Friday, 29/03/2024 - 08:21|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÔ GIÁO TRỊNH THỊ TÂM - NGƯỜI TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ

Ở cái tuổi ngấp nghé về hưu người ta thường nói không còn nhiều nhiệt tâm với công việc nhưng nhìn cô, chúng tôi vẫn thấy ngọn lửa nhiệt huyết chưa bao giờ tắt cả

          Người mà tôi viết ra đây chính là người đi trước, người thầy, người đồng nghiệp của tôi, cô giáo: Trịnh Thị Tâm -Trường Mầm non Ngọc Thanh, Kim Động.

          Cô năm nay đã 54 tuổi. Ở cái tuổi ngấp nghé về hưu người ta thường nói không còn nhiều nhiệt tâm với công việc nhưng nhìn cô, chúng tôi vẫn thấy ngọn lửa nhiệt huyết chưa bao giờ tắt cả. Thế mới hiểu được tại sao qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả, thăng trầm với nghề như vậy mà cô vẫn gắn bó với nghề. Chỉ có thể nói rằng cô yêu nghề lắm! Yêu những ánh mắt ngây thơ, yêu nụ cười hồn nhiên của trẻ. Đó là sức mạnh thôi thúc cô vượt mọi hoàn cảnh khó khăn để bám trụ với nghề.

          

          Nhớ lại thời điểm khó khăn, ngành giáo dục còn nghèo, còn khó, nhất là cô giáo mầm non thì còn vất vả hơn rất nhiều. Trước kia đi dạy học phải dạy ở đình, ở chùa, phải mượn cơ sở vật chất để dạy và mức thu nhập của cô thì phụ thuộc vào số lượng các cháu được gửi,  có lúc thu vài cân thóc trên một cháu một tháng, còn phải đến tận nhà để thu. Vào thời điểm này rất nhiều đồng nghiệp đã bỏ nghề nhưng cô vẫn bám trụ với nghề.           

          Khi ngành giáo dục được quan tâm hơn, giáo viên các cấp học được biên chế đầy đủ nhưng cô giáo mầm non thì không. Các cô vẫn phải phụ thuộc vào số lượng các cháu đến lớp. Các cháu đông thì cô còn tạm đủ sống, mà ít cháu thì cô phải vất vả bươn trải thêm, vất vả là thế, khổ cực là thế nhưng cô chưa bao giờ thôi yêu nghề.

          Khó khăn nối tiếp khó khăn cứ năm này qua năm khác, số trẻ mỗi năm đến lớp đông hơn, thời đại thì một tiến lên. Trẻ được sinh ra, được gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ cũng là một vấn đề đòi hỏi xã hội, ngành giáo dục phải thay đổi vươn lên đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về chăm sóc, dạy dỗ. Tuy nhiên, giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng chưa được xã hội quan tâm nhiều, khó khăn nối tiếp khó khăn, khi cô tiếp tục con đường đi học bồi dưỡng thêm nâng chuẩn để chuyển mình cùng thời đại đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao của xã hội, của ngành. Cùng với bao nhiêu giáo viên mầm non khác cô lại cố gắng vươn lên, cô ôn thi và đỗ vào lớp đại học chuyên tu khóa I của tỉnh Hưng Yên niên khóa 2004 - 2007.

          Bao nhiêu tuổi nghề là bấy nhiêu sự thấm thía câu nói: Học, học nữa, học mãi. Cô đã bươn trải để học trong khoảng thời gian ba năm. Ba năm không phải là khoảng thời gian ngắn xong với lòng nhiệt tình, hăng say của một cô giáo mầm non như cô đang đứng giữa bầy trẻ thơ với những ánh mắt tròn xoe, trong sáng đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn thử thách để tới đích, tới một ước mơ: học, để có thêm kiến thức với mong muốn chăm sóc dạy dỗ trẻ thơ, có những bước đi vững chắc hơn để bước vào đời.

          Những tưởng rằng khó khăn nào rồi cũng qua đi. Nhưng không,  năm 2008 cô mắc một căn bệnh mà ai cũng sợ, căn bệnh mang hai chữ “ung thư”, căn bệnh  đã  làm bao nhiêu người sớm từ giã cuộc sống tươi đẹp, căn bệnh đã làm cho bao gia đình trở lên khó khăn cùng cực, nhiều đứa trẻ có cha thì thiếu mẹ, có mẹ thì không cha. Thế mà nó lại đến với cô - một cô giáo mầm non đồng lương ít ỏi. Một lần nữa cô lại phải gồng mình chạy vạy tiền thuốc thang, lại phải gồng mình chống chọi bệnh tật. Bệnh tật đã làm cô héo mòn. Cô phải nghỉ dạy để ở nhà chạy chữa bệnh. Tháng hè là tháng để người ta nghỉ ngơi, đi chơi, đi du lịch cùng gia đình bạn bè. Còn cô, cô phải nằm viện điều trị suốt hơn hai tháng. Ngày cô ra viện, chị em trong trường, đồng nghiệp tới thăm động viên, chia sẻ khó khăn, nỗi đau bệnh tật với cô. Nguồn sức mạnh tinh thần đã khiến cô thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Cuộc đấu tranh sống còn 1- 1 này không hề đơn giản. Cứ tưởng rằng nghành giáo dục sẽ không còn một cô giáo yêu nghề, đồng nghiệp mất đi một người đồng nghiệp tận tụy, các cháu nhỏ mất đi một người mẹ hiền….Thế rồi dường như trời xanh không phụ lòng người. Qua bao nhiêu ngày tháng chiến đấu với bệnh tậ,t căn bệnh của cô đã thuyên giảm, cô lại trở lại với nghề giáo. Trở lại với bầy trẻ thơ thân yêu để được chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục các cháu, các cháu nhỏ lại được nghe bài bài giảng của cô. Phải chăng chính những ánh mắt thơ ngây ấy, những nụ cười hồn nhiên ấy giúp cô vượt qua mọi khó khăn, vượt lên số phận để tiếp tục với cái nghề người lái đò đưa khách sang sông.


 

 

 


 

 

 

 


 

 

          Những năm tháng chuẩn bị về hưu, chắc hẳn ai cũng nghĩ sống an phận thủ thường, bình yên. Nhưng với cô thì không. Ở cái tuổi 53 cô vẫn phấn đấu đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Điều mà không ai nghĩ đến. Đúng là với cô “Tuổi càng cao trí lại càng cao”. Tiết dạy của cô được ban giám khảo đánh giá rất cao. Nhiều lần được dự tiết dạy của cô tôi vỡ lẽ ra nhiều điều tiết dạy của cô không chỉ là dạy mà là cô đang truyền cảm hứng, đang lan tỏa tình yêu thương, sự bao dung với đàn con nhỏ. Với cô đây chính là nghề cô yêu, việc làm mà cô đam mê nên cô mới tuyệt vời đến thế. Sự cô gắng của cô, tâm huyết của cô rồi cũng được đền đáp. Cuối năm học 2017-2018 cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kim Động trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đây là phần thưởng vô cùng xứng đáng với những người có tâm huyết như cô. Cuối năm học 2018-2019, Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho cô với mức cao nhất là 5 triệu đồng. Đây là sự quan tâm, động viên rất lớn đối với cô bởi công đoàn là mái nhà, là tổ ấm cho mỗi đoàn viên. Ngày tôi đưa cô đi nhận tiền hỗ trợ cô xúc động nghẹn ngào bởi cô thấy cô không chỉ được gia đình đồng nghiệp bạn bè quan tâm mà còn được các tổ chức chính trị- xã hội quan tâm, chia sẻ. Nhìn cô tôi cũng thấy ấm áp trong lòng.

          Thời gian cô bên bầy con trẻ cũng chỉ còn đếm ngược từng ngày. Rồi cô cũng về hưu như bao người khác. Cũng giống như đồng nghiệp bạn bè cô nghành học mầm non. Về hưu với mức lương tối thiếu 1,4 triệu/tháng. Một mức chế độ quá thấp cho 1 đời người cống hiến và vượt bao gian khó vì các con học sinh thân yêu, nỗ lực vượt lên chính mình. Những ngày tháng tiếp theo này đối với cô chắc hẳn lại là những ngày tháng khó khăn, vất vả. Với số tiền lương ít ỏi liệu có đủ cho cô điều trị căn bệnh ung thư đã di căn và trang trải cuộc sống. Cầu mong bệnh tật của cô sẽ thuyên giảm để đỡ tiền thuốc thang và có một cuộc sống bình an bên gia đình và người thân sau khi cô nghỉ hưu.

“Rồi ngày kia khi bình minh thức giấc,

 Cô không còn phải tất bật đến trường.

 Rồi ngày kia cô không còn trăn trở.

 Về bài dạy với đàn trẻ thơ.

 Cũng từ ngày kia cô sống cuộc sống an yên đầy dung dị.

 Sáng thể dục dưỡng sinh chiều trồng hoa làm vườn…...

 Cũng cầu mong từ ngày kia bệnh của cô thuyên giảm.

 Tiền thuốc thang không còn là ghánh nặng hàng ngày.

 Rồi ngày kia cô sống an nhiên tự tại,

 Không lo không tiếc việc đã qua.”

          Là đồng nghiệp của cô nhưng cô giống như người đi trước, người truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ chúng tôi vững tâm với nghề. Hàng ngày nghe giọng cô giảng bài sao mà ấm áp, cái cách cô chăm sóc, dạy dỗ các con trẻ sao mà gần gũi, sao mà thân thương thế. Tuy hàng ngày cô vẫn phải âm thầm chịu đựng những cơn đau của căn bệnh quái ác, xong cô vẫn cố gắng vươn lên, cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cố gắng bước vững những bước cuối của nghề “Cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Cô xứng đáng được tôn vinh, chính là tấm gương sáng mà chúng tôi học tập và noi theo. Cô chính là một người chiến sĩ trên mặt trận “Trồng người”.

 


Tác giả: ĐỖ THỊ YẾN
Nguồn:Trường Mầm non Ngọc Thanh, Kim Động Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 51 trong 15 đánh giá
Click để đánh giá bài viết