Friday, 26/04/2024 - 05:31|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường THPT Dương Quảng Hàm tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Những năm gần đây bạo lực học đường trở thành  một trong những vấn đề nóng , thu hút sự  chú ý, quan tâm  không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Nhiều vụ bạo lực học đường gây xôn xao dự luận cả nước đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều trăn trở cho nhà quản lý giáo dục, cho thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.  Chiều ngày 18/4/2019, trường THPT Dương Quảng Hàm tổ chức cho cán bộ  sinh hoạt chuyên đề: Giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Trong buổi sinh họat chuyên đề đầy ý nghĩa thiết thực này, đã có 5 tham luận của các đồng chí bí thư các chi bộ trực thuộc, các đồng chí đại diện GVCN, đại diện đoàn thanh niên và các ý kiến đóng góp bổ sung vào các giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường.

Đồng chí Lý Chi Hướng, hiệu trưởng nhà trường khai mạc buổi sinh hoạt chuyên đề Bạo lực học đường

 

         Trong tham luận của đồng chí Lê Thị Quỳnh Sen, Bí thư chi bộ 3, Phó hiệu trưởng nhà trường đã nêu rõ một số giải pháp đối với cán bộ quản lý nhà trường – BGH:

1. Xây dựng kế hoạch mời chuyên gia hoặc cử cán bộ giáo viên có kinh nghiệm đã được đi tập huấn về tuyên truyền cho cán bộ giáo viên, đặc biệt là học sinh hiểu rõ hơn về bạo lực học đường: thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện, nhất là hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường. Từ đó mọi người biết cách để ngăn chặn, phòng ngừa, không để nó xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả.

2. Thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường:  Ban tư vấn tâm lý cần tuyển chọn thầy cô đại diện BGH, thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ trưởng CM, giáo viên chủ nhiệm có nhiều kinh nghiệm sống, khéo léo trong cách ứng xử và thông minh, nhanh trí trong xử  lý tình huống  để tư vấn cho học sinh. Tổ tư vấn có sổ ghi nhật kí hàng tháng

Cần trang bị phòng tư vấn tâm lý học đường để tiếp học sinh, nếu có học sinh ngại gặp tổ tư vấn, cần có Hòm thư thu nhận ý kiến – Học sinh ghi tên lớp, số điện thoại, nội dung cần tư vấn đề tổ tư vấn sẽ gặp (điện thoại) trợ giúp.

 3.Chỉ đạo các tổ chuyên môn  tăng cường lồng ghép giáo dục tâm lý, giáo dục  đạo đức, giáo dục phòng tránh bạo lực học đường… vào các môn học, môn kĩ năng sống…..

4. Cho học sinh toàn trường đăng ký cam kết : Nói không với bạo lực học đường

5. Sửa chữa, nắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trong và khu ngoài cổng trường.

6. Có khung hình  thức kỉ luật phù hợp, thích đáng với những học sinh vi phạm bạo lực  và tuyên dương khen thưởng  những học sinh phát hiện,  báo các thầy cô kịp thời để ngăn chặn được các vụ bạo lực học đường

Cô Lê Thị Quỳnh Sen, phó hiệu trưởng tham luận trong buổi sinh hoạt chuyên đề.

 

Tham luận của đồng chí Hoàng Nghĩa Kiên, Bí thư chi bộ II nhấn mạnh   

- Tăng cường việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh, thực hiện sống và làm việc theo pháp luật.

- Tổ chức cho học sinh được học tập, thảo luận, ký cam kết về nội quy, quy định của nhà trường về quyền và nhiệm vụ của người học sinh theo quy định của Điều lệ trường TH. Giao cho GVCN các lớp thông qua sinh hoạt cuối tuần để thường xuyên tuyên truyền về nội quy, quy định của nhà trường. Đặc biệt quan tâm chú ý như:

+ Nghiêm cấm học sinh gây gổ đánh nhau, kéo băng kết nhóm với thanh thiếu niên ngoài nhà trường.

+ Nghiêm cấm việc tàng trữ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và các loại hung khí có khả năng gây sát thương cao.

+ Nghiêm cấm việc tự ý tổ chức đi chơi, tham quan, tắm ao hồ, sông suối, tham gia các trò chơi nguy hiểm, kích động bạo lực.

- Thành lập và duy trì tốt hoạt động đội cờ đỏ nhằm thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy định của học sinh hàng ngày. Cụ thể:

+ Việc chấp hành về nề nếp, trang phục, đầu tóc, giày dép….

+ Phát hiện và ngăn ngừa học sinh mang những vật dễ gây thương tích đến trường.

+ Kiểm tra chuẩn bị bài của học sinh…

- Phối hợp với PHHS: Thông qua hội nghị PHHS đầu năm, nhà trường phổ biến và triển khai tới toàn thể PHHS những nội quy, quy định của nhà trường có liên quan đến học sinh.

Lập hồ sơ theo dõi đối với những học sinh thường xuyên vi phạm nội quy. Thông tin kịp thời tới gia đình học sinh để phối kết hợp trong việc giáo dục những học sinh vi phạm kỉ luật.

- Phối hợp với chính quyền địa phương: Phối hợp với công an địa phương để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan tới bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Phối hợp với chính quyền địa phương, cung cấp danh sách những học sinh vi phạm (cả ở trường mình và trường bạn) cho cơ quan chức năng để phối hợp giáo dục và có sự răn đe khi cần thiết.

Đề nghị với Chính quyền địa phương phải có sự quản lí tốt các điểm kinh doanh internet ở trong phạm vi địa phương. Cần có biện pháp chủ tiệm internet cam kết thực hiện đúng quy định của quán internet.

 

Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư chi bộ I  nhấn mạnh:

  Tăng cường hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống cho HS thông qua hoạt động GDNGLL nhằm giảm thiểu hành vi dẫn đến bạo lực học đường, cụ thể là:

+ Các em cần được rèn luyện kĩ năng giao tiếp để hạn chế những câu nói gây mất lòng bạn bè.

+ Rèn luyện kĩ năng ứng xử để các em có những hành động thấu tình đạt lý, đạt tới giá trị nhân văn cao nhất.

+ Rèn luyện kĩ năng kiềm chế cảm xúc để các em biết kìm nén, biết sống bao dung độ lượng với mọi người.

+ Thường xuyên tổ chức các hoạt động VHVN – TDTT,  thi đua bảo vệ môi trường, chăm sóc cây hoa cây cảnh trong khuôn viên trường… để tạo sân chơi lành mạnh, tạo dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện. Thông qua đó để giáo dục lòng nhân ái, trang bị các kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Thầy Nguyễn Văn Hải, tổ trưởng tổ Lý Hóa tham luận trong buổi sinh hoạt chuyên đề.

 

          Tham luận của đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, khối trưởng chủ nhiệm 12 có những giải pháp hết sức thiết thực về phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên :

- GVCN nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, để an ủi và động viên các em vượt khó vươn lên. Đặc biệt chú ý những học sinh có điều kiện và hoàn cảnh như: gia đình quá khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh mà bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm…

- GVCN phối hợp với Đoàn trường nắm được tính cách từng em, gần gũi, động viên về tinh thần, chia sẻ khó khăn với các em. Với những học sinh thường hay gây gổ với bạn GVCN biết được nên tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý và phối hợp với giáo viên bộ môn, ban cán sự lớp gần gũi hơn, xóa được mặc cảm. Khi học sinh thấy mình được chia sẻ thì sẽ có suy nghĩ tích cực, phấn đấu tốt.

- Thường xuyên thông báo tình hình của học sinh tới PHHS về: ý thức kỷ luật, thái độ học tập, kết quả học tập, rèn luyện của các em, phối hợp phụ huynh thường xuyên kiểm tra bài học của con em mình. Khi học sinh có biểu hiện vi phạm kỷ luật như bỏ học, mâu thuẫn với nhau, cần nắm bắt kịp thời để xử lý nghiêm khắc.

+ Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, văn minh. Giáo viên phải hiểu được tâm sinh lí của học sinh, biết kìm chế, tuyệt đối không được dùng bạo lực, ngôn ngữ xúc phạm đối với học sinh, ngay cả với những học sinh vi phạm kỉ luật. Các thầy, các cô phải luôn là tấm gương sáng để học sinh tin tưởng, học tập noi theo.

+ Nhà giáo không được dùng bạo lực nhưng cũng không được phép bất lực trước học sinh cá biệt. Thầy cô, nhà trường phải biết dùng tình thương để cảm hóa các em, dù các em có ngỗ ngược như thế nào đi nữa, nếu giáo viên biết dùng tình thương cảm hóa thì các em sẽ sống tốt hơn. Không nên có thành kiến với học sinh, sử dụng biện pháp kỷ luật quá nghiêm khắc đối với học sinh, hãy giáo dục học sinh bằng tình thương để cảm hóa các em.

 

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, khối trưởng chủ nhiệm 12 trong buổi sinh hoạt chuyên đề

 Trường THPT Dương Quảng Hàm trong những năm gần đây đã làm tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nói không với bạo lực học đường bằng việc động viên, khích lệ, hướng học sinh tới những hoạt động tích cực, nhiều tập thể lớp tình nguyện viết đơn đăng ký mỗi tuần làm một việc tốt, đăng ký chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, tích cực tham gia Ngày chủ nhật xanh, tham gia câu lạc bộ Sách và hành động… 

Từ những hoạt động đầy ý nghĩa này, tình thần đoàn kết, yêu trường, yêu lớp… sẽ ngày càng được phát huy, sẽ giúp các em tránh xa các tệ  nạn xã hội, nói không với bạo lực học đường.

                                                                                            Kim Huế.

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết