Friday, 26/04/2024 - 12:21|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp đối với giáo dục trung học trong năm học 2014-2015 thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND tỉnh về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm học 2014 -2015, năm học toàn ngành tập trung thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của UBND Tỉnh Hưng Yên thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế....

Năm học 2014 -2015, năm học toàn ngành tập trung thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của UBND Tỉnh Hưng Yên thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Và năm học đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (TNTHPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua, đặc biệt là qua hai kỳ thi TNTHPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của năm 2014. Năm học này ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những mặt còn hạn chế, chỉ đạo triển khai tích cực nhiệm vụ của các cấp học trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cụ thể :

1. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh về việc triển khai kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong năm học.

2. Giáo dục trung học tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc dạy và học theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất. Tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết và định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm xã hội; năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng thực hành,… Phát triển khả năng sáng tạo, tự học của học sinh. Duy trì, củng cố kết quả Phổ cập giáo dục THCS.

Tiếp tục chỉ đạo tập huấn cho cán bộ, giáo viên toàn ngành với những nội dung trọng điểm như: những định hướng đổi mới GDPT, nâng cao năng lực cho đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; các kỹ thuật dạy học tích cực, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong nhà trường, dạy học theo chủ đề tích hợp, bồi dưỡng các kỹ năng cho giáo viên tiếng Anh để triển khai Đề án ngoại ngữ 2020. Yêu cầu các cán bộ quản lý phải hiểu rõ các nội dung trên để quản lý, triển khai các hoạt động chuyên môn trong nhà trường, đối với giáo viên phải vận dụng nhuần nhuyễn các nội dung đó trong quá trình dạy học.

Làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn giáo viên làm nòng cốt thực hiện tại các cơ sở giáo dục, triển khai có hiệu quả kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đối với các cơ sở giáo dục.

Tổ chức hoạt động nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các tình huống thực tiễn. Tổ chức thi cấp tỉnh cho khối các trường THPT và THCS, chọn lọc những sản phẩm, dự án xuất sắc tham dự cấp quốc gia.

Kiện toàn ban nghiệp vụ bộ môn của ngành, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, thiết thực với tình hình thực tiễn đáp ứng yêu cầu của đổi mới giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Các bộ môn phải xây dựng được những giáo án điển hình, hệ thống câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Tổ chức các tiết giảng để rút kinh nghiệm, tổ chức các hội thảo, chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn tổ chức dạy thêm, học thêm của tỉnh cũng như của ngành.

Về kỳ thi THPT quốc gia, các cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu đúng về kỳ thi. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng để định hướng cho học sinh học tập, ôn tập, chọn ngành, nghề và trường phù hợp với năng lực cá nhân. Trong năm học này, Sở sẽ chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi thử cho học sinh lớp 12 để học sinh tập dượt, làm quen và đánh giá khả năng của mình. Từ đó, học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch học tập, giảng dạy phù hợp để đạt kết quả cao nhất.

Đối với các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, THPT Chuyên và kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT, THCS sẽ hướng tới việc đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh.

3. Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện/thành phố:

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá các đơn vị triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đặc biệt là triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy tiếp cận năng lực của học sinh, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Kiểm tra việc tự đánh giá của nhà trường.

Chỉ đạo hoạt động của tổ nghiệp vụ tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực của học sinh.

Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra theo hướng đổi mới để các đơn vị cơ sở tham khảo. Kiểm tra, khảo sát trên địa bàn huyện, thành phố lấy kết quả chung, trên cơ sở đó đánh giá chất lượng các đơn vị so với mặt bằng chung trong huyện, tỉnh.

Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hướng phát triển năng lực (chuẩn giáo viên) với thời lượng đảm bảo tối thiểu 40 tiết trở lên theo quy định. Tổ chức tốt các lớp tập huấn về nghiệp vụ bộ môn như các kỹ thuật dạy học tích cực, kỹ thuật kiểm tra đánh giá theo hướng đổi mới.

Tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn, các cuộc thi, kết quả được đánh giá khách quan lấy kết quả chung để đánh giá chất lượng mặt bằng của toàn huyện, thành phố nhằm khuyến khích các hoạt động của nhà trường.

Quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố theo đúng quy định chung của toàn ngành.

Làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, giúp các em có những quyết định đúng đắn cho tương lai.

4. Đối với các nhà trường, các cơ sở giáo dục, nơi diễn ra các hoạt động đổi mới về công tác quản lý của lãnh đạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá của giáo viên, đổi mới phương pháp học tập, tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng của học sinh. Hay nói cách khác, các nhà trường là nơi thực hiện nhiệm vụ cao cả: dạy chữ, dạy người và dạy nghề cho học sinh. Để công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng được yêu cầu của đổi mới, các nhà trường, các cơ sở giáo dục ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, cần tập trung sâu một số nội dung sau:

-Trên cơ sở việc kiểm tra nội bộ của cơ quan, kết quả tự đánh giá của đơn vị, kế hoạch chiến lược, sự chỉ đạo của ngành, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, của cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể có tính khả thi để thực hiện tốt nhiệm vụ do ngành chỉ đạo.

-Làm tốt công tác bồi dưỡng năng lực (căn cứ khung năng lực của giáo viên), bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng, tập huấn kỹ các kỹ thuật dạy học tích cực, giá trị sống, kỹ năng sống, dạy học và kiểm tra, đánh giá.

-Quản lý tốt hoạt động của giáo viên, chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học, sử dụng các kỹ thuật dạy học vào việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Quản lý việc thực hiện nội quy, quy chế và sự chấp hành chính sách của cán bộ, giáo viên. Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động học của học sinh, cần có các giải pháp giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong học tập.

-Tổ chức các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, tránh hoạt động hình thức gây lãng phí. Các hoạt động chuyên môn cần tập trung vào những nội dung đổi mới đã nêu ở trên.

-Tổ chức tốt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như giáo viên một cách nghiêm túc, chính xác nhằm phân loại được giáo viên, học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và học sinh, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

-Đối với các trường THPT, TTGDTX cần quan tâm, chủ động xây dựng phương án để tổ chức dạy và học đối với học sinh khối 12 cho phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.

-Quan tâm đầu tư xây dựng các phòng chức năng theo quy định với trang thiết bị đồng bộ. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm đối với nhà nước, người học và xã hội. Thực hiện tốt quy định về công khai, dân chủ, động viên khuyến khích kịp thời, từ đó phát huy tối đa sự sáng tạo, lòng nhiệt tình của các thành viên trong nhà trường.

Để năm học 2014 2015 đạt kết quả cao đòi hỏi toàn ngành tập trung thực hiện nghiêm túc, sáng tạo những giải pháp kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh đã đề ra. Điều đó không ngoài việc các nhà trường phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách để dạy tốt, học tốt và quản tốt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng dạy chữ, dạy người và dạy nghề.

Tác giả: Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết