Thursday, 28/03/2024 - 15:41|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức thư của cô giáo: Cảm phục và học từ các thầy cô đã thay đổi Chia sẻ

           Một bức thư từ cô giáo Phạm Hoàng Phương, trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội mới gửi tới thầy Lê Thống Nhất. BigSchool đã xin phép được chia sẻ với các bạn.


Cô giáo Phạm Hoàng Phương

           Em chào thầy ạ. Em xin được tự giới thiệu, em là một giáo viên tiểu học ở Hà Nội. Em xem "VTV Kết nối" về chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", em nghe một số ý kiến của thầy và em thấy thật sự đồng cảm. Em cũng muốn chia sẻ những cảm xúc của em khi xem chương trình này.

Thực sự em cảm phục 8 anh chị đồng nghiệp. Họ là những con người yêu nghề, yêu học sinh và muốn thay đổi vì học sinh. Dũng cảm đối mặt, dũng cảm xuất hiện trước sóng truyền hình cả nước.

           Theo dõi từng câu chuyện của đồng nghiệp, vui có, buồn có, nhíu mày suy nghĩ có, rồi rưng rưng nước mắt khi nghe những suy tư, những trải nghiệm rất chân thật của các thầy cô. Tất cả đều nhiệt huyết, đều yêu nghề, yêu trẻ, yêu cái công việc dạy học nhưng cách thể hiện của mỗi người khác nhau, do tính cách, do suy nghĩ và do định hướng chưa rõ ràng.

           "Lớp học hạnh phúc” là những trăn trở của cô giáo, làm thế nào để có được sự hạnh phúc giữa những học trò của mình. Đơn giản là nụ cười, là sự thân thiện, là sự tự giải toả những áp lực trước kiến thức nặng của bài học, kết quả thi cử. Cô trò cười với nhau nhiều hơn,ánh mắt thân thiện hơn. Phải đứng trên bục giảng mới thấy được sự vất vả của người giáo viên thầy nhỉ? Thầy cô đâu chỉ là người truyền thụ kiến thức? Học trò cần nhiều hơn thế. Qua chương trình này nói rất rõ về điều đó. Trò cần lời động viên, cần sự quan tâm , cần sự tôn trọng, cần rất rất nhiều thứ... Thầy cô và học sinh luôn có một sự gắn kết vô hình. Nếu có được sự tác động kịp thời trò nào rồi cũng sẽ tiến bộ. Tiếp đến là sự tôn trọng. Cô tôn trọng trò - trò tôn trọng cô - phụ huynh tôn trọng cô - phụ huynh tôn trọng chính con mình thì lớp học sẽ tự đi vào nền nếp,không cần kỉ luật, không cần mức phạt.

Một lớp học mơ ước. Những yêu cầu cố vấn chương trình đưa ra cho các thầy cô là những việc tưởng như nhẹ nhàng nhưng thay đổi một thói quen không hề đơn giản. Những suy tư khi đứng trước một nhiệm vụ của thầy cô đã cho thấy điều đó. Quan trọng là thầy cô nhìn nhận ra vấn đề, dũng cảm thay đổi để mang lại kết quả tốt hơn.

 

Chúng con chúc mừng Sinh nhật Cô!

           Nhìn ánh mắt học trò, nhìn nụ cười rạng rỡ của tất cả mà em thấy vui. Em tự rút ra cho mình nhiều bài học lắm thầy ạ, và cũng tự làm theo nhiều điều. Em đến lớp cười với học sinh nhiều hơn, chào học sinh nhiều hơn và đặt mình vào vị trí của trẻ nhiều hơn, hỏi thăm bọn trẻ nhiều hơn và không đặt áp lực dạy học lên vai mình và những đứa trẻ nữa. Đây là sự thay đổi tích cực, trước kia em cũng có làm nhưng chưa thực sự chú trọng nhiều.

           Mỗi ngày dạy một ít, rồi trẻ cũng sẽ học được hết (nhưng đôi lúc cũng mong chương trình sách giáo khoa hiện hành bớt nặng đi một chút thì sẽ tốt hơn nhiều thầy ạ) bởi tiểu học không quá nặng về kiến thức mà còn dạy trẻ nhiều điều hơn nữa. Trẻ học ở ta và ta cũng học được nhiều điều từ trẻ nhỏ. Nếu chịu nhìn nhận, chịu thay đổi thì giáo viên sẽ ngày càng tuyệt vời hơn. Quan trọng là suy nghĩ của chính giáo viên. Khi suy nghĩ ấy tích cực và thực sự thay đổi thì theo em không chỉ một giáo viên thay đổi đâu mà nó sẽ tạo làn sóng lan rộng tới tất cả giáo viên khác, tới cả giáo viên cấp 1,2,3...và nó sẽ làm thay đổi cả suy nghĩ của phụ huynh. Họ sẽ thấu hiểu và thông cảm hơn tới những vất vả, trăn trở của giáo viên và cùng hỗ trợ với giáo viên để biến mọi ngôi trường thành ngôi trường của sự yêu thương, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
           Một chương trình rất bổ ích và mang lại cho em nhiều cảm xúc. Niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên là luôn được học sinh yêu quý. Em xin được chúc cho tất cả thầy cô giáo - những đồng nghiệp đang ngày ngày đứng trên bục giảng sẽ luôn giữ mãi được lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiệt huyết để đưa những chuyến đò cập bến.


Tác giả: Cô giáo Phạm Hoàng Phương, trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội
Nguồn:Công đoàn ngành Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết