Tuesday, 24/12/2024 - 02:19|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CỤM THI ĐUA SỐ 3 TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN MÔN NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN VẬT LÍ

Căn cứ Công văn số 1890/SGDĐT – GDTrH ngày 9/8/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025; Thực hiện Kế hoạch tổ chức Hội thảo chuyên môn các môn học và hoạt động giáo dục năm học 2024 – 2025 của Cụm thi đua số 3. Chiều ngày 18/11/2024, tại trường THPT Tiên Lữ đã diễn ra buổi Hội thảo với chủ đề: “Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong giảng dạy Vật lí chương trình GDPT 2018”.

 

          Mục đích của buổi Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung: Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong giảng dạy Vật lí chương trình GDPT 2018 tại trường THPT, qua đó thúc đẩy hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả dạy học, thực hiện tốt chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, buổi Hội thảo là cơ hội để tăng cường giao lưu, học hỏi giữa cán bộ quản lý và giáo viên của các trường trong Cụm thi đua số 3.

Thầy Trần An Khải phát biểu khai mạc

          Đến dự Hội thảo có đầy đủ các thầy cô dạy bộ môn Vật lí trong 14 trường THPT thuộc Cụm thi số 3, ngoài ra các trường cũng đã cử đại diện dẫn đoàn đi là những thầy cô làm công tác quản lý tại đơn vị mình. Mở đầu trong chuỗi các hoạt động đó là hoạt động dự giờ thăm lớp, phụ trách việc giảng dạy tiết học là cô giáo Lều Thị Thoa công tác tại trường THPT Tiên Lữ. Tiết học diễn ra ở lớp 11A1, bài học mà cô lựa chọn là bài 11. Sóng điện từ, phương pháp chủ đạo mà cô đã lựa chọn xuyên suốt tiết dạy là sử dụng Plicker để các em học sinh trả lời các câu hỏi tương tác trực tiếp với điện thoại thông minh, nhờ đó các em chủ động tìm hiểu và nắm được kiến thức trong bài.

Cô Lều Thị Thoa cùng học sinh lớp 11A1

          Hết giờ giải lao, các thầy cô đã tập trung trên phòng hội đồng của nhà trường để tiến hành các hoạt động trọng tâm của chương trình. Sau phần chào hỏi, giới thiệu chương trình làm việc của cô Nguyễn Thị Sim dẫn chương trình, là phát biểu khai mạc của thầy Trần An Khải hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ. Thầy Khải đã cảm ơn các thầy cô giáo mặc dù rất bận rộn nhưng đã giành thời gian đến dự Hội thảo và thăm trường, kế đến thầy trao đổi về các nội dung cơ bản toàn diện của chương trình GDPT 2018, thầy có nhấn mạnh năm học 2024 – 2025 là năm học mà các cấp học hoàn thành đầy đủ chương trình cho các khối lớp mà Bộ giáo dục đào tạo đã vạch ra. Để hoàn được các mục tiêu giáo dục căn bản toàn diện thì các thầy cô cần không ngừng phấn đấu, thay đổi hoàn thiện bản thân, tích cực tìm hiểu các phương pháp kỹ thuật dạy học mới vào giảng dạy, đặc biệt là áp dụng cho môn Vật lí vì đây là môn có nhiều ứng dụng trong cuộc sống.

          Tiếp theo là đến phần tham luận với sự góp mặt của 3 trường THPT Hưng Yên; THPT Đức Hợp và THPT Phù Cừ. Các tham luận đều xoáy sâu về các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực, cô Nguyễn Thị Minh Khuê đến từ trường THPT Hưng Yên nói về cách tổ chức các trò chơi trong tiết học, các trò chơi lồng ghép sẽ giúp tiết học thêm sinh động hấp dẫn và cuốn hút học sinh. Thầy Lê Văn Quân trường THPT Đức Hợp lại nói đến hoạt động STEM trong nhà trường, đây là hoạt động ngoại khóa không thể thiếu đối với bộ môn Vật lí, hoạt động STEM giúp các em biết đến các ứng dụng cơ bản cuả Vật lí trong đời sống, qua hoạt động này các em sẽ hình thành được các năng lực cho bản thân đúng với tinh thần của chương trình GDPT 2018. Thầy Lê Đức Thiện của trường THPT Phù Cừ lại nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp “dạy học giải quyết vấn đề”. Theo thầy thì đây là phương pháp rất hiệu quả trong dạy học Vật lí, nó không chỉ giúp học sinh phát huy năng lực tư duy mà còn giúp các em chủ động phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Minh Khuê trình bày tham luận

          Sau phần tham luận đó là phần nhận xét về giờ dạy của cô giáo Lều Thị Thoa, nội dung này do thầy Nguyễn Thành Dân trường THPT Tiên Lữ điều hành. Đa số các ý kiến đến từ các trường trong cụm đều cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và chuẩn bị chu đáo của trường sở tại, bên cạnh đó đã mất công chuẩn bị một tiết học với phương pháp mới để các trường học hỏi. Tuy nhiên các thầy cô đã đưa ra sự hạn chế của cách dạy đó là: không quan sát được kết quả các câu trả lời của học sinh; không nên áp dụng phương pháp này cho toàn bộ các hoạt động tiết học vì như thế sẽ không phát huy được hết các năng lực của học sinh, mà chỉ nên áp dụng cho hoạt động luyện tập thôi; sự chia nhóm ở lớp từ đó cũng trở nên không cần thiết vì các nhóm không được lên báo cáo cũng như không có hoạt động nhóm ở đây.

          Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền hiệu phó trường THPT Tiên Lữ lên tổng kết buổi Hội thảo. Đồng chí nhắc đến các phương pháp dạy học tích cực là cần thiết để chúng ta phát huy hết các năng lực của học sinh, tuy nhiên các phương pháp kỹ thuật nói chung đều có những mặt tích cực và hạn chế của nó, điều quan trọng là chúng ta phải biết nhóm đối tượng học sinh như thế nào để có phương pháp kỹ thuật phù hợp. Buổi hội thảo kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người tham gia.

 

Người viết: Phạm Văn Hưng – GV Vật lí trường THPT Phù Cừ.

         

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết