Thursday, 23/01/2025 - 07:00|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI VĂN BỊ BÔI DẦU TRƠN

          Qua khe cửa sổ, tôi nhìn thấy ba học trò của tôi lầm lũi bước đi, hình như chúng không nói với nhau câu nào. Tôi giơ ba bản kiểm điểm lên đọc. Tôi biết ba em đã nhận ra khuyết điểm và chân thành nhận lỗi.

Năm ấy, tôi chủ nhiệm và dạy Văn lớp 11A5. Do chủ nhiệm lớp nên tôi nắm khá rõ tình hình, sở thích và hoàn cảnh của từng em. Tôi lại còn biết khá rõ các nhóm bạn bè và nhóm học tập của các em nữa.

Một hôm, tôi chấm bài văn cho về nhà làm, chấm đến bài của Học, tôi ghi điểm vào cột ghi điểm và định nhận xét vài chữ về bài của em nhưng ngòi bút mựa đỏ của tôi cứ trượt trên trang giấy không tài nào viết được. Lạ thật. Khoảng giấy này có tật gì đây? Tôi giơ tờ giấy lên lên để soi cho kĩ. Khoảng giấy loang lổ, dày dày một lớp dầu trơn. Từ ô giấy ấy thoang thoảng mùi thơm dầu con hổ. Tôi chợt hiểu: Em học sinh tinh quái này đã bôi một lớp dầu lên ô lời phê để tôi chỉ có có thể cho điểm mà không thể phê hay nhận xét được đây. Tôi lục tìm hai  bài của Hạnh và Việt - ba em này thường học nhóm với nhau xem sao. Tôi giơ lên và lại bắt đầu soi. Cả hai bài còn lại đều bôi dầu trơn như nhau. Cơn thịnh nộ bỗng nổi lên, tôi định xé tan ba bài viết của các em cho hả cơn giận. Thế nhưng, tôi đã kiềm chế được và xếp ba bài kiểm tra ấy sang một bên, tiếp tục tập trung tư tưởng để chấm các bài khác.

Sau giờ trả bài và đọc điểm, tôi nói:

- Ba em Học, Hạnh, Việt sau buổi học hôm nay ở lại, cô sẽ chấm bài trực tiếp với các em.

Có tiếng xì xào “Sướng nhé. Được cô chấm bài tay đôi còn gì”. Tôi nhìn nhanh ba học trò tinh nghịch. Cả ba đều chột dạ, mặt tái mét, mặt cúi gằm. Tôi cố ý không cho cả lớp biết chuyện này.

          Hết buổi học, cả ba em đã tự giác ngồi lại và viết bản kiểm điểm. Tôi tuyên bố:

- Tối nay, cô mang ba bài văn đến chấm cùng bố mẹ các em tại nhà. Chiều về nhà cô yêu cầu các em chép lại nguyên văn bài văn này vào vở.

          Buổi chiều, khoảng 16h30, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Cả ba em thập thò xin nộp bài đã chép và ngập ngừng “Chúng em xin lỗi cô. Chúng em đã đùa nghịch không có ý thức….”. Tôi nghiêm giọng:

 - Các em cứ về. Chút nữa cô sẽ đến nhà các em. Bài văn cứ để đây…

          Qua khe cửa sổ, tôi nhìn thấy ba học trò của tôi lầm lũi bước đi, hình như chúng không nói với nhau câu nào. Tôi giơ ba bản kiểm điểm lên đọc. Tôi biết ba em đã nhận ra khuyết điểm và chân thành nhận lỗi.

Đúng như đã hẹn, tôi lần lượt đến nhà của ba em. Nhà của các em cũng cách không xa trường học. Ngồi đối diện với bố mẹ của từng em, tôi giữ nét mặt nghiêm trang, buồn buồn. Học trò của tôi ngồi thu lu trong góc tường, gục mặt xuống… Đứa nào tôi cũng thấy chúng đang sợ như sắp phải lên đoạn đầu đài. Chúng chờ tôi bắt đầu kể tội. Nhưng tôi đã không kể tội các em. Tôi chỉ nói qua về tình hình học tập của các em và tương lai của các em cho từng phụ huynh. Tất nhiên đều là những điều tốt.

          Chuyện ấy đã qua rất lâu. Cả ba học sinh tinh nghịch của tôi đã học xong đại học. Một hôm cả ba em đến thăm tôi. Các em nhắc lại chuyện cũ. Câu chuyện tôi đã quên từ lâu. Cả ba đều nói:

- Đó là chuyện không bao giờ chúng em quên được cô ạ. Nếu cô không bao dung với chúng em thì có lẽ chúng em sẽ chẳng có ngày hôm nay. Sau này lớn lên, chúng em mới hiểu vì sao buổi tối hôm ấy, cô không kể tội chúng em với bố mẹ của chúng em mặc dù cô có đủ lí do để nói. Hơn nữa, ngoài ba chúng em ra, cả lớp không hay biết chuyện này. Bao giờ cô cũng tôn trọng nhân cách của người khác và luôn bao dung với chúng em. Đó là bài học xử thế sẽ theo chúng em suốt cuộc đời.

                                                                                                                                 Tác giả: Hoàng Thị Thêu

                                                                                           Trưởng Ban Nữ công Công đoàn trường THPT Nguyễn Thiện Thuật


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết