Thursday, 25/04/2024 - 17:35|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO

TRONG BỘ MÔN NGỮ VĂN CỦA HỌC SINH KHỐI 10 VÀ 11, TRƯỜNG THPT MỸ HÀO

HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO TRONG BỘ MÔN NGỮ VĂN CỦA HỌC SINH KHỐI 10 VÀ 11, TRƯỜNG THPT MỸ HÀO

 

        Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang là một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm và đem đến nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là tâm lí thích thú, hứng khởi cho học sinh. Trải nghiệm là hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đây là phương pháp thực sự ưu việt giúp học sinh phát huy tính tự chủ, tích cực, sáng tạo và tập thể; giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành và phát triển các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục.

        Thực hiện kế hoạch năm học 2018 -2019 của Ban Chuyên môn, của tổ Văn trường THPT Mỹ Hào, trong hai tháng 10 và tháng 11 vừa qua, các cô giáo trong tổ Ngữ văn cùng với các em học sinh hai khối 10 và 11 đã đến học tập tham quan tại hai địa điểm là khu di tích Cổ Loa, thuộc địa bàn huyện Đông Anh - Hà Nội; Nhà tưởng niệm nhà văn- liệt sĩ Nam Cao và thăm ngôi nhà Bá Kiến thuộc địa bàn xã Hòa Hậu - huyện Lí Nhân- tỉnh Hà Nam.

        Đến với khu di tích Cổ Loa, các em học sinh hai lớp 10A1, 10A10 đại diện cho học sinh khối 10, đã tận mắt được chứng kiến đền thờ An Dương Vương, người có công rất lớn trong việc xây thành, chế nỏ trong công cuộc dựng nước, bảo vệ nhà nước Âu Lạc; am thờ Mị Châu - một cô gái có tâm hồn trong sáng, chỉ vì “trái tim lầm chỗ để trên đầu” mà gây ra cảnh nước mất nhà tan. Bức tượng Mị Châu cụt đầu để lại trong các em học sinh nhiều cảm xúc về một nàng công chúa đáng thương mà cũng đáng trách, về bài học trong cách ứng xử đúng đắn các mối quan hệ riêng- chung, quan hệ nhà- nước, quan hệ cá nhân- cộng đồng...Mặc dù vua cha đã tự tay chém đầu con gái nhưng dân gian vẫn để đền thờ vua An Dương Vương và am thờ công chúa Mị Châu gần nhau. Đây cũng là chi tiết để lại nhiều suy nghĩ cho các em học sinh về cách xử lí vừa có lí, vừa có tình của nhân dân.

Học sinh lớp 10A1 trong chuyến đi Cổ Loa

 

        Ngày 23/11 vừa qua,  các em học sinh hai lớp 11A2, 11A10 - đại diện cho các em học sinh khối 11 đã đến học tập tham quan tại khu tưởng niệm nhà văn- liệt sĩ Nam Cao và thăm ngôi nhà Bá Kiến thuộc địa bàn xã Hòa Hậu- huyện Lí Nhân- tỉnh Hà Nam.

        Thăm Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao, các em học sinh được hiểu thêm về gia phả, quê hương, về sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Các em cũng tự rút ra nhiều bài học từ cuộc đời lao động sáng tạo miệt mài và những cống hiến, hi sinh cho cách mạng của nhà văn Nam Cao.

        Đến thăm ngôi nhà Bá Kiến, các cô giáo và học sinh đều ngỡ ngàng trước một công trình kiến trúc đã hàng trăm năm mà dường như còn nguyên giá trị. Các em hiểu được khi xây dựng nhân vật Bá Kiến, nhà văn Nam Cao đã dựa vào nguyên mẫu Chánh Bính (còn gọi là Bá Bính), một nhân vật điển hình cho giai cấp thống trị ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

        Suốt cuộc hành trình đi và về, các em được chứng kiến những đặc điểm của một vùng quê vùng đồng bằng chiêm trũng đã đi vào sáng tác của Nam Cao với cái tên quen thuộc: làng Vũ Đại. Đó là những vườn chuối, bãi dâu, vườn trầu, là dòng sông Châu..., là những âm thanh quen thuộc vang ra từ những ngôi nhà làm nghề dệt vải...Cũng từ đó, học sinh hiểu rõ được mối quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực cuộc sống, nguyên tắc phản ánh của văn học hiện thực phê phán.

Các cô giáo tổ Văn và học sinh lớp 11A10

 

Em Nguyễn Duy Khánh - học sinh lớp 11A10 ghi lại cảm xúc khi đến thăm khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao

 

        Sau chuyến đi tham quan dã ngoại, các em học sinh tiếp tục trình bày phần 2 của kế hoạch trải nghiệm, đó là Sân khấu hóa Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy- một tác phẩm tiêu biểu của thể loại truyền thuyết và Chí Phèo- một tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

       

        Một số hình ảnh về hoạt động Sân khấu hóa tác phẩm văn học:

       

 

Với hai hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm có tính khám phá và tính thể nghiệm, tương tác này, chắc chắn, những tác phẩm văn học quen thuộc trong sách giáo khoa sẽ đến với các em học sinh không chỉ hiệu quả mà còn vô cùng hấp dẫn, giúp các em thêm yêu thích môn học, hứng thú với những giờ học Ngữ Văn.  Mong rằng Ban Giám hiệu, Ban Chuyên môn tiếp tục tạo điều kiện để các thầy cô giáo trong tổ Ngữ Văn cũng như các tổ bộ môn khác trong nhà trường tổ chức được nhiều bài học theo hình thức trải nghiệm có ý nghĩa như thế!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết