Saturday, 27/04/2024 - 03:16|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THAM LUẬN XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo. Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa các thầy, cô giáo tham dự hội thảo.

Ngày 22/4/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Với việc xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc- Thầy cô hạnh phúc- Học sinh hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính. Và ngày 28/9/2019, Công đoàn Giáo dục tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” tại trường THPT Triệu Quang Phục. 

Hưởng ứng phát động của Sở GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Hưng Yên,  ngày 01/11/2019, thầy trò trường THCS Xuân Quan rất vinh dự và vui mừng được đón Đoàn đại biểu là các đ/c Lãnh đạo, chuyên viên PGD&ĐT Văn Giang, các thầy cô trong BGH 3 bậc học của các nhà trường trong toàn huyện về dự Lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Tại buổi lễ phát động, nội dung được nhắc tới nhiều nhất đó chính là “ xây dựng trường học  hạnh phúc”.

Vậy “Trường học hạnh phúc” là gì ?

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một trường học hạnh phúc là trường học tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và bối cảnh giáo dục mà nhà trường được đặt vào; trong đó có mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”. Với các nhà trường hiện nay, bà cho rằng có thể tập trung vào ba giá trị cốt lõi mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn: An toàn, yêu thương và tôn trọng.

*An toàn được hiểu bao gồm cả về thể chất và tinh thần. Điều kiện đủ của nó là trường học cần có tối thiểu những cơ sở vật chất, nhân lực để bảo đảm an toàn cơ bản. Tuy nhiên, điều kiện đủ lại là an toàn về tinh thần. Điều đó chỉ có thể làm được khi quản lý nhà trường, giáo viên, nhân viên, học sinh đều có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của bản thân; những quy định pháp lý mà họ được bảo vệ, phải tuân thủ, và nhất là có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thế nhưng, trong thực tế, nhiều nhà giáo của chúng ta còn thiếu kĩ năng sống, chuyên môn chưa tốt khiến họ lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Ở trường hợp đó, những nhà giáo này khó có thể cảm nhận được hạnh phúc, cùng tạo ra hạnh phúc cho nhà trường. Vì thế, giúp cho họ có chuyên môn, có hiểu biết chính là một trong những việc quan trọng mà mỗi nhà trường cần phải làm ngay, cũng như mỗi người làm công tác giáo dục cần nhận ra để tự thay đổi.

* Một môi trường học đường chỉ có thể có hạnh phúc nếu các mối quan hệ được xây dựng và thực thi dựa trên yêu thương. Yêu thương bắt đầu từ sự thấu hiểu, chia sẻ với người khác mà không phải là sự ích kỉ, đơn phương thực hiện. Yêu thương cũng là một giá trị truyền thống của dân tộc ta, nên phát huy nó không phải là việc khó khăn. Song, bối cảnh xã hội phức tạp, khiến cho nhiều hoạt động của nhà trường bị rời rạc. Nhận thức coi trọng các yếu tố kinh tế, về lợi ích cá nhân… hoặc  những khó khăn rình rập đời sống của mỗi người, mỗi gia đình đã khiến cho việc quan tâm lẫn nhau, làm việc cùng nhau, vì nhau đang có phần bị xem nhẹ. Để xây dựng một nhà trường trong tình yêu thương đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người, trong đó cần nhất là sự chuyển biến về công tác lãnh đạo, công đoàn.

*Sự tôn trọng trong mỗi nhà trường cần mỗi người thay đổi nhận thức và cách thực hiện dựa trên dân chủ trường học và cách huy động lực lượng tham gia vào các hoạt động trong nhà trường. Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo rằng, dựa trên tôn trọng, hầu hết các công việc sẽ diễn ra suôn sẻ và có trách nhiệm cao. Đặc biệt, với các giáo viên, khi thấu hiểu giá trị tôn trọng, biết tôn trọng, họ sẽ làm được việc tôn trọng học sinh, dẫn đến thay đổi lớn về nội dung, cách thức giáo dục. Từ đó sẽ tạo ra những thành tựu lớn cho giáo dục con người.

Mối quan hệ giữa các giá trị này có tính hữu cơ, tạo ra môi trường để mỗi người có thể nhận ra bản thân mình, và những điều mình có thể làm cho nhà trường trở nên tốt đẹp hơn, từ đó có hạnh phúc.

Vậy giải pháp để xây dựng “trường học hạnh phúc” là gì?

Để có một trường học hạnh phúc thực sự, ngoài giải pháp vĩ mô, thì giải pháp vi mô, đó là có những việc khả thi chúng ta có thể làm được ngay, nằm trong tầm tay của ngành Giáo dục, của mỗi thầy cô và học sinh. 

Thật ra, ai cũng có thể nhận ra, tạo ra hạnh phúc của riêng mình. Đó là hãy quan tâm đến việc làm cho mình khỏe, duy trì cảm xúc tích cực để từ đó làm việc tốt, sống tốt. Mỗi thầy cô có thể tạo ra sức khỏe của mình bằng cách duy trì tập thể dục, lao động có kế hoạch, hợp lý, ưu tiên việc quan trọng. Ở ngôi trường của chúng tôi, việc duy  trì và phát triển phong trào TDTT luôn được quan tâm chú trọng. Ngoài các giờ lên lớp, cả thầy và trò đều tích cực tham gia các hoạt động TDTT rèn luyện sức khỏe cũng như giao lưu gắn kết các thành viên với nhau. ( Hình ảnh minh họa: bài TD đầu giờ của HS, HS chơi bóng đá, cầu lông… sau giờ học; thầy cô chơi bóng chuyền, tập luyện yoga sau buổi dạy; giao lưu bóng đá, bóng chuyền giữa các tổ hoặc với trường bạn….).

Sức khỏe của mỗi thầy cô còn là sự hiểu biết để mình khỏe về tinh thần. Các thầy cô có thể dành nhiều thời gian cho học tập đồng nghiệp, đọc sách và thử nghiệm những điều học tập được vào cuộc sống. Khi chúng ta khỏe, chúng ta sẽ thấy mình tự tin để tiếp nhận những thay đổi từ công việc, cuộc sống. (hình ảnh minh họa: nhà trường mời chuyên gia về dạy kỹ năng làm chủ giọng nói cho GV….).

Bên cạnh sức khỏe, việc duy trì cảm xúc tích cực rất hữu hiệu. Đó là việc tìm ra những điều tốt ngay cả trong sự việc tiêu cực, không mấy tốt đẹp vừa xảy ra; đó là mong muốn cải tiến để giúp ta làm gì cũng có khả năng hoàn thiện.

Các thầy cô hãy thường xuyên dùng công thức “khen” trước “chê” sau, nghĩa là, dù tồi tệ đến đâu, cố gắng tìm ra vài điểm tích cực để khen. Khi là một giáo viên, điều dễ dàng nhất với chúng ta đó là yêu học sinh. Khi đó, chúng ta sẽ mang được những điều tốt đẹp vào bài giảng. Chỉ cần nhìn vào các em, mỗi thầy cô sẽ thấy có động lực làm việc, thấy còn nhiều việc để làm có ý nghĩa. 

Bên cạnh đó, các thầy cô cần bám sát vào các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đó là:

1- Tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, trong đó tập trung vào việc xây dựng một môi trường làm việc và học tập  lý tưởng cho GV và HS. 

Vậy làm thế nào để nó trở nên lý tưởng? Hiểu một cách đơn giản là khi nhu cầu về vật chất và tinh thần của người dạy và người học được thỏa mãn về cơ bản.

+ Trước hết là sự đầy đủ về CSVC và trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng được các nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Nhưng thực tế thì sao ạ? Rất nhiều nhà trường còn khó khăn, CSVC và trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Vậy chúng ta phải làm ntn? Bên cạnh nguồn ngân sách do cấp trên cấp, chúng ta cần tích cực làm công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia hỗ trợ nhà trường. Nếu đồng chí hiệu trưởng nào luôn ngại việc và sợ trách nhiệm chúng ta sẽ không làm được điều đó. Và để làm tốt điều này, không có cách nào khác là các đồng chí CBQL cần tìm hiểu kỹ các văn bản, nắm rõ quy định, tham khảo ý kiến và các cách làm hay để học hỏi.  

+ Môi trường lý tưởng còn là việc chúng ta thường xuyên sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; bao dung với học trò; duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện; mọi thành viên trong trường học, trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn. Ở ngôi trường của chúng tôi, quy chế dân chủ và tinh thần tập thể, đoàn kết luôn được đề cao, mọi thành viên đều được tôn trọng. Chúng tôi gắn kết với nhau như một đại gia đình, đồng nghiệp không chỉ giúp đỡ chia sẻ với nhau về chuyên môn mà còn cùng nhau tạo ra niềm vui, chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong cuộc sống. GV được quan tâm đúng mức, chế độ chính sách, đãi ngộ được đảm bảo, họ có vui, có hạnh phúc không ạ? Đương nhiên có. (hình ảnh minh họa: công đoàn tổ chức sinh nhật, tham quan du lịch, …). Học sinh được quan tâm, được bày tỏ và được đáp ứng mong muốn, nguyện vọng về vui chơi, về học tập, có vui, có hạnh phúc không? Đương nhiên là vui và hạnh phúc rồi. (hình ảnh minh họa: ngày tựu trường; ngày khai giảng; Hội chợ nhân ái- Đêm hội trăng Rằm; giao lưu với GS Nguyễn Lân Dũng; hội thảo “Dạy con thời hiện đại”; HS tham gia các hoạt động trải nghiệm; thuyết trình về ngôi trường mơ ước….).

2- Tiêu chí về dạy và học, trong đó tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh. Tôi rất tâm đắc với một câu nói về sự đánh giá, đó là: đừng đánh giá khả năng của một con cá qua việc leo cây. Mỗi 1 học sinh sẽ có một đặc điểm, hoàn cảnh cũng như khả năng khác nhau. Vì vậy, người làm giáo dục như chúng ta là phải biết làm thế nào để học trò của mình có thể phát triển theo đặc điểm, hoàn cảnh và khả năng đó. 

Ở ngôi trường của chúng tôi, mỗi giờ lên lớp là một sự đổi mới. Việc đổi mới PPDH luôn được chú trọng, trong mỗi tiết học, HS được phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo trong việc hình thành và tiếp nhận kiến thức mới cũng như vận dụng vào thực tiễn. Mọi đối tượng HS đều được quan tâm và được ghi nhận kết quả làm việc trong mỗi giờ học (hình ảnh minh họa: các tiết học). 

3- Tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ chia sẻ với HS có nhu cầu đặc biệt, có hoàn cảnh riêng; đồng thời quản lý cảm xúc tiêu cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh và đồng nghiệp, làm gương cho học sinh trong các mối quan hệ, trong tương tác giao tiếp và đối thoại; Phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh (hình ảnh minh họa: GV- CMHS luôn đồng hành trong mọi hoạt động giáo dục).

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý! 

Kính thưa các thầy, cô giáo tham dự hội thảo!

Tôi thiết nghĩ, muốn xây dựng một trường học hạnh phúc, bản thân mỗi nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chúng ta phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và để cùng nhau xây dựng “Trường học hạnh phúc” cần lắm sự chung tay của tất cả chúng ta. Trước tiên là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường, tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sống cho đội ngũ nhà giáo, tới việc động viên tinh thần cũng như quan tâm và có chế độ chính sách phù hợp với nhà giáo, làm thế nào để đảm bảo được đời sống tối thiểu của thầy cô, để họ yên tâm công tác, yêu nghề và mong muốn được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi mong muốn rằng, sau buổi hội thảo hôm nay, sẽ có những quan tâm hơn nữa, những thay đổi tích cực hơn nữa từ ngành, để nhà giáo chúng ta  có thêm động lực yêu đời, yêu nghề hơn, để mỗi thầy cô thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả các con học sinh. 

Các thầy, cô giáo- những đồng nghiệp yêu quý của tôi!

  Trường học hạnh phúc, hiểu một cách đơn giản nhất, là mỗi ngày đến trường, GV, HS đều vui. Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô bây giờ, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để đối với các con, trường học trở thành một nơi thú vị để sống và học được một điều thú vị để làm. Đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của các con HS. Vì thế, sứ mệnh của người thầy lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết. 

Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo chúng ta phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của mình trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, ứng xử nhân văn để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo. Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo. Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui, các thầy cô nhé! Có thể ngày hôm nay, đời sống của đại đa số những thầy cô giáo như chúng ta vẫn còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, với hai chữ nhà giáo trên vai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu và cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh cao cả đó phải không các thầy cô? 

Và tôi rất tâm đắc một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một câu nói bao hàm tất cả những giá trị và vị ngọt hướng gửi đến những ai làm về giáo dục  “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. 

Cuối cùng, xin được kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý luôn dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, thành công. Chúc các đồng chí CBQL, các thầy cô giáo, những đồng nghiệp yêu quý của tôi luôn vui khỏe, và luôn luôn hạnh phúc, bởi chúng ta có hạnh phúc chúng ta mới lan tỏa hạnh phúc tới những người xung quanh, mới làm cho ngôi trường hạnh phúc được phải không ạ? 

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, khách quý, các thầy cô đã chú ý lắng nghe phần trình bầy của tôi. Và chúng ta hãy cùng nhau tin tưởng, cùng nhau hành động vì những lớp học hạnh phúc, vì ngôi trường hành phúc nhé. Xin 1 tràng pháo tay thật lớn để thể hiện quyết tâm “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” được không ạ? Vâng, xin trân trọng cảm ơn!


Tác giả: Nguyễn Thị Tố Uyên
Nguồn:Trường THCS Xuân Quan, Văn Giang Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết