Monday, 23/12/2024 - 18:05|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XẾP THỜI KHÓA BIỂU MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ CÓ KHÓ KHÔNG?

Trong nhà trường, một trong những công việc mất nhiều thời gian và công sức của ban chuyên môn là thời khóa biểu. Đặc biệt khi áp dụng mô hình trường học mới với đặc điểm sử dụng các phương pháp dạy học tích cực; tích hợp môn KHTN, KHXH … thì việc xếp thời khóa biểu không tránh khỏi những khó khăn ban đầu.

Năm học 2018-2019, là năm học thứ tư áp dụng thí điểm mô hình trường học mới ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Qua việc xếp thời khóa biểu nhà trường tôi có rút ra một số kinh nhiệm khi xếp thời khóa biểu mô hình trường học mới cũng như xếp thời khóa biểu các trường phổ thông như sau:

1. Phân công chuyên môn hợp lý

Ở mô hình nào thì việc phân công chuyên môn hợp lý cũng rất quan trọng. Ban giám hiệu hơn ai hết phải hiểu được năng lực đội ngũ của mình. Với xu thế dạy học tích hợp liên môn thì ở một số nội dung như môn KHTN (với phân môn Hóa- Sinh), KHXH (phân môn Sử- Địa) nên chọn giáo viên chuyên môn phù hợp dạy.

Bên cạnh đó, với việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay thì cũng phải quan tâm đến tâm lý của học sinh đối với các thầy cô để đưa ra phân công chuyên môn phù hợp. Điều này đòi hỏi sự “mềm dẻo” của ban chuyên môn và nó cũng góp phần gợi động, cơ gây hứng thú hơn cho việc học của học sinh.

2. Xây dựng phân phối chương trình từng môn phù hợp

Một trong những lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện dạy học mô hình trường học mới theo Công văn số 4668/BGDĐT-GDTrH  ngày 10/9/2015 của Bộ GDĐT là: “Tổ (nhóm) chuyên môn căn cứ vào gợi ý thời lượng của từng bài, từng chương và mạch kiến thức đề xuất với hiệu trưởng quyết định xếp thời khóa biểu sao cho hợp lí.”

Trong quá trình giảng dạy mô hình trường học mới thì điều này rất hợp lí và cần thiết. Do đó, ngay từ đầu năm học ban giám hiệu cùng với giáo viên, tổ chuyên môn mạnh dạn xây dựng phân phối chương trình chi tiết dựa trên khung phân phối của Bộ giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế, lưu ý bố trí các tiết dự phòng cho phù hợp. Ở mô hình trường học mới, mỗi chương, chủ đề kiến thức đều có các tiết dự phòng cho các bài dài, ôn tập, kiểm tra,.. điều này giúp giáo viên không còn lo “cháy giáo án” – một điểm rất hay của mô hình trường học mới.

3. Lựa chọn thời lượng cho các môn trong một buổi học

 Một trong những điểm nổi bật của mô hình trường học mới là tăng cường cho học sinh tự thiết lập tiến độ và các bước đi cho quá trình học tập, HS được trải nghiệm bằng các hoạt động với sự giúp đỡ của thầy để tự tìm ra kiến thức. Trên con đường học sinh đi tìm có thể có các ngã rẽ khác nhau, đoạn bằng phẳng, đoạn gập ghềnh do đó có thể sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng gợi được động cơ, hứng thú với học trò là quan trọng nhất, do đó trong quá trình dạy học tôi và và các em có nhiều buổi các em vừa đang hứng khởi, tự tìm ra được quy tắc, định lý thì lại hết giờ. Những lúc như vậy giáo viên chỉ muốn có ngay tiết sau để thực hiện tiếp hoạt động luyện tập, củng cố. Do đó, nhiều bài có thời lượng 2 tiết hoặc bài dài nên xếp hai tiết liền nhau. Thực tế hiện nay, nhiều trường thường xếp thời khóa biểu cố định trong một thời gian dài điều này sẽ không hợp lý ở mô hình trường học mới.

Gợi ý thời lượng các tiết ở một số môn

TT

Môn

Thời lượng

Lưu ý

1

Toán

4

Một buổi có 2 tiết liền nhau, hai buổi còn lại mỗi buổi 1 tiết

2

KHTN

3

Một buổi có 2 tiết liền nhau, hai buổi còn lại mỗi buổi 1 tiết

3

Văn

4

Dạy hai buổi, mỗi buổi 2 tiết

4

KHXH

4

Dạy hai buổi, mỗi buổi 2 tiết

5

Tin

2

Dạy 1 buổi có 2 tiết liền nhau

6

Ngoại ngữ

3

Dạy hai buổi, mỗi buổi 1 tiết

7

Công nghệ

2

Dạy hai buổi, mỗi buổi 1 tiết

8

GDCD

1

Như chương trình cũ

9

Hoạt động giáo dục

4

TD, âm nhạc, mỹ thuật như chương trình cũ

10

Tự chọn

2

Dạy 1 buổi có 2 tiết liền nhau

Tổ (nhóm) chuyên môn căn cứ vào gợi ý thời lượng của từng bài, từng chương và mạch kiến thức đề xuất với hiệu trưởng quyết định xếp thời khóa biểu sao cho hợp lí.

Một trong những điểm mới của mô hình này là việc dạy tích hợp ở hai môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội dẫn đến việc nhiều giáo viên cùng dạy một môn. Do đó, đòi hỏi ban giám hiệu phải linh hoạt trong việc xếp thời khóa biểu.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin

Trong nhà trường, một trong những công việc mất nhiều thời gian và công sức là thời khóa biểu. Làm thế nào để đáp ứng tối đa nhu cầu của mỗi người; làm thế nào có ngay một thời khóa biểu trong tuần tới khi mà nhà trường có thay đổi phân công chuyên môn, rồi những đồng chí có con nhỏ; những giáo viên xa trường; trường có giáo viên hay đi công tác cần người dạy kê thay đúng chuyên môn….? Làm thế nào để học sinh học tập thuận lợi với thời khóa biểu của mình? Làm thế nào để xếp thời khóa biểu mô hình trường học mới? Các trường THPT muốn xếp TKB thông thường hay TKB ôn thi 30 ngày mà HS trong một lớp có thể lựa chọn các thày cô dạy khác nhau? Những công việc đó sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể “làm đẹp” ý mỗi người nếu sử dụng xếp thời khóa biểu một cách thủ công.

Hiện nay các nhà trường cũng đã mạnh dạn sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ xếp thời khóa biểu rất hiệu quả. Có thể kể tới như phần mềm VEMIS; TKB TUDONG, TKB 9.0, VNEDU; … Tuy nhiên mỗi phần mềm đều có ưu nhược điểm riêng. Qua quá trình sử dụng thì phần mềm TKB TUDONG  đáp ứng tốt nhu cầu của các trường theo chương trình hiện hành hoặc các trường áp dụng mô hình trường học mới.

 

(Phần mềm TKB TUDONG đã được áp dụng ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như: Hưng Yên: THPT Văn Giang; Đồng chí Nhàn THPT Chuyên Hưng Yên; THPT Dương Quảng Hàm – Văn Giang. THCS Lê Quý Đôn, Mai Động, Đức Hợp, Ngọc Thanh – Kim Động; THCS Phạm Huy Thông, Đặng Lễ, Hồng Quang – Ân Thi; THCS Tứ Dân, Đông Kết, Tân Châu, Liên Khê, An Vĩ – Khoái Châu; THCS Thị Trấn Như Quỳnh – Văn Lâm, THCS thị trấn Vương – Tiên Lữ; ...

Chi tiết phần mềm hỗ trợ xếp thời khóa biểu tại địa chỉ: https://sites.google.com/site/thoikhoabieutudong/

Hướng dẫn sử dụng phần mềm thao khảo tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1l6rKeNrQpq5A3HC3nrNm7rk8XfM6GeK1/view?usp=sharing

Trao đổi với nhiều thầy cô thì việc ứng dụng CNTT trong dạy học, đặc biệt là sử dụng phần mềm để hỗ trợ xếp thời khóa biểu là rất cần thiết, nhiều nhà trường đã áp dụng từ nhiều năm học và đã đáp ứng được nhiều nhu cầu của giáo viên, học sinh. Nếu xếp thủ công thì sẽ rất vất vả và không đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng. Nhiều ban giám hiệu nhà trường sau khi ứng dụng chia sẻ: phần mềm hỗ trợ xếp thời khóa biểu thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các nhà trường.

Như vậy, để xếp thời khóa biểu ở mô hình trường học mới sẽ không khó khăn nếu như Ban giám hiệu vận dụng linh hoạt vào đặc điểm đơn vị mình và đặc biệt nên cần có sự hỗ trợ của phần mềm sẽ giúp công việc được giảm nhẹ.


Tác giả: Nguyễn Hữu Duyệt - PHT THCS Đức Hợp, Kim Động
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết