Tuesday, 24/12/2024 - 01:08|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHÓM VẬT LÍ TRƯỜNG THPT PHÙ CỪ TỔ CHỨC DẠY HỌC HƯỞNG ỨNG PHONG TRAO THI ĐUA CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Căn cứ nhiệm vụ năm học 2024-2025 về việc đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, vào tiết 4 sáng ngày 11/11/2024, tại lớp 11D3, nhóm Vật lí đã tiến hành dạy tiết thao giảng với sự tham gia trực tiếp giảng dạy của cô giáo Hoàng Oanh. Đến dự tiết học, về phía Ban giám hiệu có đồng chí Dương Văn Long, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, đồng chí Hoàng Đức Hải phó hiệu trưởng nhà trường đến dự. Về phía giáo viên có các thầy cô trong nhóm Vật lí theo sự phân công cũng có mặt đầy đủ.

 

          Bài học được cô giáo Hoàng Oanh thực hiện giảng dạy là bài 10: Thực hành đo tần số âm, thuộc chương trình SGK lớp 11 bộ sách Kết nối tri thức. Đây là bài học giúp rèn luyện và nâng cao các năng lực của học sinh như: năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực thực hành Vật lí, năng lực tính toán xử lý các số liệu đo đạc, năng lực làm việc nhóm, … Bên cạnh đó trong bài học cũng có nhiều kiến thức mà các em có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống đặc biệt là các kiến thức liên quan đến âm học.

          Ở hoạt động khởi động, cô giáo đã cho học sinh theo dõi một đoạn video về buổi hòa nhạc, sau đó định hướng các em học sinh về các loại nhạc cụ xuất hiện, mỗi loại nhạc cụ đó lại phát ra một tần số âm khác nhau, từ đó kích thích trí tò mò của các em về cách đo tần số âm phát ra như thế nào, và rồi cô giáo dẫn dắt vào nội dung bài học.

Hình ảnh video khởi động vào bài

          Tiếp đến là hoạt động hình thành kiến thức. Trong hoạt động này, cô giáo đã hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết về bộ thí nghiệm đo tần số âm. Các dụng cụ chính gồm có: Micro, âm thoa gắn trên hộp cộng hưởng, bộ thu tín hiệu âm, đồng hồ đa năng. Để học sinh hiểu kỹ hơn về bài học, cô giáo đã có những câu hỏi và trao đổi thêm với học sinh về nguyên tắc hoạt động và cơ cấu đo của những dụng cụ đó. Sau khi hướng dẫn xong, cô giáo yêu cầu đại diện các nhóm lên lấy dụng cụ và tiến hành đo. Các em học sinh, sau khi được nghe giáo viên hướng dẫn, cũng đã rất tích cực làm và đo thành công tần số của âm phát ra, không những thế các em còn biết cách xử số liệu đo và báo cáo kết quả làm việc của nhóm mình trước lớp cũng như các thầy cô có mặt dự giờ.

Cô Oanh đang hướng dẫn cách lắp ráp bộ thí nghiệm

Hoạt động luyện tập và vận dụng được cô giáo lồng ghép với nhau dưới hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm xen kẽ là những câu hỏi tự luận mang tính liên hệ thực tế cao. Các nhạc cụ dân tộc như: trống, đàn bầu, sáo trúc, khèn, … tiếp tục là chủ đề được khai thác tìm hiểu. Điều này giúp học sinh thêm yêu âm nhạc truyền thống và khơi gợi niềm tự hào về dân tộc trong bản thân các em.

Giờ học kết thúc trong sự hứng khởi của các em học sinh vì các em đã được trực tiếp thực hành, rèn luyện các kỹ năng của bản thân cùng các bạn trong nhóm. Qua tiết học, học sinh thấy dạy học thực hành đã góp phần tăng cường sự hứng thú, khác hẳn với cách tiếp cận kiến thức từ sách giáo khoa một cách khô khan và cứng nhắc.

Hoạt động dạy học đổi mới theo hướng nghiên cứu bài học từ việc sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn luôn được các thầy cô trong nhóm Vật lí duy trì thường xuyên trong năm học. Mỗi tháng, bên cạnh việc trao đổi chuyên môn, sẽ có một thầy cô được giao nhiệm vụ soạn bài và giảng dạy trực tiếp trên các lớp mà mình phụ trách. Cách làm này không chỉ giúp các thành viên trong nhóm trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn làm cho các tiết học trở nên sinh động hấp dẫn hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Vật lí tại trường THPT Phù Cừ.

Dưới đây là một số hình ảnh trong tiết học:

Các thiết bị của bộ thí nghiệm

Học sinh lên báo cáo kết quả đo

Các nhóm làm thực hành

Tác giả: Phạm Văn Hưng – GV Vật lí.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết