BÁO CÁO HỘI THẢO CHUYÊN MÔN “TÍCH HỢP GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH QUA DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG THPT”
Có thể nói, hướng nghiệp là một hành trình trọn đời. Ngày nay, giáo dục hướng nghiệp đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong giáo dục trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Quan niệm của UNESCO cũng rất chú trọng giáo dục hướng nghiệp: “chuẩn bị cho giới trẻ tham gia chắc chắn vào đời sống xã hội, nghề nghiệp”. Vì thế giáo dục hướng nghiệp thành một nội dung quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông.
Ở độ tuổi cấp 3, học sinh đã đủ lý trí và nhận thức để có thể chọn nghề nghiệp cho tương lai. Nhiệm vụ của người giáo viên là giúp các em định hướng nghề nghiệp chính xác, phù hợp với khả năng chuyên môn, tâm lý, cá tính, sở thích của các em. Đặc biệt, môn Ngữ văn đối với học sinh lại là bộ môn gần gũi mật thiết, gắn bó vừa rộng vừa sâu với cuộc sống xã hội, nên có thêm chức năng định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Xuất phát từ nhiệm vụ quan trọng đó, tổ Ngữ văn đã lựa chọn, nghiên cứu, và tổ chức hội thảo chuyên đề “Tích hợp giáo dục hướng nghiệp cho học sinh qua dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT”
Căn cứ Công văn số 1890/SGDĐT-GDTrH ngày 09/8/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2024–2025;
Căn cứ Quyết định số 286/QĐ-HĐTKĐ ngày 26/8/2024 của Hiệu trưởng Trường THPT Kim Động về việc ban hành Kế hoạch giáo dục trường THPT Kim Động năm học 2024-2025;
Căn cứ Kế hoạch số 293/KH-BCM ngày 30/8/2024 của Ban chuyên môn về Kế hoạch hoạt động chuyên môn năm học 2024 – 2025. Ngày 17/01/2025, tại phòng học B1.3, tổ Ngữ văn đã tổ chức buổi hội thảo chuyên môn. Tham gia buổi hội thảo có đông đủ các thầy, cô giáo tổ Ngữ văn và đại diện Ban giám hiệu trường THPT Kim Động.
Tại buổi hội thảo chuyên môn, báo cáo viên Nguyễn Thị Ngọc Loan trình bày các nội dung cơ bản sau:
I. HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP TRONG NHÀ TRƯỜNG NÓI CHUNG
Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp mỗi học sinh có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, biết phân tích thị trường hoạt động và tháo gỡ vướng mắc hoặc rèn luyện bản thân. Từ đó, mỗi học sinh tự xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp hoặc không phù hợp với mình. Trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông, hoạt động tư vấn nghề có liên quan tới ban hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các đoàn thể,…
Vì vậy, công tác hướng nghiệp cần giúp cho học sinh hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội, phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân nói chung và của địa phương nói riêng. Trên cơ sở của sự hiểu biết nghề nghiệp và nền kinh tế quốc dân, của địa phương, những đòi hỏi khách quan của hoàn cảnh, biết đối chiếu với sự phát triển, năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân để điều chỉnh động cơ lựa chọn nghề.
II. HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP CỦA GIÁO VIÊN BỘ MÔN NGỮ VĂN
Maxim Gorki đã khảng định: “Văn học là nhân học” Học văn chính là học cách làm người. Học văn gắn liền với việc rèn luyện nhân cách, nhân phẩm. Nghề nghiệp cũng là một phần của cuộc sống, một phần của đời người. Làm người chân chính còn có nhiệm vụ là thông qua nghề nghiệp của mình nuôi sống được bản thân, gia đình và có những đóng góp cần thiết, hoặc đáng kể cho xã hội. Những tác phẩm văn chương còn có thể cung cấp cho chúng ta những tấm gương trong nghề nghiệp, hoặc cung cấp tư liệu, kiến thức để chúng ta vận dụng vào nghề nghiệp.
Qua đó, giáo viên Ngữ văn cần xác định nhiệm vụ là không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức về ngành nghề mà còn phải bồi dưỡng cho các em đạo đức nghề nghiệp để có thể tồn tại trong nghề lâu dài và cống hiến hữu ích cho xã hội. Giáo viên cần định hướng để học sinh nhận ra những bài học kinh nghiệm hoặc bài học kỹ năng cho bản thân qua những bài học cụ thể trong chương trình Ngữ văn trên lớp.
Giáo dục hướng nghiệp trong môn Ngữ văn giúp các em học sinh sẽ trở thành những công dân hoàn thiện, hoàn mỹ hơn, thành công hơn trong cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước.
Lâu nay, trong các em học sinh còn tồn tại một quan niệm thực dụng và lệch lạc là môn Ngữ văn là một môn học có tính chất thuần túy tinh thần, là một môn học có tính thưởng thức là chính, có tính xa xỉ, lãng mạn, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” mà không hề hữu dụng, bám sát xã hội trong thời đại kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (so với những môn học khoa học tự nhiên khác đã trở thành thời thượng). Đó là một quan niệm có phần thực dụng và sai lầm. Văn học tuy không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng có đóng góp và ứng dụng rất lớn trong đời sống con người, giúp con người hoàn thiện hơn về mọi mặt. Giáo dục hướng nghiệp trong môn Ngữ văn sẽ góp phần đánh tan quan niệm sai lầm này trong suy nghĩ của các em học sinh, giúp các em nhận ra tính hữu dụng, tính thực tế của văn học, giúp tầm quan trọng của môn học càng được nâng cao.
III. NHỮNG NỘI DUNG CÓ THỂ TÍCH HỢP GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THPT
1. Những kiến thức về ngành nghề có thể tích hợp qua một số bài học trong chương trình ngữ văn THPT
1.1. Một số ngành nghề có thể tích hợp trong SGK Ngữ văn 10
1.2. Một số ngành nghề có thể tích hợp hướng nghiệp trong SGK Ngữ văn 11
1.3. Một số ngành nghề có thể tích hợp hướng nghiệp trong SGK Ngữ văn 12
2. Những bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp có thể tích hợp qua một số bài học trong chương trình Ngữ văn THPT.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Loan trình bày nội dung chuyên đề
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Loan trình bày nội dung chuyên đề
Sau báo cáo chuyên đề, các thành viên tổ Ngữ văn tiến hành trao đổi, thảo luận sôi nổi. Các ý kiến phát biểu đều nêu ra tầm quan trọng của môn Ngữ văn trong việc tích hợp hướng nghiệp cho học sinh. Kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy nghề là một hướng đi đổi mới góp phần tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho người học trong việc chủ động tìm tòi, ứng dụng, định hướng đúng đắn nghề nghiệp cho tương lai.
Buổi hội thảo chuyên đề có ý nghĩa rất thiết thực, mở ra thêm nhiều định hướng mới, nhiều ý tưởng mới trong việc tích hợp giáo dục nghề cho học sinh trong dạy học môn Ngữ văn tại trường THPT Kim Động. Buổi hội thảo đã khép lại nhưng vấn đề đặt ra thôi thúc mỗi thầy cô giáo cần cố gắng tìm tòi, khơi gợi, phát huy được các chức năng của môn Văn học trong nhà trường.