Thursday, 09/05/2024 - 01:58|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT LẦN VỀ HƯNG YÊN

MỘT LẦN VỀ HƯNG YÊN

Thảo Sơn

Lần đầu tiên tôi về Hưng Yên là lần tôi theo đoàn thực tập sư phạm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội về thực tập tại một ngôi trường thuộc huyện Ân Thi. Cả hai đợt thực tập vào khoảng sáu tuần.

Thời gian không nhiều nhưng đủ để tôi có những cảm nhận ban đầu về mảnh đất và con người nơi đây. Đất và người đều hiền như hạt phù sa sông Hồng, như những bãi bồi ven sông mướt mát, dịu hiền cây trái. Chẳng ai ngờ, chuyến đi ấy với tôi lại là một chuyến đi duyên nợ, đi để rồi ở lại cho đến nay đã gần hai mươi năm.

Trước khi về Hưng Yên, tôi mới chỉ biết đến mảnh đất này rất mơ hồ qua sách vở, thông tin. Ấn tượng còn lại trong tôi là hình ảnh nhân vật Tí, Tuấn, Na trong tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” của nhà văn Sơn Tùng với các địa danh như sông Luộc, bốt Triều Dương, Thiện Phiến và hình ảnh về đội du kích Hoàng Ngân. Tôi không nghĩ rằng sẽ có ngày nào đó mình đến đây lâu đến vậy. Trong đợt thực tập, một lần, thầy Tuấn trưởng đoàn có rủ tôi lên Thị xã Hưng Yên để liên hệ công tác. Ngồi sau xe máy của thầy, chốc chốc tôi lại hỏi: Sắp đến chưa thầy? Hỏi là vì lâu ngày xa Hà Nội, thèm thấy Thị xã sầm uất, thèm thấy phố phường xuôi ngược ồn ã xe cộ. Rồi đến lúc thầy bảo: Sắp đến rồi nhé. Tôi háo hức nhìn về phía trước. Một cái dốc cao ngan ngát cỏ xanh toả theo triền đê với những rặng tre xanh ngút ngát. Thị xã thế này ư? Tôi tự hỏi và thoáng chút thất vọng trong lòng. Đi trên triền đê, nhìn xuống bên đường, nhà cửa, chùa chiền vẫn đậm nét quê kiểng, thôn dã. Đầm sen mênh mang ngan ngát. Gió đê lồng lộng phả vào mặt mát rượi. Những nhà bên đường trải hương que vàng xuộm phơi trong nắng. Tôi hỏi thầy: Đây là đâu ạ? Thầy trả lời: Dốc Lã đấy! Sau lần lên Thị xã Hưng Yên đầu tiên, cảm nhận về thị xã này trong tôi là một mảnh đất nhỏ bé, đơn sơ, yên bình. Cả Thị xã có một phố chính chạy thẳng lên đê sông Hồng, gần với hồ Bán Nguyệt. Các đường nhánh mảnh mai, dịu dàng trong những vòm nhãn rợp mát giăng vàng sợi dây tơ hồng óng ả. Chỉ đi xe máy khoảng năm phút là hết chiều dài thị xã.

Trước khi đoàn thực tập sư phạm chia tay, thầy giáo hướng dẫn thực tập có cầm tay tôi và nói: Nếu công việc khó khăn, về Hưng Yên công tác nhé, thầy sẽ xin việc cho. Lời hẹn ấy đã thành sự thực. Gần hai mươi năm đã trôi qua, Hưng Yên đã dần hiện diện trong lòng tôi thật rõ nét chứ không còn mơ hồ như chuyến lãng du đầu tiên. Ở nơi đây, tôi đã có gia đình. Các con tôi lớn lên dưới những vòm nhãn xanh đất nhãn, tắm làn nước ao làng thoang thoảng hương sen, ăn hạt cơm gạo tám đọng sữa từ phù sa sông Hồng, sông Luộc, nói giọng nói Hưng Yên đôi khi còn lầm lẫn giữa L với n.

Nếu nói về cảnh sắc Hưng Yên, với tôi, Hưng Yên giá trị nhất ở những rặng nhãn mọc ở bất kì nơi đâu trên mảnh đất này. Nhãn mọc trong vườn nhà đong đầy tiếng chim ban mai; Nhãn mọc trong ngõ quê dịu dàng, êm ả; nhãn mọc cổng làng, cổng đình, cổng chùa thâm nghiêm, u tịch, trầm tư; nhãn mọc hai bên đường ngả bóng xuống dòng mương hiền hoà, khoe những nốt u sần già cỗi, tầng lớp vỏ thời gian; nhãn mọc giữa đồng làng phơi mình trong nắng gió thênh thang; nhãn mọc dọc triền sông miên man tiếng sóng... Mùa xuân, cả miền đất Hưng Yên nhuộm sắc vàng nhạt, dìu dịu, ngây ngây của hoa nhãn. Chớm vào thu, những quả nhãn ngả màu nâu sậm, lúc lỉu từng chùm nửa như muốn giấu vào trong vòm lá, nửa như muốn phô ra khoe nét căng mọng, ứa tràn thơm ngọt. Năm nay, Hưng Yên mở cuộc triển lãm nhãn lồng lần thứ nhất ở quảng trường Nguyễn Văn Linh. Ngồi trên xe cùng một anh bạn vào thành phố, nhìn thấy dải chữ quảng bá lễ hội, anh bạn hỏi tôi nghĩ gì. Tôi bảo: Sao giờ Hưng Yên mới làm được việc này! Muộn anh ạ. Lẽ ra nhãn lồng Hưng Yên phải được quảng bá sớm hơn, nhiều hơn rất nhiều. Một đặc sản nguyên vẹn nét riêng của quê hương, nhiều giá trị đến thế mà giờ mới mở lễ hội lần thứ nhất là chưa xứng tầm đâu. Tôi vừa nói vừa cười để anh bạn khỏi phật ý nhưng thực lòng tôi nghĩ vậy.

Hưng Yên không có những công trình, những di tích văn hoá thật hoành tráng, to lớn. Chủ yếu là những công trình nhỏ nhưng đậm nét đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Những công trình, di tích đọng lại trong tôi là chùa Chuông, là đền Mẫu, là văn miếu Xích Đằng, là đền thờ Tống Trân, là đền thờ Chử Đồng Tử, là chùa Nôm, làng Nôm. Những công trình ấy là hiện thân cho tín ngưỡng thờ cúng những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với quê hương, đất nước, cho tinh thần giữ gìn những nét bản sắc dân tộc Việt Nam. Qua những công trình ấy cùng với những giai thoại, những truyền thuyết, huyền sử đi kèm, con người Hưng Yên hiện lên với nét đẹp cần cù, hiếu học, thông minh, trí tuệ, giàu nghĩa tình, trọng đạo lý, biết hướng về cội nguồn. Đền thờ Chử Đồng Tử ở thôn Dạ Trạch, Khoái Châu là nơi lưu giữ dấu tích của một trong tứ bất tử của người Việt Nam, nơi lưu giữ một câu chuyện về chàng trai nghèo mà hiếu thảo, tài giỏi được công chúa Tiên Dung chọn làm chồng, mở mang, phát triển cả một vùng quê trù phú tốt tươi. Đền thờ Tống Trân lưu lại dấu tích về một chàng trai nghèo mà hiếu học, thông minh, kiên trì dùi mài kinh sử, được phong lưỡng quốc trạng nguyên. Chàng đã từng phải dắt mẹ đi xin ăn mà làm vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà thời Trần. Văn miếu Xích đằng còn lưu lại được những tấm bia quý giá, ghi lại tên tuổi của những người con ưu tú, là minh chứng cho một miền đất không hiếm nhân tài. Dù không phải là người con của mảnh đất Hưng Yên, nhưng mỗi khi giảng dạy đến các tác phẩm có tác giả là người Hưng Yên, tôi đều giới thiệu với học sinh với tất cả niềm tự hào, hãnh diện. Đó là Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Thân Nhân Trung, Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Lê Hữu Trác... Họ khác nhau về thời đại, công việc nhưng đều có cội nguồn là mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống văn hoá, văn hiến. Các em có quyền tự hào về họ, về những người con quê hương mình, về mảnh đất cha ông mình.

Nghĩ về Hưng Yên, tôi không thể không nhớ đến một triền đê bao quanh nhiều huyện trong tỉnh. Triền đê ấy chạy từ Phù Cừ qua Tiên Lữ, nối với thành phố Hưng Yên rồi về đến Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang. Triền đê mềm như dải lụa mà kiên cường trải qua nhiều mưa gió, bão giông, lũ lụt của một miền quê lúa nước. Nghe kể rằng, khúc đê thuộc huyện Văn Giang đã từng vỡ liên tiếp mười tám năm liền. Mười tám năm liền vỡ đê đủ để thấy rằng con đê ấy đã tảo tần, lam lũ, nhọc nhằn biết bao nhiêu. Hôm nay, con đê đã cao, đã vững và bình thản trải mình trong màu xanh của cỏ, của nhãn, của những rặng tre, của lúa đồng, của bãi bờ ngút ngát mà quên đi những nhọc nhằn đã lùi lại ở phía rất xa. Chính mảnh đất Văn Giang, nơi mười tám lần vỡ đê, nay đã trở thành một vùng quê nổi tiếng với nghề làm vườn, nghề trồng cây cảnh nhiều tiềm năng phát triển. Đi trên triền đề, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đàn bò thong dong gặm cỏ, những ao đầm chân đê ngan ngát hương sen. Bên trong con đê là làng quê, đồng lúa yên bình còn bên ngoài con đê là dòng sông, là bãi bờ phù sa tràn màu xanh cây trái.

Gần hai mươi năm gắn bó với Hưng Yên là gần hai mươi năm tôi sống trong nỗi nhớ nhà. Nhưng thật lạ, mỗi lần nhớ nhà, tôi phóng xe lên bờ đê sông Luộc là lại thấy lòng mình dịu lại. Hình ảnh làng quê, con đê, rặng tre, bến sông nơi đây sao thân quen, gần gũi đến thế. Khung cảnh khiến tôi như gặp lại khúc sông Đuống, sông Cà Lồ quê mình ở phía xa kia. Đã tự lúc nào, tôi thấy mình đã là một nguời Hưng Yên mộc mạc, mộc mạc từ lời ăn tiếng nói, mộc mạc từ cách nghĩ đến sự mộc mạc trong cách tỏ bày nỗi nhớ thương. Tôi đã đến và còn đang ở lại. Hãy cho tôi được tỏ bày một lời vụng về: Tôi yêu Hưng Yên!

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết