Friday, 26/04/2024 - 05:36|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THẦY HUY “THÁM TỬ” CỦA HỌC TRÒ

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo đó nghề trong sạch nhất

một nghề không trồng cây vào đất

Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!

          Vâng! Có biết bao lời ca hay như thế khi nói về nghề giáo, một nghề cao quý, được cả xã hội tôn vinh. Nhưng sẽ chẳng có câu chữ nào diễn tả hết được những nhọc nhằn, gian khó trong nghề mà các thầy cô đang phải trải qua. Bên cạnh vai trò là người thầy không ngừng học tập, nâng cao chuyên môn để có được những bài giảng hay và hiệu quả cho học trò của mình, các thầy cô còn là người bạn, người đồng hành cùng các em trong hành trang làm người, cho các em những hướng đi đúng đắn. Môi trường giáo dục được tiếp xúc với đối tượng là những em học sinh - lứa tuổi mà cảm xúc và nhận thức còn chưa thực sự trưởng thành, người thầy sẽ phải đối mặt với rất nhiều những tình huống trong giờ học thập chí ngoài giờ mà nếu không có cách ứng xử khéo léo có lẽ vô tình chúng ta sẽ đánh mất vị trí của mình trong lòng trò. Để có thể giải quyết tốt những tình huống ấy đòi hỏi người thầy phải thực sự có tâm, hết lòng với trò và có một bản lĩnh đối mặt với khó khăn.

          Tôi vốn là một giáo viên trẻ, với kinh nghiệm trong nghề còn ít nên tôi rất thích được các anh chị đồng nghiệp đi trước chia sẻ về công việc, những tình huống thường gặp khi lên lớp. Trong các giờ ra chơi, tôi đặc biệt thích ngồi nghe thầy Lương Quang Huy, giáo viên môn Công nghệ Trường THPT Khoái Châu (Hưng Yên) kể chuyện. Bởi những câu chuyện của thầy là những gì thầy đã trải qua, cách ứng xử của thầy đều khiến tôi và đồng nghiệp khâm phục và học tập.

          Năm nay, đã hơn 20 năm trong nghề, thầy luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Thầy có cách nói chuyện rất cuốn hút, bởi câu chuyện của thầy là câu chuyện cuộc sống từ những điều thầy từng trải qua. Học sinh lớp thầy Huy giảng dạy đều mong ngóng từng ngày để đến tiết của thầy, để được nghe thầy kể những trải nghiệm thú vị mà thầy đưa ra làm ví dụ trong bài giảng.

Thầy Lương Quang Huy chụp ảnh cùng các học trò của mình nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017

Tuy nghề giáo đã được quan tâm hơn trước nhưng với mức lương của thầy để nuôi gia đình thì khá khó khăn, đặc biệt đó lại là môn Công nghệ. Người ta hay gọi đó là “môn phụ”, những người “kép phụ” của sự nghiệp “trồng người”. Chính vì thế, cứ vào những ngày cuối tuần và tháng nghỉ hè, mỗi khi được nghỉ dậy, thầy lại đi làm thêm ở công ty của một người anh họ hoặc tự nhận thêm công trình để làm. Công việc của thầy là thiết kế và lắp đặt điện nước cho các công trình lớn. Thầy kể có một lần thầy đang hí húi làm thì “bất ngờ” gặp lại một học sinh cũ của mình đã từng dậy trước đây giờ là kiến trúc sư của công trình này. Cậu học sinh ấy tên là Quân, trước đây thầy chủ nhiệm và nổi tiếng với biệt danh “Vua quậy phá” của lớp. Cậu học sinh đó nhìn thầy với ánh mắt ái ngại và có chút xúc động không nói lên lời khi chứng kiến những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán và vết dầu mỡ lấm lem đầy quần áo của thầy, người đã từng dậy mình không chỉ kiến thức mà còn là cả vốn sống để mình trưởng thành như ngày hôm nay. Quân tiến về phía thầy:

- Em chào thầy, thầy còn nhớ em không ạ? Em là Quân 12I khóa 14 đây ạ.

Thầy Huy nhận ngay ra trò. Thầy tươi cười nói:

- Chào em, lâu lắm rồi thầy trò mình mới gặp, thầy quên em sao được, cậu học trò nhiều trò nhất lớp, luôn “khuấy động” lớp trong các tiết học đây mà.

- Thầy bỏ nghề rồi ạ. Ngày ấy thầy đã từng nói với chúng em là làm việc gì cũng cần có niềm đam mê cơ mà?

          Trong lời nói của Quân dường như có gì đó ái ngại cho thầy Huy. Bởi thầy Huy trên bục giảng mà các thế hệ học sinh từng biết lúc nào cũng muốn truyền cho học sinh nhiệt huyết yêu nghề, khuyên các em đừng bao giờ từ bỏ, đừng bao giờ vì cái lợi vật chất mà đánh mất đi nhân cách. Còn thầy Huy giờ đây trước mắt Quân lại là một anh thợ tay chân đầy dầu mỡ lắp đặt điện nước dưới quyền cậu học trò của mình ngày nào.

           Hiểu những gì Quân đang nghĩ, thầy Huy vẫn rất điềm tĩnh, vui vẻ:

- Không đâu, thầy làm sao mà bỏ nghề được em. Đó là công việc thầy yêu thích và sẽ dành cả cuộc đời để cống hiến. Trên bục giảng thầy là một người thầy luôn mong muốn mang đến những kiến thức bổ ích cho các em. Ngoài bục giảng thầy còn là một người chồng, người cha luôn mong muốn mang đến cuộc sống tốt nhất cho gia đình. Làm việc gì không quan trọng, miễn là kiếm tiền chân chính bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình em ạ. Và quan trọng là vẫn theo đuổi được đam mê và làm hết trách nhiệm. Em thấy không những gì thầy dạy các em trong bộ môn đều áp dụng được vào công việc của thầy trò mình đang làm đấy. Thầy tìm thấy niềm vui trong cả hai công việc này.

Quân hiểu ra những điều thầy vừa nói. Cậu càng thêm kính trọng thầy hơn. Cậu khâm phục nghị lực sống, sự lạc quan của thầy. Được làm việc với thầy, gần thầy Quân càng thấy được sự cao quý của người thầy đáng kính ấy.

 

Thầy Huy (bên phải) luôn được các thế hệ học trò yêu mến

          Thầy Huy cũng khuyên giáo viên trẻ chúng tôi đã xác định “theo nghề thì phải yêu lấy nghề”. Nghề của mình rất cao quý. Nhưng cũng đừng ngại ngùng hay xấu hổ nếu học trò của mình bắt gặp mình trong một “vai trò” khác. “Giáo viên cũng là con người mà có phải thần thánh đâu”. Quan trọng, chúng ta phải luôn sống đúng với bản thân, có tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà đánh mất mình. Nhất là trong thời buổi nền kinh tế ngày càng phát triển, đòi hỏi người giáo viên cần thay đổi nhận thức, nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển nghề nghiệp của mình, theo kịp thời đại.

- Em thấy học sinh khóa trước còn đặt cho thầy biệt danh “Thầy Huy thám tử”, không biết nguồn gốc của biệt danh đặc biệt này có nguồn gốc thế nào vậy?.

Thầy cười và kể về câu chuyện cách đây khá lâu từ năm 2010 khi thầy mới vào nghề được ít năm, kinh nghiệm chưa nhiều, chỉ có duy nhất niềm đam mê với nghề và tình yêu trò. Năm ấy, thầy được phân công chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh cá biệt. Đồng nghiệp ai cũng ái ngại cho thầy. Ngày đầu tiên bước vào lớp thầy đã phải gắn thêm cho mình cái mác “thám tử”.

Đang say sưa giảng bài thì Thảo- một học sinh trong lớp đứng lên thưa bị mất điện thoại. Đó là chiếc Iphon 5 mới rất giá trị. Theo các học sinh trong lớp kể lại thì chiếc điện thoại bị mất trong giờ ra chơi, các lớp ra tập thể dục giữa giờ. Nếu tiết cuối của buổi học ngày hôm nay, khi sinh hoạt mà không tìm ra thì tan học, lúc đó mỗi em một nơi sẽ càng khó khăn hơn. Và lớp trưởng của lớp cũng có chia sẻ “trước đây cũng có nhiều trường hợp các bạn trong lớp bị mất tiền nhưng không dám nói ra vì không có bằng chứng”.

Ngày đầu nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp, nếu không giải quyết thỏa đáng thì sẽ khó lấy được niềm tin và uy tín của lớp dành cho mình. Cuối cùng bằng sự nhạy bén, cùng khả năng phán đoán cả mình thầy đã thành công tìm ra chiếc điện thoại. Thầy yêu cầu cả lớp tiếp tục tập trung vào bài học. Hôm đó là tiết 4 của ngày thứ 7. Khi trống tan thầy yêu cầu học sinh ngồi lại trong lớp, đóng hết cửa lớp lại. Trống vào, khi các lớp khác đã ổn định thầy mới bắt đầu giải quyết sự việc.

- Trước hết thầy có vài lời muốn nói với các em. Thầy rất vui vì hôm nay là buổi dạy đầu tiên và buổi sinh hoạt lớp đầu tiên khi thầy được phân công chủ nhiệm, được cùng đồng hành với các em trong năm cuối cấp. Nhưng thầy cũng buồn khi chứng kiến sự việc này. Thầy muốn nói với các em rằng, đã là con người không thể tránh khỏi những lúc phạm sai lầm. Thầy cũng vậy. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là các em biết nhận ra sai lầm và kịp thời sửa chữa. Trước khi vào nhận lớp thầy đã tìm hiểu về lớp. Thầy biết lớp mình có nhiều bạn “cá tính”. Tuy kết quả học còn thấp nhưng các em đều là những học sinh hiểu biết. Thầy tin các em chỉ nhất thời nông nổi chứ đó không phải bản chất của các em nên các em hãy biết dừng đúng lúc.

Cả lớp vẫn im phăng phắc. Trong giờ phút đó thầy Huy tưởng chừng như tiết sinh hoạt bị kéo dài gấp đôi mọi khi. Thời gian cứ trôi chậm dần theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cuối lớp. Không khí im lặng như nghẹt thở xâm lấn cả thầy và trò.

Không thấy có phản hổi thầy lại nói với giọng đầy kiên nghị và dứt khoát:

- Thầy sẽ không kiểm tra cặp và người các em. Vì thầy tôn trọng các em. Có thể chiếc điện thoại vẫn trong lớp mình hoặc đã được đưa ra khỏi lớp. Chiếc điện thoại đó đã được khóa bằng mật khẩu, khi lấy nó các em sẽ không thể sử dụng nếu không ra quán điện thoại để bẻ khóa. Những quán điện thoại trong huyện đều lắp camera. Chỉ cần thầy yêu cầu họ kiểm tra là sẽ tìm ra. Thêm nữa, thầy có gọi điện cho phụ huynh bạn Thảo, phụ huynh nói có cài định vị trong điện thoại khi mua cho bạn ấy, nên ngay bây giờ phụ huynh có thể biết điện thoại đang ở đâu.

           Trong lớp bắt đầu có nhiều tiếng bàn tán, thầy lại dùng giọng ôn tồn nói tiếp.

- Thầy đặt niềm tin vào các em, thầy tin bạn lấy chiếc điện thoại đó không muốn để sự việc đi quá xa. Các em còn trẻ, tương lai các em còn rộng mở, đừng để một phút lòng tham mà hủy hoại bản thân. Thầy muốn các em hãy suy nghĩ thật kĩ. Sau buổi học, thầy sẽ ngồi ở phòng hội đồng đến hết chiều nay. Thầy mong sẽ nhận lại chiếc điện thoại từ bạn nào đó. Hoặc em đó có thể nhắn tin cho thầy, gặp riêng thầy để gửi trả lại. Thầy lấy danh dự của mình đảm bảo sẽ giữ bí mật này mãi mãi, không để người thứ 3 biết được. Thầy tin là thầy tha thứ được cho em thì các bạn cũng sẽ tha thứ cho em.

          Buổi học hôm ấy kết thúc với biết bao tâm trạng ngổn ngang đang diễn ra trong lòng thầy Huy và học sinh lớp chủ nhiệm. Cả chiều hôm ấy, thầy ở lại trường trong sự chờ đợi và hi vọng. Thầy có cảm giác như đang “đánh cược một ván bài rất lớn” mà cái duy nhất thầy có chính là miềm tin vào những điều tốt đẹp của học sinh mình. 18 giờ tối khi thầy đang thất vọng dắt xe ra về, T- một học sinh vẫn được khen là hiền lành nhất lớp xuất hiện. Hai thầy trò ngồi lại với nhau. T rất lúng túng. Thầy Huy lên tiếng trước phá tan sự im lặng:

- Thầy đang rất sẵn lòng nghe em chia sẻ

           T rút ra từ cặp chiếc điện thoại bị lấy mất. T cúi mặt và xin thầy tha thứ. Chỉ vì một phút không kìm lòng khi thấy chiếc điện thoại hiện đại trong ngăn bàn mà đã nảy ra ý định lấy cắp. T chia sẻ, bố T bỏ 2 mẹ con đi với người khác, một mình mẹ nuôi em khôn lớn. Tuần vừa rồi mẹ bị tai nạn lao động không thể đi làm. Tiền học phí và các khoản đầu năm em chưa biết tính sao. Trong một phút thiếu suy nghĩ em đã làm một việc đáng xấu hổ.

          Thầy Huy đã hiểu ra mọi việc. Thầy ôn tồn nói:

- Cảm ơn em đã dũng cảm đối mặt với sai lầm của mình. Cảm ơn em đã giúp thầy thêm tin vào điều tốt đẹp trong mỗi con người. Thầy tin sau sự việc lần này em sẽ trưởng thành hơn. Thầy hữa sẽ giữ bí mật này mãi mãi.

Nghe thầy nói vậy, T xúc động nghẹn ngào, khóc nức nở trong vòng tay của thầy Huy. Hai thầy trò lúc này ôm chặt nhau, T đã tự hứa với bản thân mình, sẽ không để thầy phải thất vọng.

          Sáng thứ 2 đầu tuần, thầy Huy đã mang chiếc điện thoại trả lại cho Thảo. Cả lớp xôn xao về người đã lấy cắp. Lúc này, thầy tập trung lớp học lại và thông báo:

- Thầy đã lấy lại được điện thoại cho Thảo. Nhưng người nào lấy thì thầy sẽ không nói. Thầy mong các e sẽ tha thứ cho bạn, đây cùng là bài học cho bạn để bạn không bao giờ tái phạm. Mỗi chúng ta cần biết dũng cảm nhận lỗi những cũng nên biết khoan dung, tha thứ các em ạ!. Bạn Thảo cũng như các bạn trong lớp cũng cần rút kinh nghiệm. Các em phải tự biết bảo quản tài sản cá nhân của mình, đặc biệt không nên mang những thứ quá giá trị đi học.

          Từ đó học sinh trong lớp bạn nào cũng khâm phục và yêu quý thầy Huy. Chúng còn phong cho thầy biệt danh “thám tử” bởi hôm đó ai cũng nghĩ khó có thể tìm lại được chiếc điện thoại đã mất.

          Và cứ thế, trong suốt một năm gắn bó với lớp học, thầy luôn tận tình quan tâm giúp đỡ tất cả các thành viên trong lớp, đặc biệt là T. Thầy Huy đã âm thầm hỗ trợ cho T tiền đóng học và mua cho em nhiều sách vở để T tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ “được đi học” của mình. Không những thế, thầy còn liên hệ với nhiều nhà hảo tâm và Đoàn trường giúp đỡ nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cơ nhỡ, khó khăn trong đó có T.

          T- Người học trò mà đến bây giờ chưa ai biết tên ấy. Sau này, từ câu chuyện “đặc biệt” đó đã nỗ lực phấn đấu và thi đỗ vào một trường đại học có uy tín ở Hà Nội, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng giỏi, T đã hiện thực hóa ước mơ của mình trở thành một bác sĩ để giúp ích cho người, cho đời.

Tôi rất thích được nghe thầy kể chuyện. Bởi trong mỗi câu chuyện của thầy tôi thấy được sự nhiệt huyết, nhạy bén trong nghề của một thầy giáo hết lòng với học sinh. Cách xử lí tình huống của thầy khiến những giáo viên trẻ chúng tôi khâm phục và học hỏi được rất nhiều điều. Và đến bây giờ khi nhắc đến biệt danh Thầy Huy “thám tử” các thế hệ học trò của trường THPT Khoái Châu đều hết mực quý trọng, tin yêu.

                                                                                   

 


Tác giả: Tác giả: Triệu Thị Hòa Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Khoái Châu, Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết