CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM “XÂY DỰNG VÀ GIỮ GÌN MỐI QUAN HỆ THẦY TRÒ TỐT ĐẸP”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người nói: “ Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…”. Đối với một dân tộc mà quan niệm “tôn sư trọng đạo” đã trở thành một truyền thống sâu rễ bền gốc thì người thầy luôn có một vị trí thật đặc biệt trong xã hội và trong nhà trường.
Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy, đặc biệt là công tác chủ nhiệm thì phải chú trọng quan tâm tới việc xây dựng và giữ gìn mối quan hệ thầy trò tốt đẹp. Từ những trải nghiệm của bản thân, sau nhiều năm công tác giảng dạy và chủ nhiệm, tôi đã tích lũy được một vài kinh nghiệm, xin được mạnh dạn chia sẻ, hi vọng sẽ góp thêm một cái nhìn mới về mối quan hệ thầy trò trong trường phổ thông, đồng thời góp phần khẳng định một lần nữa về bản chất tốt đẹp và thiêng liêng của mối quan hệ thầy trò.
Một số biện pháp để xây dựng và giữ gìn mối quan hệ thầy trò tốt đẹp trong trường phổ thông:
Thứ nhất, Người thầy phải không ngừng hoàn thiện và làm mới mình
Cuộc sống xung quanh chúng ta vô cùng phong phú, những cái mới liên tục ra đời thay thế cho cái cũ, xã hội đang ngày càng phát triển tiến bộ và hiện đại hơn, nhiều giá trị mới được khẳng định. Người thầy vốn được coi là kỹ sư tâm hồn cũng phải không ngừng hoàn thiện mình để trở thành một tấm gương học trò nể phục.
Tôi nghĩ rằng phẩm chất hàng đầu của người thầy là phẩm chất đạo đức. Ý thức rõ điều đó, tôi luôn giữ cho mình một lối sống lành mạnh, giản dị, sống thân thiện, cởi mở với đồng nghiệp, đặc biệt là yêu thương học trò và yêu nghề. Nhưng nếu chỉ hoàn thiện mình về phẩm chất đạo đức thì sẽ là khiếm khuyết. Bác Hồ cũng đã từng nhận xét: “Có tài mà không có đức thì hỏng nhưng có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào”. Vì thế đối với những người làm thầy còn phải nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi rất coi trọng việc tự học, hơn nữa trong một xã hội phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì tôi nghĩ việc tự học không phải là điều quá khó.
Người thầy không chỉ hoàn thiện mình mà còn cần làm mới mình trong con mắt học trò. Thỉnh thoảng, thầy nên thay đổi những thói quen cũ, lối làm việc cũ để tạo sự bất ngờ, thích thú của học trò đối với mình.
Thứ 2, Hình phạt không phải là chìa khóa vạn năng trong công tác giáo dục đối với học sinh
Về lí luận giáo dục học thì hình phạt cũng là một hình thức giáo dục học sinh. Khi học sinh mắc lỗi, hình phạt là cách để nhắc nhở học sinh không tái phạm và giúp các em ý thức rõ về mức độ lỗi của mình. Vì thế nên trường học nào cũng có những quy định về nội quy và đi liền với nó là những quy định về hình phạt khi vi phạm nội quy.
Tôi luôn nghiêm khắc với những lỗi của học sinh. Trong quá trình chủ nhiệm, khi học sinh mắc lỗi tôi thường lựa chọn những hình phạt phù hợp, vừa sức và tin chắc các em có thể thực hiện được để tránh thái độ đối phó. Tôi chọn hình thức giáo dục kỷ luật tích cực là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh; có sự thỏa thuận giữa giáo viên – học sinh và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của HS.
Tuy nhiên trong thực tế giáo dục không phải cứ “ tội” nào của học sinh cũng phạt được hay cũng có thể mang ra tuyên bố công khai mà phạt được. Có những trường hợp thay vì phạt cần gặp riêng học sinh để trao đổi, phân tích, nói chuyện để em hiểu…Bất cứ lỗi nào của học sinh cũng có cách giải quyết, nhưng dù giải quyết theo cách nào, tôi nghĩ rằng người thầy cần tôn trọng nhân cách của học sinh. Có như thế hình phạt mới có tác dụng và mối quan hệ thầy trò không bị tổn hại.
Thứ 3, Tâm tình trò chuyện và luôn quan tâm đến học trò
Học trò có rất nhiều điều muốn tâm sự, chia sẻ thậm chí cả những thắc mắc. Vì thế người thầy cần phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhiều hơn, trò chuyện với các em nhiều hơn. Nắm bắt được thế giới tâm hồn của các em có nghĩa là người thầy đã thành công một phần lớn trong việc xây dựng và gìn giữ mối quan hệ thầy trò.
Tôi xác định rõ muốn trò chuyện với trò trước hết phải hiểu trò, phải thấu đáo những tâm tư tình cảm của trò. Đây là một việc làm khó đòi hỏi người thầy phải có sự kiên nhẫn, nhạy cảm và tinh tế.
Một cách khác để người thầy rút ngắn khoảng cách thầy trò, dễ dàng hơn trong việc trò chuyện với học sinh đó là sự quan tâm, giúp đỡ của người thầy đối với trò, cho dù là những việc rất nhỏ. Kiểm nghiệm thực tế cho tôi thấy những cử chỉ quan tâm, những lời nói ân cần của người thầy thường để lại những ấn tượng đẹp thậm chí trở thành những kỉ niệm khó quên trong lòng học trò.
Thứ 4, Hãy tôn trọng học trò của mình
Mối quan hệ thầy trò được xây dựng trên cơ sở của sự tôn trọng. Học sinh sẽ không bao giờ tôn trọng bạn nếu bạn không tôn trọng họ. Bạn không nên la mắng, mỉa mai, cô lập học sinh hoặc làm mất mặt các em. Những việc làm này sẽ khiến bạn đánh mất sự tôn trọng của cả lớp. Giáo viên nên xử lý vấn đề theo từng trường hợp một cách chuyên nghiệp. Bạn nên giải quyết vấn đề riêng với từng học sinh một cách tôn trọng, trực tiếp và công bằng. Giáo viên cần phải đối xử với các học sinh của mình như nhau, không nên ưu ái bất kì ai. Nên dùng một bộ quy tắc chung cho tất cả học sinh. Thêm một điều quan trọng nữa là giáo viên phải luôn công bằng và nhất quán mỗi khi đối xử với học sinh.
Thứ 5, Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa: thăm quan, dã ngoại
Hoạt động ngoại khóa là một biện pháp không thể thiếu trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm không chỉ phát động phong trào thi đua học tập trên lớp mà còn tổ chức nhiều hoạt động thực tế, hoạt động dã ngoại, trải nghiệm. Hoạt động này, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức xã hội, lịch sử, hình thành cho các em những kĩ năng sống, những kĩ năng xã hội cần thiết cho cuộc sống như: mạnh mẽ, năng động, tự chủ và tích cực, kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng hòa nhập, kĩ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng xử lý tình huống, sự tò mò và khả năng sáng tạo, kĩ năng giữ an toàn cho cá nhân, kĩ năng tồn tại, sự tự tin... Hoạt động này còn tạo thêm động lực và tinh thần thoải mái nhất cho các em sau những giờ học căng thẳng. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tập thể, thầy và trò có thêm sự giao lưu, những kỉ niệm đẹp, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa tập thể, gắn kết mối quan hệ thầy trò.
Tuy nhiên, các hoạt động dã ngoại, trải nghiệm phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu, được sự hỗ trợ và quản lý cùng của phụ huynh, phải an toàn cho học sinh và phải có ý nghĩa rèn luyện cho các em. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh phải lên kế hoạch chi tiết để hoạt động trải nghiệm hiệu quả.
“Xây dựng và gìn giữ mối quan hệ thầy trò tốt đẹp” trong trường phổ thông là việc làm vô cùng cần thiết. Đối với người thầy, mối quan hệ thầy trò là một nhân tố quan trọng để thực hiện tốt hoạt động giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh. Đối với đất nước, mối quan hệ thầy trò là một nét văn hóa đáng tự hào, đậm đà bản sắc dân tộc.