Thursday, 28/03/2024 - 19:36|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô giáo nghẹn đắng sau lần đuổi nữ sinh không bật camera ra khỏi lớp

            Tức giận đuổi nữ sinh ra khỏi lớp vì thường xuyên tắt camera, tắt âm thành trong giờ học online, cô giáo nghẹn đắng khi biết bí mật sau màn hình đen thui.

 

Tại tọa đàm trực tuyến về nghề giáo, cô Nguyễn Kim Ngân, giáo viên một trường THCS kể về tình huống cô đuổi một nữ sinh lớp 8 ra khỏi lớp. 

Trong quá trình học online, dù đã có nội quy không tắt camera trong lớp nhưng một số học không thực hiện. Đặc biệt, lớp có một nữ sinh thường xuyên  tắt camera, thậm chí tắt cả âm thanh khi được yêu cầu trả lời. Giáo viên bộ môn cũng phản hồi về trường hợp này làm cô Ngân không khỏi bực mình. 

Có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt của học trò sau màn hình máy tính (Ảnh: HN)

Hôm đó, trong giờ dạy của mình, cô Ngân yêu cầu em học trò bật camera nhưng học sinh này xem như không nghe. Cô Ngân mất bình tĩnh buông lời mắng mỏ em khá nặng nề trước lớp, đuổi học trò ra khỏi lớp trong tiết học của mình. 

Cả ngày hôm đó, cô Ngân cứ khó chịu và không khỏi day dứt trong người. Cô gọi điện cho em học trò. Cô phải gọi đến 5 - 7 cuộc, em học trò mới cầm máy nhưng cô hỏi gì em cũng chỉ dạ. Cô Ngân xin lỗi học trò vì cách hành xử thiếu kiềm chế của mình và rất mong được em thông cảm. Cô học trò mới bắt đầu mở lời, trò chuyện nhắn tin qua lại. 

Những điều học trò tâm sự làm cô Ngân đau nghẹn đắng. Gia đình em 4 người sinh sống ở một phòng trọ chưa đến 20 m2. Em học trong không gian chật hẹp đó cùng với tất cả các sinh hoạt của gia đình. Bố mẹ thường xuyên cãi vã, gây lộn... Bố bạo hành, đánh đập mẹ, có khi nổi giận đánh cả hai chị em.  "Nhiều hôm, mọi người tưởng con đang ngồi học nhưng thật ra hai chị em đang khóc lóc xin bố đừng đánh mẹ, đang ôm em ngồi khóc trong nhà vệ sinh hoặc có khi đang băng bó vết thương cho mẹ", cô nữ sinh vừa bước qua tuổi 14 kể. 

Bối cảnh đó, trong giờ học online, em chỉ ngồi nghe, còn mọi tính năng tương tác của mình em tắt hết hoặc lúc nào cũng trong tinh thần... chuẩn bị tắt, luôn luôn lo sợ mình sơ sẩy mọi người sẽ thấy được, nghe được. Chỉ khi nào bố hoặc mẹ đi vắng em mới dám bật camera, âm thanh để học như các bạn. "Khi biết câu chuyện của em tôi đã khóc thật nhiều, khóc không thể kìm nổi cảm xúc. Tôi thấy mình thật tàn nhẫn, sao mình có thể dễ dàng trách, phạt học trò đến vậy khi chưa biết lý do, hoàn cảnh của các em", cô Nguyễn Kim Ngân nói. 

Câu chuyện đã cho cô Ngân thêm bài học về sự cẩn trọng khi ứng xử với học trò. Nhất là trong bối cảnh học online, cô trò ngoài đời có khi chưa hề gặp nhau, khó quan sát được những bất ổn, khó khăn của nhau lại càng cần phải cẩn trọng, tế nhị.  Sau sự việc, cô đã công khai xin lỗi em học trò trước lớp. Cô khuyến khích học trò bật camera nhưng không xem đây quy định bắt buộc nữa. 

Khi học online giáo viên thường đặt ra nhiều quy định yêu cầu học sinh tuân thủ, chấp hành để đảm bảo chất lượng giờ dạy. Nhiều quy định trở nên cứng nhắc nếu giáo viên máy móc, thiếu sự tế nhị, linh hoạt. Bởi phía sau màn hình có thể có ngồi học trên xe máy khi theo bố mẹ đi làm, không có không gian riêng tư, thậm chí có học sinh vừa học vừa chăm em, làm việc nhà, làm gia công kiếm tiền. Còn nhiều tình huống, hoàn cảnh khác về điều kiện, về cuộc sống mà học trò không thể để người khác nhìn thấy.  Đời sống học trò ngày càng phức tạp, các em phải đối diện với mọi vấn đề của gia đình xã hội như bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, đói nghèo, bệnh tật, người thân mất mát.. 

Việc dạy học, vai trò của người thầy giờ đây không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức. Điều quan trọng không kém là thầy cô trao cho học sinh nội lực để ứng phó với cuộc sống. Để làm được điều này, giáo viên cần một trái tim ấm, cách hành xử cực kỳ tế nhị... của người thầy. Ít nhất, là để tránh làm tổn thương học trò. 

          Có những điều chúng ta tưởng rất bình thường như ra đề Văn kể về mẹ em, bố mẹ, gia đình em... Nhưng có thể không viết nổi một chữ khi các em là những đứa trẻ bị bỏ rơi, chưa từng biết mặt bố/mẹ, chưa từng được sống trong tình cảm gia đình...

NhMột học trò mất mẹ vì Covid-19 trong giờ học (Ảnh: NQ)

Một cô giáo dạy tiểu học ở quận 2, TPHCM bộc bạch cô từng đề nghị một học trò nhờ bố giúp đỡ khi thiết bị gặp sự cố. Cô chùng xuống khi nghe em đáp:  "Con không có bố cô ơi, bố bỏ mẹ, bỏ con từ lâu rồi cô ơi!". Có những điều tưởng rất bình thường chúng ta nói ra nhưng có thể đang vô tình làm đau các em. 

        Nghề giáo còn được gọi là nghề "trồng người". Muốn trồng nổi người, cần phải hiểu từ gốc. Tương tác với trẻ nhỏ, nhiều tình huống cực kỳ nhạy cảm luôn cần sự tế nhị, khéo léo và bao dung hơn từ người thầy. 

          Như tâm tư của cô Nguyễn Thị Ngân, càng ngày cô càng nhận ra nghề giáo phải không ngừng học, học từ chính học trò của mình. Thời đại công nghệ, người thầy càng phải học để gần với học trò hơn, không "bỏ rơi" học trò sau màn hình máy tính, điện thoại. Bởi phía sau đó, có thể là nước mắt, là đòn roi, là tổn thương, tuyệt vọng... 

                                                                                                                                                                               Hoài Nam 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết