Friday, 19/04/2024 - 20:59|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ

Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành. Đã từ lâu, tôi nhận thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ấy trên khuôn mặt, trong ánh mắt của cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc - Phó bí thư Chi bộ, phó hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ. Cô cũng như những kĩ sư tâm hồn khác đã và đang mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng trao cho, đã và đang chung sức vào công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Những ngày tháng 11 này, tôi nghĩ về cô rất nhiều. Tôi nghĩ về cô, trước hết bằng những tình cảm chân thành, sự biết ơn sâu sắc và lòng kính trọng của một người học trò. Với tôi, trước kia, bây giờ và mãi về sau, cô luôn là một người thầy đáng kính, một tấm gương đáng ngưỡng mộ.

Phạm Thị Bích Ngọc sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thuận Châu - Sơn La xa xôi và hùng vĩ. Ngay từ nhỏ, cô đã có niềm đam mê với Toán học. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 1981, cô thi vào khoa Toán, trường ĐH sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm học tậprèn luyện, ra trường và về công tác tại trường THPT Tiên Lữ cho đến nay.

Hơn 34 năm bước chân vào nghề giáo, cũng là ngần ấy thời gian cô Phạm Thị Bích Ngọc gắn bó với trường THPT Tiên Lữ. Cô đã cùng các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển nhà trường mỗi ngày một khang trang, bề thế, vững mạnh. Sự thành đạt của biết bao thế hệ học trò có công sức, tâm huyết và tình yêu của cô.

Tôi nhớ rất rõ, 27 năm về trước, tôi là học trò lớp 10C do cô chủ nhiệm. Ngày ấy tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không làm vơi bớt tình yêu nghề, yêu học trò trong cô. Lớp tôi đa phần là học sinh nam bao gồm hai xã Hải Triều và An Viên. Đứa nào cũng hiếu động, nghịch ngợm làm cô không ít lần phải buồn lo. Trước những vụng dại, non nớt của chúng tôi, bao giờ cô cũng bình tĩnh, kiên nhẫn dùng cả lí và tình để phân tích, khuyên nhủ. Cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức sách vở mà cô còn dạy chúng tôi những bài học ý nghĩa, những triết lý làm người, cách đối nhân xử thế. Bởi thế, lũ học trò chúng tôi dù đã rời ghế nhà trường 24 năm nhưng chưa bao giờ xa cách với cô, chưa khi nào quên cô. Mỗi dịp họp lớp, nhất định phải có cô, nhất định không thể thiếu cô.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc cùng lớp 12C, khóa 1992 - 1995
 

Tôi may mắn hơn các bạn lớp 10C năm ấy. Hai mươi năm trước, tôi không chỉ là học trò mà còn là đồng nghiệp của cô. Từ đấy, tôi lại được học ở cô nhiều điều bổ ích và quý giá mà chẳng sách vở nào ghi chép. Cô vẫn vậy, ân cần, điềm tĩnh, gần gũi và chân thành cho tôi những lời khuyên đúng đắn, nhất là vào những lúc cần có những quyết định quan trọng.

Biết cô, gần cô 27 năm, tôi nhận ra dù ở bất cứ ở cương vị nào,cũng luôn luôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với học sinh và đồng nghiệp.

Là một giáo viên, cô có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, luôn đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, luôn trăn trở làm thế nào để thắp lên tình yêu Toán học ở học trò. Trong đó, nổi bật hơn cả là thành tích bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh. Là người phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Toán học nhiều năm, cô đã truyền đến học sinh niềm đam mê khám phá, phát huy tính sáng tạo, tư duy tích cực. Có năm đồng đội đạt giải nhất tỉnh, học sinh do cô bồi dưỡng đã được chọn trong đội tuyển thi quốc gia của tỉnh Hưng Yên. Kết quả mà cô đã dày công vun trồng khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục.

Là một cán bộ quản lý, cô luôn điều hành công việc có hiệu quả, chăm lo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm giáo dục học sinh cá biệt. Cô còn quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội, phối hợp giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường, góp phần đáng kể vào phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, cô cũng kết hợp với Ban giám hiệu xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường, tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học, quản lý giáo viên, quản lý chuyên môn, phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng học sinh và giáo viên giỏi thi cụm huyện và thi tỉnh. Cô cũng kết hợp với Ban giám hiệu chỉ đạo tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, góp phần cùng các thầy cô giáo trong trường phấn đấu giữ vững danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” của trường.

Không những vậy, với tư cách là một người giáo viên, tổ trưởng tổ Toán rồi hiệu phó phụ trách chuyên môn, cô luôn tích cực tham gia giáo dục đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật… cho học sinh qua bài giảng, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp. Cô cũng tích cực tham gia cùng Ban chấp hành Công đoàn trường tổ chức các hoạt động của cán bộ giáo viên và học sinh theo sự chỉ đạo Công Đoàn ngành. Cô luôn tích cực phấn đấu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, luôn nêu cao tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Là một Đảng viên, Phó bí thư chi bộ, cô luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của người Đảng viên, tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động của Chi bộ, thực hiện nghiêm túc những điều đảng viên không được làm, góp phần đáng kể vào thành tích chung của Chi bộ, cùng các đảng viên trong Chi bộ giữ vững danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”.

Với mong muốn truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm quý báu được tích luỹ trong quá trình giảng dạy của mình, cô còn thường xuyên viết sáng kiến, soạn các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi để các đồng nghiệp có thể tham khảo. có nhiều sáng kiến được Sở giáo dục công nhận. Chẳng hạn năm học 2010 - 2011 viết sáng kiến “Bài toán kết hợp giữa nhị thức Newton với đạo hàm, tích phân” được hội đồng nghiên cứu khoa học ngành xếp loại C, năm học 2011 - 2012  sáng kiến “Một số dạng toán thường gặp về số phức và ứng dụng” được hội đồng nghiên cứu khoa học ngành xếp loại B, năm học 2015 -2016 sáng kiến “Giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh trường THPT Tiên Lữ” được hội đồng khoa học ngành đánh giá xếp loại B.

Điều đáng quý là dù ở cương vị nào, cô vẫn luôn chân thành, giản dị trong lối sống, tận tụy dìu dắt thế hệ đi sau. Cô quan tâm đến việc dự giờ các giáo viên trẻ, góp ý chân tình, cởi mở để giúp họ tiến bộ. Tuy nhiệm vụ nặng nề, công việc bộn bề nhưng cô vẫn luôn dành thời gian động viên, quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của nhiều cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường.

Được là học trò, là đồng nghiệp của cô, tôi đã học được ở cô rất nhiều về lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, tận tâm với học sinh và đồng nghiệp, đặc biệt là bản lĩnh làm việc.

Những nỗ lực, cống hiến, đóng góp không mệt mỏi của cô đã được ghi nhận và đền đáp.  Nhiều năm liền, cô đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2015 - 2016 được tặng giấy khen của Giám đốc sở GD-ĐY; năm 2016, cô đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Nhưng có lẽ phần thưởng xứng đáng và có ý nghĩa nhất với cô chính là sự kính trọng, biết ơn của các thế hệ học trò, niềm tin yêu của đồng nghiệp và nhân dân địa phương.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, cô vẫn miệt mài với những hi sinh thầm lặng của mình, đưa lớp lớp học trò nhỏ cập bến ước mơ. Tháng 1 năm 2020 này, cô đã đi trọn vẹn một con đường với hơn 34 năm đứng trên bục giảng. Trên con đường ấy, cô đã trải qua không ít khó khăn, gian khổ. Nhưng chính những khó khăn ấy là thước đo bản lĩnh, khẳng định phẩm chất trong cô. Xa cô, tôi chúc cô luôn mạnh khỏe, có thật nhiều niềm vui bên gia đình. Cô xứng đáng được hưởng những trái ngọt mà bao ngày cô đã vun trồng, chăm sóc.

                                                                                   Vũ Thị Uyển


Tác giả: Vũ Thị Uyển
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết