Saturday, 20/04/2024 - 05:54|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo trao đổi chuyên môn: "Vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực" tại trường THPT Triệu Quang Phục

“Công việc của người thầy ưu tú là kích thích những người có vẻ tầm thường có nỗ lực phi thường. Vấn đề hóc búa là không phải xác định những người chiến thắng; mà làm cho những người bình thường trở thành người chiến thắng”

(K.Patricia Cross)

Đây là một quan niệm rất hay về vai trò, sức mạnh của người thầy. Và câu hỏi đặt ra là: Làm như thế nào để biến những học trò “tầm thường” thành “phi thường”, “bình thường” thành “người chiến thắng”?

Năm 2011, tại  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam được đưa ra. Đây được xem là một bước khởi đầu vô cùng quan trọng đối với giáo dục nước nhà. Suốt 8 năm qua, đổi mới đã trở thành mục tiêu, thành động lực, thành sức mạnh để các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục hoạt động và phát triển. Trong sự đổi mới căn bản và toàn diện đó, vấn đề vận dụng và đổi mới phương pháp giảng dạy có thể coi là vấn đề then chốt, có ý nghĩ tiêu điểm.

Nhận thức được tất cả những điều đó, đồng thời nhằm tiến tới xây dựng một môi trường giáo dục đổi mới, hiện đại, phù hợp với nhu cầu xã hội, trong những năm qua, trường THPT Triệu Quang Phục luôn chú trọng, đầu tư vào xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên, quan tâm sát sao tới việc đổi mới dạy và học. Hoạt động sinh hoạt, trao đổi chuyên môn là một công việc thường xuyên, liên tục của trường

Nằm trong kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, chiều ngày 16 tháng 10 năm 2018, được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Ban Chuyên môn, cô giáo Trần Thị Hợp (Tổ trưởng tổ Hóa –Sinh), cô giáo Nguyễn Thị Thủy (Tổ trưởng tổ Sử - Địa – Anh) và cô giáo Đỗ Thị Nhiệm (Tổ Văn – Công dân) đã tổ chức một buổi trao đổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực” với toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.

Buổi trao đổi diễn ra trong không khí thoải mái, sôi nổi. Các báo cáo viên và các thầy, cô tham dự đều nhiệt tình chia sẻ những bất cập khi vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và những cách làm hay, hiệu quả bằng chính những kinh nghiệm giảng dạy thực tế của mình.

Trong buổi trao đổi này, ba nội dung chính được đưa ra thảo luận.

Thứ nhất: Những yêu cầu cơ bản khi vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Mỗi phương pháp, kĩ thuật dạy học đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, trong quá trình dạy học, người dạy cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo giữa các phương pháp, kĩ thuật với khả năng phân hóa và tôn trọng cá tính học sinh. Nội dung này được nhóm báo cáo thiết kế qua hai nhiệm vụ rất thú vị: Giải ô chữ và Bình tranh. Thông qua phương pháp trò chơi này, các thầy cô tham dự vừa nắm được những nội dung cơ bản vừa có thêm hứng thú, sự thoải mái khi chia sẻ

Thứ hai: Quy trình và những lưu ý cơ bản khi thực hiện phương pháp trực quan. Có thể nói, dạy học trực quan là phương pháp khá phổ biến được sử dụng trong nhiều bộ môn hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều thầy cô thường làm chưa đúng cách thức, quy trình. Nhóm báo cáo đã chỉ ra điều đó bằng cách chia 6 nhóm thành hai dãy: thực nghiệm và đối chứng. Sáu nhóm cùng xem một video nhưng một dãy (3 nhóm) được định hướng trước bằng bộ câu hỏi (thông qua Phiếu học tập). Dãy còn lại thì nhận câu hỏi sau khi video kết  thúc. Kết quả cho thấy nhóm thực nghiệm có sản phẩm tốt hơn (đầy đủ và chính xác hơn 50 %) so với nhóm đối chứng. Từ đó, các báo cáo viên khẳng định lại các bước cụ thể với những lưu ý quan trọng khi vận dụng phương pháp này

Thứ ba: Cách tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả. Đây là nội dung được các thầy/cô quan tâm và bàn luận sôi nổi nhất. Từ thực tế giảng dạy và hoạt động nhóm vừa trải nghiệm, nhiều thầy cô bày tỏ sự băn khoăn trước những khó khăn khi thực hiện hoạt động này, như: mất thời gian, không huy động được toàn bộ học sinh, nội dung không đồng nhất, lớp học lộn xộn… Trên cơ sở đó, các báo cáo viên và rất nhiều thầy cô trong hội đồng sư phạm đều nhiệt tình, mạnh dạn chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả để cùng nhau rút kinh nghiệm và vận dụng linh hoạt hơn

Sau buổi trao đổi, các giáo viên trong trường đều có thêm nhiều tri thức và trải nghiệm bổ ích, thiết thực. Nhiều câu hỏi được giải đáp, nhiều câu hỏi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Song, có lẽ, chính sự “chưa thỏa đáng” đó lại trở thành động lực để các thầy cô trong Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, thúc đẩy việc dạy và học. Bởi vì, hơn hết, mỗi giáo viên của mái trường Triệu Quang Phục đều nhận thức được rằng: đổi mới phương pháp không còn là vấn đề, câu chuyện của các cơ quan chức năng, của Bộ Giáo dục mà thực sự đã trở thành vấn đề chung của mỗi nhà trường, của cá nhân mỗi giáo viên.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI HỘI THẢO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Thị Nhiệm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết