Friday, 29/03/2024 - 08:52|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM HƯNG YÊN – 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Cách đây 60 năm, Trường Sư phạm trung cấp Hưng Yên- tiền thân của Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên ngày nay được thành lập và khai giảng khóa học đầu tiên với 250 học viên.

Thời gian đầu, nhà trường chỉ có 5 ha đất được tỉnh cấp cho tại khu Ấp Dâu, xã Hiến Nam, huyện Kim Động, nay là phường An Tảo, thành phố Hưng Yên. Khi ấy, nơi đây chỉ là những bãi cát trống. Trong khi chờ xây dựng, trường tạm thời đóng trên địa bàn thôn Hải Yến, xã Quốc Trị, nay là xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ. Nơi làm việc của nhà trường là ngôi nhà hai tầng của một địa chủ bỏ lại để di cư vào Nam. Trên khu đất này ngoài ngôi nhà hai tầng, xung quanh là mảnh vườn được địa phương cho mượn để xây dựng một số nhà tranh tre nứa lá gồm phòng làm việc và chỗ ở cho cán bộ, giáo viên, còn giáo sinh được bố trí ở tạm nhà dân .

Nhìn lại chặng đường đầu khởi nghiệp chỉ với 2 đồng chí trong ban giám hiệu cùng 15 cán bộ, giáo viên sinh hoạt chuyên môn ở hai tổ Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên; cơ sở vật chất thiếu thốn, chương trình, giáo trình chưa có, nhưng với sự quyết tâm của Ban Giám hiệu, sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, sự ủng hộ của các cấp lãnh đao, của nhân dân, sau 2 năm học, nhà trường đã hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình phục vụ hơn 500 giáo sinh học tập, ăn, ở nội trú, xây dựng thư viện với 8 nghìn đầu sách các loại, có phòng thí nghiệm, có vườn sinh vật, vườn địa lý, có cơ sở thực hành đa dạng cho các môn học …Trở thành một ngôi trường có địa điểm và mặt bằng lý tưởng được xây dựng quy mô lớn và được đánh giá là trường điển hình nhất trong hệ thống 12 trường Sư phạm trung cấp toàn miền Bắc lúc bấy giờ.

Trường cao đẳng sư phạm Hưng Yên hôm nay

 

Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà trường phải sơ tán rải rác ở 8 xã trải dài 15 km. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng quy mô đào tạo của trường phát triển với tốc độ nhanh, có lúc tới 34 lớp. Từ năm 1965 trở đi, do tình hình thực tế vừa phải chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vừa phải đảm bảo sản xuất và học tập, nhà trường phải sơ tán nhường địa điểm cho xí nghiệp may sản xuất. Đến năm 1976, đất nước thống nhất, xí nghiệp may trả lại khuôn viên, cuộc hành quân trở về của thầy và trò nhà trường lại bắt đầu với công việc dựng trường dựng lớp chuẩn bị cho một thời kì ổn định lâu dài. Cũng kể từ đây, cơ sở vật chất nhà trường được mở rộng, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, đội ngũ giáo viên giỏi, học sinh giỏi mỗi năm một tăng, quy mô đào tạo phát triển không ngừng, có lúc lên tới trên 2 nghìn giáo sinh. Sự lớn mạnh này tựa như một khúc ca hùng tráng, lắng sâu và trở thành kỉ niệm khó phai mờ trong cuộc đời nhà giáo và học sinh trường sư phạm trung cấp Hưng Yên ngày ấy.

Đầu năm 1978, do yêu cầu của nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cấp 2 trường Sư phạm trung cấp 10+3 Hải Hưng được nâng cấp thành trường Cao đẳng sư phạm Hải Hưng và chuyển địa điểm ra Chợ Mát – Hải Dương.

Cuối năm 1979, Trường Trung học Sư phạm 10+2 được thành lập tại Ấp Dâu. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp I cho toàn tỉnh Hải Hưng và trực tiếp tham gia bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán thay sách cải cách giáo dục cấp I cho toàn tỉnh (1981 - 1986).

Cuối năm 1990, Trường Sư phạm mẫu giáo nhà trẻ sáp nhập vào Trường Trung học sư phạm 10+2 phát triển thành trường Trường Trung học Sư phạm Hải Hưng.

Ngày 01/01/1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập và Trường Trung học Sư phạm Hải Hưng được nâng cấp thành trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên. Đây là một bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhà trường. Nhà trường gánh vác một trọng trách mới, trên một vị thế mới đầy tự hào và vẻ vang - vị thế của một trường ở bậc Đại học trong hệ thống Giáo dục quốc dân. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non, ở các cấp học Cao đẳng, trung học, sơ cấp và cán bộ quản lý giáo dục, chuẩn hóa giáo viên các cấp của tỉnh

Năm học 1997-1998 là năm học đầu tiên của trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, cũng là kì tuyển sinh đầu tiên, trường đã tuyển được 457 học sinh, sinh viên. Cùng với nhiệm vụ đào tạo các thế hệ giáo viên có trình độ Cao đẳng, trường còn phụ trách điều hành trường Tiểu học thực hành sư phạm với số tổng số 823 học sinh. Trải qua năm tháng xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong công tác đào tạo, tuyển sinh, trong nghiên cứu khoa học, trong đổi mới phương pháp, thiết bị dạy học….

Năm 2008, Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên chuyển về UBND tỉnh trực tiếp quản lý với 19 khoa, phòng, đơn vị trực thuộc và cũng bắt đầu từ đây, trường đào tạo theo hướng đa ngành. Năm học 2007 – 2008, quy mô đào tạo của nhà trường đạt tới đỉnh cao với 15 mã ngành Cao đẳng sư phạm, 9 mã ngành cao đẳng ngoài sư phạm, 5 mã ngành đào tạo trung cấp và một số mã ngành liên kết đào tạo.

Trong 22 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên đã đào tạo hơn 7.000 sinh viên cao đẳng chính quy, chưa kể hệ liên thông, liên kết, tại chức, vừa làm vừa học, bồi dưỡng cán bộ quản lý. Các thế hệ sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều đáp ứng yêu cầu của ngành, của xã hội, được đánh giá cao về chất lượng đào tạo và khả năng rèn các kỹ năng cho học sinh. Nhiều sinh viên của nhà trường đã trưởng thành và có vị trí cao trong xã hội, như đồng chí Đỗ Minh Trí, Hiệu trưởng trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, đồng chí Doãn thị Nguyệt, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đồng chí Trương Duy Tuynh, Phó hiệu trưởng trường chính trị Nguyễn Văn Linh.v.v.v…

Giờ học tại Trường cao đẳng Sư phạm Hưng Yên

 

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hiện nay, nhà trường được quy hoạch trên diện tích đất trên 62 nghìn m­­­­­2 gồm: nhà Hiệu bộ 3 tầng, 2 khu giảng đường 5 tầng; 1 giảng đường 200 chỗ; 1 nhà tập đa năng; 1 hội trường với trên 300 chỗ ngồi; khu ký túc xá có phòng ở khép kín và kết nối mạng Internet đảm bảo hơn 1.000 chỗ ở cho sinh viên, học viên; có phòng chuyên dụng học tiếng nước ngoài, phòng học nhạc, hội họa, phòng thực hành tin học, phòng thí nghiệm; thư viện hơn 100.000 đầu sách các loại; có 2 bếp ăn; hệ thống bồn hoa, cây cảnh đẹp mắt; hệ thống điện nước đầy đủ đảm bảo nhu cầu học tập cho học tập, rèn luyện, vui chơi và sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của trường có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 05 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, 85 thạc sĩ và cao học, 28 giảng viên chính. Nhiều giảng viên đạt giải cao trong các Hội thi giảng viên giỏi cấp tỉnh. Thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 4 đề tài cấp Bộ phục vụ cho công tác thay sách, hơn 1.000 đề tài cấp đơn vị, 80 sáng kiến; phát hành 34 số Thông tin khoa học và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Đ/c Nguyễn Văn Phê – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường

60 năm qua, với những đóng góp của các thế hệ thầy và trò nhà trường đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển giáo dục- đào tạo, Trường đã nhiều lần được các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia nước ngoài đến thăm, làm việc. Nhà trường đã vinh dự được đón nhận các phần thưởng cao quí, danh hiệu thi đua của Nhà nước, của Tỉnh và các bộ, ngành trao tặng như: Huân chương Lao động Hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Có được thành tích trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm của các cấp các ngành mà trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo; sự ủng hộ của đảng bộ và chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh; sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với các đoàn thể, các bộ phận và tổ chức trong nhà trường nhiều năm qua. Thành tích của nhà trường còn là bằng chứng khẳng định công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, viên chức, người lao động qua các thời kỳ. Tiêu biểu là thầy Vũ Văn Huỳnh- người Hiệu trưởng đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nhà trường và tiếp sau là các thầy, cô hiệu trưởng: thầy Bùi Trừ, thầy Lương Văn Khai, thầy Trần Phi, thầy Hứa Văn Lãng, thầy Nguyễn Khắc Hào, cô Nguyễn Thị Chuyền, thầy Trần Mạnh Hiếu, thầy Ngô Văn Tuấn.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của lớp lớp các thế hệ thầy và trò. Nhà trường mãi mãi ghi nhớ công lao và đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, nhà giáo, viên chức, người lao động và các thế hệ học sinh, sinh viên đã dệt nên những trang sử truyền thống tốt đẹp. Thế hệ ngày nay đã và đang kế thừa truyền thống đó, tiếp tục đoàn kết, đổi mới và đổi mới hơn nữa, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa để tới đây khi trở thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên, nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đào tạo, bồi dưỡng đa ngành, đa lĩnh vực ở nhiều trình độ khác nhau; liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài theo quy định; hoạt động thực hành sư phạm và tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục tại trường thực hành sư phạm, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hội nhập và phát triển và thực hiện những trọng trách mới của nhà trường trong giai đoạn mới, nhà trường cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng ở nhiều ngành, nghề khác nhau. Ban Giám hiệu khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, quản lý, ngoại ngữ, tin học…sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội.

60 năm xây dựng và phát triển, có đôi lúc trải qua sóng gió, thăng trầm đã để lại cho chúng ta biết bao bài học quý báu: Tư tưởng lấy Dân làm gốc, trong nhà trường phải lấy cán bộ, giáo viên, sinh viên là gốc, là trung tâm; sự đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, năng động, sáng tạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, của tập thể sư phạm nhà trường là yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển; đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất chính trị tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nhà trường vững mạnh; sự kế thừa có chọn lọc và biết phát huy có hiệu quả truyền thống của các thế hệ thầy trò đi trước là cơ sở vững chắc cho những bước đi tiếp theo của nhà trường trong giai đoạn mới.

Với những thành tích đã đạt được, cùng với sự tâm huyết của thầy và trò, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ ủng hộ của các sở, ban, ngành...nhà trường nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hướng tới tương lai mới hứa hẹn những thành công mới!

 


Tác giả: Đỗ Tiến Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết