục được cải thiện; hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản ấn phẩm in và điện tử). Với định hướng chiến lược lâu dài này, sách vẫn sẽ là một kênh học tập, giải trí, trao đổi thông tin, bồi đắp tri thức có vai trò quan trọng và được đầu tư phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Kết thúc phần chia sẻ của mình, thầy Bùi Huy Hoàng mong các em học sinh nhà trường tiếp tục phát huy ý thức chăm ngoan và tinh thần tự giác, chuyên cần trong học tập, tự rèn luyện cho mình thói quyen đọc sách để có thêm kiến thức, từ đó không ngừng nâng cao trình độ của bản thân mình.

 
Thầy BÙI THIỆN QUÝ - Bí thư Đoàn trưởng kêu gọi đoàn viên, thanh niên nhà trường
nhiệt liệt hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019

 

Sau phần nói chuyện, chia sẻ của thầy Bùi Huy Hoàng, thầy Bùi Thiện Quý - Bí thư Đoàn trường đã kêu gọi toàn thể đoàn viên, thanh niên trong nhà trường nhiệt liệt hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời bằng những việc làm và hành động thiết thức, đặc biệt là phải chú trọng rèn luyện thói quen đọc sách, thói quen tự học và học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Kết thúc buối giao lưu, các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh nhà trường đã tiến hành tham quan gian hàng triển lãm, trưng bày và giới thiệu sách do Câu lạc bộ Sách và Hành động trường THPT Hưng Yên tổ chức. Trong một không gian không quá rộng lớn, gian hàng của Câu lạc bộ Sách và Hành động đã trưng bày nhiều thể loại sách về nhiều lĩnh vực như Tiểu thuyết, Văn học, Nghệ thuật, Thơ, Lịch sử, Văn hóa, Phong tục tập quán,.v.v…được đông đảo bạn đọc trong nhà trường đăng kí mượn và đón đọc.

 
Tranh vẽ cổ động của Câu lạc bộ Sách và Hành động trường THPT Hưng Yên

 

Triển lãm trưng bày, giới thiệu sách của Câu lạc bộ Sách và Hành động

 

 

 

 

                                                   Tin bài TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết