Friday, 19/04/2024 - 11:07|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI THẦY TÀI NĂNG VÀ GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

Hồi tôi mới bước chân về công tác tại trường THPT Nam Khoái Châu, tôi đã rất ấn tượng khi nghe đồng nghiệp ca ngợi một người thầy giáo dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, nho nhã mà lại là thợ may áo dài có tiếng ở đất Đại Hưng, cũng là mảnh đất Khoái Châu - quê hương yêu dấu của tôi, nơi tôi được sinh ra, trưởng thành và vẫn đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Không tính tuổi thơ tôi với “nào mực nào bút, nào sách nào vở” và sự thần thánh hóa những người thầy mà tôi tôn kính, sau này khi đứng trên bục giảng và thấm thoắt cũng gần hai mươi năm, có nhiều người thầy và cả đồng nghiệp cùng trường, tôi vẫn thán phục bởi giỏi chuyên môn và cái tâm sáng đối với nghề. Nhưng những gì tôi tìm hiểu  về thầy giáo An Xuân Mười, người không dạy tôi buổi học nào, cũng chẳng phải người cùng trường với tôi, đã khiến tôi trân trọng, ngưỡng mộ.

Gặp thầy vào một ngày đầu thu tháng tám năm 2017 trong cái oi nồng của mùa hè vẫn còn nguyên vẹn. Không phải đang miệt mài bên trang giáo án mà thầy đang khéo léo cắt những mảnh vải để may áo dài cho nữ sinh trung học vì chẳng còn bao lâu nữa là ngày khai giảng năm học mới lại đến. Vừa gặp thầy, tôi đã nhận ra một tính cách vui vẻ, thân thiện, dễ gần, giản dị và rất mực chân thành. Thầy cởi mở mời tôi chén nước và cứ ngỡ tôi xuống đo áo dài. Tôi ngỏ ý về lý do gặp gỡ, thầy không ngại chia sẻ. Vậy là tôi có đã có cơ hội để hiểu nhiều hơn về một người thầy mà không chỉ có tôi kính nể và thán phục.

Câu chuyện giữa tôi và thầy đã đưa thầy hồi nhớ về quá khứ với niềm tự hào ngân lên trong giọng kể. Thầy nói:

Mình sinh năm 1972 ( thầy hơn tôi 5 tuổi nhưng thầy nói xưng hô vậy cho thân mật vì mình là đồng nghiệp của nhau), ngôi nhà mình đang ở cũng chính là quê hương yêu dấu của mình - xã Đại Hưng, huyện  Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - địa danh có truyền thống cách mạng. Mẹ mình  trước đây tham gia vào đội nữ du kích Hoàng Ngân từ năm 17 tuổi.

Tuổi thơ của mình giống như bao bạn đồng lứa ở nơi này cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả lắm!… Ngay từ khi còn nhỏ, mình đã có ước mơ sẽ làm thầy giáo dạy mĩ thuật. Nghĩ lại, ước mơ ấy bình dị quá trong cuộc sống hiện tại nhưng thuở đó, nó lại rất lớn lao đối với mình. Gia đình nghèo khó, mình đã vượt lên mọi khó khăn, chăm chỉ phụ giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng và quyết tâm học hành. Tốt nghiệp cấp III, mình thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm khoa mĩ thuật, vẽ là đam mê của mình và mình đã bước đầu thực hiện được ước mơ. Tốt nghiệp năm 1997, mình trở về công tác ở ngôi trường cũng bình dị như mình, Trường tiểu học Đại Hưng và làm một ông giáo làng.

Tôi phụ họa bằng một câu nửa đùa nửa thật:

Giáo làng như thầy khối người theo chẳng được đâu ạ! Này nhé, thầy vừa là thầy dạy vẽ, vừa là thầy dạy may, vừa là MC thường xuyên của trường, là nhà báo, nhà thơ…

Thầy tiếp tục chia sẻ bằng một nhiệt huyết của người yêu nghề trước bao nhiêu thay đổi của ngành giáo dục nước nhà: Con đường giáo dục từ những năm 2000 đến nay có nhiều thay đổi. Sự đổi mới trong dạy và học không còn là vận động mà phải quyết liệt thực hiện. Giáo dục học sinh phát triển toàn diện là nhiệm vụ, trách nhiệm của người thầy. Mình dạy môn mĩ thuật nhưng chưa bao giờ mình nghĩ nó là môn phụ để rồi lên lớp cho xong, cho hết giờ…

Buổi trò chuyện giữa tôi và thầy đã giúp tôi hiểu thêm về một tấm gương say mê công việc, tâm huyết với sự nghiệp, nhiệt tình với các phong trào đoàn đội, tích cực với các hoạt động xã hội có sức lan tỏa, có ý nghĩa nhân văn của ngành giáo dục.

Về công tác tại trường ngay từ những năm đầu tiên, thầy đã khẳng định được chuyên môn của mình. Sự năng động của một thầy giáo trẻ, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên và biết cách tổ chức, sắp xếp công việc gia đình, nhà trường hợp lý đã đưa thầy đến với nhiều thành công. Năm công tác thứ hai, thầy đã  tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và liên tục từ đó, thầy được các cấp, các ngành ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng. Năm học 2003-2004, thầy đạt giải B trong hội thi “Giáo án tốt, giờ học hay” toàn quốc. Nhiều năm, sáng kiến kinh nghiệm của thầy được Phòng giáo dục huyện Khoái Châu lựa chọn và được Sở Giáo dục và Đào tạo

Hưng Yên đánh giá có chất lượng.

Dạy mĩ thuật nhưng đồng nghiệp vẫn tấm tắc khen thầy là một người đa tài. Không chỉ  bồi dưỡng học sinh luyện vẽ, thầy còn hướng dẫn học sinh của trường tham gia một số cuộc thi có tính tuyên truyền, giáo dục đến thế hệ măng non. Năm 2010, học sinh của thầy tham gia thi và đạt giải Nhất cấp  Quốc gia về“ Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ”.

Nhiều  năm làm Tổng phụ trách đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh, với phương châm “Học mà vui, vui để học” thầy đã tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: “Ngày hội đọc sách”, “Giao lưu quyền và bổn phận của trẻ em”, “Chung tay tiết kiệm điện”, “Nhà thông thái nhỏ tuổi”, “Vận động viên nhỏ tuổi”… Đây là những sân chơi bổ ích, lí thú cho học sinh sau những giờ học căng thẳng, đồng thời kích thích sự hăng say học tập, mạnh dạn, tự tin, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Mười tám năm liền thầy được công nhận là giáo viên dạy giỏi, bảy năm  liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.  Thầy được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, Tỉnh đoàn, UBND huyện, Huyện ủy, Đảng bộ huyện Khoái Châu tặng bảy Bằng khen, hai mươi  mốt  Giấy khen, một  kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ… Không những thế, thầy còn được tặng danh hiệu: Thanh niên tiên tiến tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất và danh hiệu Điển hình tiên tiến 5 năm (2005 -2010, 2013 – 2015, 2010- 2015) của huyện Đoàn, của Liên đoàn Lao động, của Phòng  Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái Châu. Huyện Ủy Khoái Châu tặng thầy Giấy khen cho Thành tích xuất sắc  5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức,  phong cách Hồ Chí Minh (2011- 2016). Đặc biệt thầy còn được Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên tuyên dương trong Hội nghị lao động giỏi giai đoạn 2013 - 2015, được UBND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong năm học 2015 – 2016.

Không những thế, thầy Mười đã  góp một phần không nhỏ vào  các hoạt động  phong trào để Phòng  Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái Châu đạt giải Xuất sắc cho tập thể trong Đề án  giải thưởng Mĩ thuật thiếu nhi toàn quốc (Năm học 2012- 2013) do Bộ Văn hóa thông tin và du lịch trao tặng. Thầy được đài Truyền hình Hưng Yên nêu gương sáng hai lần và năm lần được các báo, tạp chí từ trung

ương đến địa phương và ngành giáo dục biểu dương về gương người tốt, việc tốt…

Tôi còn biết đến thầy là một tấm gương giàu lòng nhân ái. Hoạt động “Tết yêu thương” - tặng quà cho học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn được thầy phát động và đóng góp đã trở thành một nghĩa cử đẹp đẽ để thắp lên trái tim yêu thương trong thầy trò trường Tiểu học Đại Hưng.  Với tâm niệm “Thương người như thể thương thân”, thầy Mười sẵn sàng giúp đỡ những học sinh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ở xã Đại Hưng  huyện Khoái Châu ai cũng biết đến hoàn cảnh bác Đào Văn Mạnh. Bác bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, vợ bác  mất do tai nạn lao động, con trai lớn của bác bị ung thư và đã mất khi mới 12 tuổi. Cảm thương cho hoàn cảnh của gia đình bác Mạnh, thầy cùng gia đình của mình thường xuyên đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ để vợi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống  của bác Mạnh. Không những thế, thầy còn viết bài đăng báo về hoàn cảnh gia đình bác Mạnh để kêu gọi sự chung tay, giúp sức của cộng đồng.

Tôi và thầy Mười may mắn được sinh sống ở vùng quê yên bình, ít phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết khí hậu. Mỗi khi nghe tin vùng quê nào đó, nhà cửa bị lũ cuốn, trẻ em không thể đến trường, gói mì tôm cứu trợ phải chia nhau từng miếng…nỗi đau lại dấy lên trong  những trái tim giàu lòng trắc ẩn. Năm 2015 không ngại đường xá xa xôi, thầy cùng đoàn thiện nguyện của huyện Khoái Châu đã đến huyện Hàm Yên và huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang để ủng hộ, tặng quà cho bà con nghèo. Tháng 10 và 11 năm 2016 thầy đã trực tiếp hai  lần đi vào Hà Tĩnh cùng Huyện Đoàn và  Phòng Giáo dục huyện Khoái Châu đến giúp đỡ, tặng quà cho nhân dân tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại do cơn lũ lịch sử gây ra.

Không chỉ trao cho những người có hoàn cảnh khó khăn bằng tấm chân tình của lời động viên, của vật chất nhỏ bé mà thiết thực để tiếp thêm sức mạnh cho những cuộc đời cần chia sẻ, giúp đỡ thầy An Xuân Mười còn hiến tặng cả những giọt máu nuôi dưỡng cơ thể mình, còn  viết bài tuyên truyền về phong trào hiến máu nhân đạo và năm lần thầy hiến máu với suy nghĩ “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”- một chút thôi cũng ấm lòng người cho và người nhận đã khiến tôi trân trọng thầy hơn.

Được biết thầy Mười cũng  là thành viên tích cực trong đội văn nghệ của

Phòng Giáo dục huyện Khoái Châu, là cộng tác viên viết tin bài cho Huyện đoàn, Phòng Giáo dục huyện, trường tiểu học Đại Hưng và cho tạp chí Thế giới trong ta. Hơn nữa, thầy còn sáng tác thơ, nhiều thi phẩm của  thầy  được chọn đăng  trên báo, trên tạp chí. Đọc những bài thơ như  “Hạ nhớ”, “Nhớ quê hương”, “Kí ức tuổi thơ”… (Trích “Thơ nhiều tác giả”) tôi bỗng nhận ra một tâm hồn tinh tế, trong trẻo, giàu cảm xúc và chứa chan tình yêu với quê hương.  Quả đúng như mọi người vẫn trầm trồ khen ngợi: Thầy giáo An Xuân Mười - giáo viên trường Tiểu học Đại Hưng huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên là  người thầy giỏi chuyên môn, tâm huyết, giàu lòng nhân ái và rất đa tài.

                              Khoái Châu, ngày 14 tháng 8 năm 2018

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUYÊN DƯƠNG, TRAO THƯỞNG THẦY GIÁO AN XUÂN MƯỜI

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ THÀNH TÍCH CỦA THẦY GIÁO AN XUÂN MƯỜI

 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO   

      

 


Tác giả: THPT Khoái Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 37 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết