Saturday, 20/04/2024 - 17:54|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC - NÂNG CÁNH GIÁ TRỊ YÊU THƯƠNG, AN TOÀN VÀ TÔN TRỌNG

Tác giả: Trần Đắc Viện - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo

Trường học là nơi chắp cánh cho những thế hệ học sinh trưởng thành, nơi ghi dấu những thế hệ thầy cô cống hiến sức lực, trí tuệ vì tương lai của quê hương, đất nước

Trường học là nơi chắp cánh cho những thế hệ học sinh trưởng thành, nơi ghi dấu những thế hệ thầy cô cống hiến sức lực, trí tuệ vì tương lai của quê hương, đất nước. Khi mà xã hội đang phải đối mặt với những bước chuyển mạnh mẽ thì nhà trường cũng không thể đứng ngoài guồng quay đó. Sự vận động của mỗi nhà trường chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia thay đổi của mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động, mỗi em học sinh, những thành tố quan trọng tạo nên sức sống, uy tín, thương hiệu của mỗi nhà trường, tạo nên chất lượng giáo dục, nền tảng xã hội cho mỗi quốc gia dân tộc.

Niềm vui của thầy và trò Trường THPT Chuyên Hưng Yên khi kết thúc năm họ

Tháng 11/2013, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đây là định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo và xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của giáo dục trong bối cảnh hiện nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hướng tới xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Mục tiêu của Kế hoạch là hỗ trợ, tăng cường, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động đồng thời nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, khích lệ thầy cô nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và khuyến khích các em học sinh tích cực học tập, rèn luyện cùng thầy cô hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.

Việc nhà giáo, người lao động được hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực, kỹ năng ứng xử sư phạm, đạo đức nghề nghiệp nhằm hướng tới một môi trường học tập an toàn, tích cực, thân thiện, văn minh. Để có một môi trường giáo dục tích cực, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của xã hội hiện nay, mỗi cán bộ quản lý và nhà giáo, thành tố quyết định trong nhà trường phải luôn tự sáng tạo, đổi mới và biết tự mình trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với công việc. Một xã hội luôn vận động đổi mới đòi hỏi các nhà trường luôn vận động đổi mới. Để có một nhà trường đổi mới phải có những cán bộ, giáo viên dám đổi mới, sẵn sàng đổi mới và được trao cơ hội để đổi mới.

Mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ muốn đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới từ những người làm giáo dục. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, sự tận tâm, yêu nghề nhiều thầy cô giáo đã không ngại khó khăn vất vả, tốn kém thời gian, kinh phí, tự nguyện tham gia nhiều khóa học bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu trong tình hình mới. Kết quả nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tích cực đã đến với các nhà trường, các thầy cô giáo trong từng bài giảng, từng hoạt động giáo dục.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngành giáo dục và đào tạo chủ trương xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”. Chủ trương đúng đắn này phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay, tạo ra môi trường giáo dục an toàn, kỷ cương, thân thiện và tích cực, mà ở đó thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh học sinh cảm thấy hạnh phúc.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ giúp thầy cô và các em học sinh có một môi trường học tập tích cực, tiến bộ. Ở đó các em học sinh được lĩnh hội, trau dồi kiến thức, kỹ năng, được quan tâm, yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc chu đáo về sức khỏe, tinh thần, được rèn luyện về đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách tốt đẹp. Các thầy cô được động viên, tôn trọng, được cống hiến, được tạo điều kiện phát huy tốt nhất khả năng của mình.

Một trong những tiêu chí cơ bản để xây dựng “Trường học hạnh phúc” đó là cả thầy và trò đều vui khi đến trường, đều tích cực và đạt hiệu quả khi tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi người. Điều này khiến cho thầy và trò giảm bớt những áp lực không đáng có để cùng phấn đấu vì mục tiêu chung: giáo dục, đào tạo các thế hệ học sinh có sức khỏe, đạo đức, lý tưởng, tri thức, kỹ năng và niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống.

Thầy và trò Trường THPT Đức Hợp vui với điệu múa Nhảy sạp nhân dịp Tết Trung thu năm 2019

Hành trình đổi mới của mỗi nhà giáo, mỗi nhà trường hôm nay không hề đơn độc mà luôn có sự đồng hành, động viên, dõi theo, chung sức của các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường. Chúng ta có thể đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những đòi hỏi khắt khe, nhưng chúng ta cũng đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và xã hội. Với sự quyết tâm cao, tự mỗi nhà giáo sẽ tạo ra sự thay đổi để hướng tới xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nơi ấy thầy cô được hạnh phúc, học sinh được hạnh phúc, phụ huynh cũng được hạnh phúc. Nơi ấy không có bạo lực, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử vi phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh.

 Hướng tới xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, chúng ta hãy cùng lan truyền một thông điệp: Đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo hãy thay đổi để hướng đến môi trường học tập với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng bằng việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo. Đó là “Trường học hạnh phúc” - kết quả được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của  thầy cô có đạo đức trong sáng, giàu lòng yêu nghề và sự tận tâm, tận lực với các em học sinh thân yêu.


Cảm xúc của học sinh Trường THPT Văn Giang khi tham dự buổi học ngoại khóa “Giá trị yêu thương” do T.s Lê Thế Tĩnh, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo

Chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng: Từ trước đến nay, việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo là công việc thường xuyên, liên tục của các nhà trường và của mỗi cán bộ, nhà giáo. Tuy nhiên, bắt đầu từ khi ngành GD- ĐT triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, đội ngũ cán bộ, nhà giáo cần đẩy mạnh hơn nữa, sâu sắc hơn nữa việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng, năng lực ứng xử sư phạm nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

         Đội ngũ cán bộ, nhà giáo hãy không ngừng tự học tập, tự rèn luyện và hỗ trợ đồng nghiệp cùng học tập rèn luyện, bổ sung những kỹ năng nghiệp vụ để vững vàng hơn khi đối mặt và xử lý những tình huống sư phạm, tình huống xã hội đang diễn ra ngày càng phong phú và phức tạp trong và ngoài nhà trường. Mỗi nhà giáo hãy biến những khó khăn thử thách trong lao động nghề nghiệp trở thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất đạo đức, năng lực sư phạm của bản thân trước phụ huynh, trước đồng nghiệp và học trò. Các thầy cô giáo hãy cùng lao động, cùng cống hiến vì niềm tự hào nghề nghiệp, vì niềm tin và quý trọng của xã hội.

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng căn dặn: “Nghề dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế trong rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Mỗi thầy cô giáo đã tự nguyện chọn nghề giáo cao quý hãy luôn là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để góp phần dựng xây mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Chúng ta cùng tin tưởng vào sự quyết tâm, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ các nhà quản lí giáo dục - những đầu tầu tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và đầy khát vọng đổi mới. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình  “Trường học hạnh phúc” sẽ lan tỏa tới tất cả các đơn vị nhà trường ở tất cả các bậc học trong toàn tỉnh, tạo niềm vui, khí thế để các thầy cô tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT đang triển khai.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết