Friday, 26/04/2024 - 06:16|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CUỘC VẬN ĐỘNG “MỖI THẦY, CÔ GIÁO LÀ MỘT TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO”

            Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thực sự đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhận thức sâu sắc hơn về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo nghề nghiệp, tinh thần tự học của mỗi thầy, cô giáo trong hoạt động giáo dục- đào tạo

Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ năm học 2007 - 2008 trong bối cảnh toàn ngành tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chị thỉ 06-CT/TW ngày 07.11.2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thực sự đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhận thức sâu sắc hơn về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo nghề nghiệp, tinh thần tự học của mỗi thầy, cô giáo trong hoạt động giáo dục- đào tạo. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động trong ngành về ý thức tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và sáng tạo, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục- đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

                                     Hội nghị tuyên dương cán bộ, đoàn viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm                               
                            ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 28/7/1929- 28/7/2019

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn ngành. Đây là phong trào thi đua thiết thực của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với các phong trào thi đua truyền thống của ngành như “Dạy tốt- Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động trong ngành nâng cao ý thức tự rèn luyện đạo đức, tự học và sáng tạo.

Niềm vui ngày tựu trường của cô và trò

Hưởng ứng Cuộc vận động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên thường xuyên xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và vận động cán bộ quản lý, nhà giáo tích cực hưởng ứng Cuộc vận động. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trên địa bản tỉnh đều hiểu rõ nội dung Cuộc vận động và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị trường học. Kết quả hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động, ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã có nhiều tấm gương sáng, nhiều thầy cô mẫu mực luôn hết lòng vì các em học sinh thân yêu, tạo ấn tượng tốt đẹp không chỉ với học sinh, phụ huynh học sinh, mà còn tạo được niềm tin với nhân dân, với xã hội.

Điển hình như tấm gương cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên môn Tiếng Anh trường THPT Đức Hợp, với tinh thần sáng tạo, yêu nghề đã vượt qua bao khó khăn, không ngừng học tập, đổi mới trong giảng dạy để khơi dậy niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh đồng thời là người truyền cảm hứng học tập cho rất nhiều thế hệ học sinh. Đam mê, khát vọng cống hiến đã đưa cô giáo trẻ vùng quê đến với Nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam và Cộng đồng giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft. Phần thưởng cho sự nỗ lực, quyết tâm của cô khi vinh dự được cùng 3 cô giáo khác đến từ thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Nam tham gia “Diễn đàn Giáo dục toàn cầu” do Microsoft tổ chức tại thành phố Toronto, Canada, đây là diễn đàn Giáo dục có uy tín nhất trên thế giới nhằm tôn vinh các nhà giáo có sáng kiến giáo dục trong việc chuyển đổi mô hình học tập và ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Thật tự hào khi cô cùng với nhóm của mình đã dành Giải Đặc biệt, Giải thưởng cao nhất tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.

Niềm vui và tự hào khi cô giáo Trần Thị Thúy đoạt Giải Đặc biệt- Giải thưởng cao nhất tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017

Tấm gương cô giáo Trần Thị Thục, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đình cao, huyện Phù Cừ - một tấm gương tiêu biểu Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, với sự mẫu mực, sự tận tâm, đạo đức nhà giáo cô đã nhận được sự tin yêu, kính trọng trong lòng nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Trong một lần đến thăm gia đình học sinh Trần Văn Phúc, thương cảm hoàn cảnh của em, cô Thục đã gạt hết mọi khó khăn về hoàn cảnh gia đình như chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên vắng nhà, một mình vừa đảm nhiệm công việc ở trường vừa nuôi dạy 2 con và chăm lo bố mẹ 2 bên gia đình để đón nhận Phúc về nhà chăm sóc và dạy kèm cho em. Có những đêm Phúc trằn trọc không ngủ được, rồi những ngày em ốm sốt đều được cô tận tình chăm sóc, lo lắng và yêu thương như con ruột của mình. Với những thành tích trong công tác giảng dạy, quản lý, năng lực, phẩm chất đạo đức gương mẫu của nhà giáo, cô giáo Trần Thị Thục đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú của tỉnh Hưng Yên năm 2020 đề nghị cấp trên xét tặng cô danh hiệu cao quý “Nhà giáo Ưu tú”.

Cô giáo Trần Thị Thục- người mẹ thứ hai của em Phúc

Đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực hưởng ứng thực hiện Kế hoạch 549/KHLT-SGDĐT-CĐN về Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới vì một trường học hạnh phúc thì tấm gương cô giáo Trần Thị Thúy và cô giáo Trần Thị Thục càng sáng lên phẩm chất đáng quý của nhà giáo trong tình hình mới.

Có thể thấy, Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi góp phần tích cực trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức, tinh thần tự học và tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế và xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 khiến cho đời sống của một bộ phận  cán bộ, nhà giáo gặp không ít khó khăn. Mặt khác nền kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ tới nền giáo dục, làm cho một bộ phận cán bộ, nhà giáo mất đi hình ảnh mẫu mực vốn có. Vì vậy, Cuộc vận động ngày càng có ý nghĩa và cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Trên tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Công đoàn ngành phối hợp với Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động trong ngành tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” sẽ được đẩy thêm một bước tiến mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo về ý thức tu dưỡng, phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, đẩy lùi các tiêu cực trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục- đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn vậy, Công đoàn Giáo dục các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở các đơn vị trường học tổ chức thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

1. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức tọa đàm, hội thảo về những phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhận thức đúng vai trò, vị trí của Cuộc vận động. Cụ thể:

- Cần thực hiện Cuộc vận động một cách thường xuyên, chú trọng vào các ngày lễ lớn của đất nước, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Công đoàn nhà trường phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức tốt các buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo trong đội ngũ về tư tưởng, tấm gương đạo đức nhà giáo Hồ Chí Minh và những tấm gương đạo đức của các nhà giáo nổi tiếng trong lịch sử dân tộc và của tỉnh Hưng Yên.

- Tổ chức tọa đàm và giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho các em học sinh. Mỗi trường đều có khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trang trí ở vị trí trang trọng của đơn vị, làm cho mọi cán bộ, giáo viên và người lao động trong trường thường xuyên nhận thức đúng vai trò, vị trí Cuộc vận động và quyết tâm, thi đua thực hiện một cách hiệu quả.

2. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đơn vị.

- Hàng năm, căn cứ vào chương trình, nhiệm vụ của năm học, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị nhà trường, ban chỉ đạo Cuộc vận động ở mỗi đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có nội dung trọng điểm, trọng tâm để triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động. Trong đó, chú ý kế hoạch tổ chức các hoạt động ở những thời điểm quan trọng như: Tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ lớn của dân tộc.

- Cùng với việc xây dựng chương trình, kế hoạch cần tiến hành phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong trường và đơn vị để tổ chức thực hiện. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ của cấp ủy, nhiệm vụ của chính quyền, công đoàn, của từng thành viên trong ban chỉ đạo để Cuộc vận động được thực hiện một cách thường xuyên và có hiệu quả trong suốt năm học.

- Cuối năm học cần có tổng kết, rút kinh nghiệm và tôn vinh những tấm gương thực hiện tốt Cuộc vận động.

3. Tổ chức Cuộc vận động gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, dạy tốt- học tốt, đổi mới, sáng tạo trong dạy - học và lồng ghép với các phong trào thi đua, cuộc vận động truyền thống khác của ngành.

- Công đoàn phối hợp với chính quyền cụ thể hóa phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học và các cuộc vận động khác, cùng với nội dung đạo đức, tự học và sáng tạo thành những tiêu chí cụ thể, thiết thực phù hợp với đơn vị để chỉ đạo thực hiện.

- Kết quả tổng hợp của các các phong trào thi đua, cuộc vận động chính là dân chủ trong trường học được phát huy, nền nếp, kỷ cương nhà trường và đơn vị được giữ vững, phương pháp quản lý và giảng dạy tiếp tục được đổi mới, các yếu kém, hạn chế trong hoạt động giáo dục được khắc phục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục- đào tạo của nhà trường, cơ quan đơn vị.

4. Tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả thực hiện Cuộc vận động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, chủ động xây dựng và nhân rộng các tấm gương điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động.

5. Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động của cấp trên, kết hợp với sự tự kiểm tra của nhà trường, của đội ngũ nhà giáo. Thông qua kiểm tra kịp thời phát hiện, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém.

- Công đoàn Giáo dục tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo triển khai và kết quả Cuộc vận động của các đơn vị, những nhà trường triển khai Cuộc vận động có kết quả tốt, tiêu biểu để tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo.

6. Thủ trưởng đơn vị gương mẫu thực hiện Cuộc vận động.

Để cuộc vận động thực sự phát triển sâu rộng thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, các thành viên trong ban chỉ đạo phải là những người gương mẫu thực hiện. Hiệu trưởng và lãnh đạo đơn vị, cán bộ công đoàn phải thực sự gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, năng lực ứng xử sư phạm và sáng tạo trong công tác quản lý nhà trường và hoạt động chuyên môn.

Phát huy kết quả Cuộc vận động cùng với các phong trào thi đua truyền thống của ngành gắn với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm” và nội dung của Kế hoạch liên tịch số 549/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 17/4/2019 của Sở Giáo dục- Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh Hưng Yên về Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay, trên tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW chính là đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vì chỉ có tinh thần trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo chúng ta mới kêu gọi, động viên toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành thực hiện có hiệu quả và chất lượng Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Năm học mới đã bắt đầu, một năm học hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn tiến phức tạp, khó lường. Phát huy những kết quả toàn ngành đã đạt được trong các năm học vừa qua, Ban Thường vụ Công đoàn ngành phối hợp với Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động trong ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo quyết tâm vượt mọi khó khăn thực hiện tốt, có hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.


Tác giả: Trần Đắc Viện - Chủ tịch Công đoàn Ngành
Nguồn:Công đoàn ngành Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết