Saturday, 04/05/2024 - 01:23|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT NỐT TRẦM BẮT NHỊP VẠN NỐT CAO

Gió hanh hao lách qua song cửa sổ, thổi vào lớp học một luồng hơi giá lạnh, mấy đọt nắng khô không khốc hắt vào song cửa, rơi đầy trên những bộ bàn học. Không khí khô hanh và lạnh giá làm lũ học trò chỉ muốn co mình trong tấm áo khoác chứ chẳng buồn ghi bài.Hơn lúc nào hết, lớp 8C lại có đứa thầm ghen tị với Tuấn - cậu học sinh chẳng bao giờ ghi chép bài.

 

Chẳng phải Tuấn là một cậu chàng ngỗ ngược và nhác học. Tuấn đi học rất ngoan, cậu luôn giữ trật tự trong giờ học, thậm chí là cả giờ giải lao. Bởi Tuấn chẳng thể, hoặc chẳng cần giao tiếp với ai. Chỉ có điều là cậu cũng chẳng chịu học bài. Cậu cứ ngồi im lìm trong góc lớp,mặc cho cô Ly - giáo viên dạy Toán và cũng làchủ nhiệm lớp 8C vẫn luôn nhiều lần khuyên bảo và nhắc nhở, cậu cũng không động bút. Tuấn là một cậu học sinh mắc chứng tự kỷ.

Chẳng biết Tuấn sinh ra đã thế, hay do biến cố nào đã khiến cho một đứa trẻ chỉ mới mười bốn tuổi lại sống lặng thinh và vô cảm như một pho tượng điêu khắc chẳng biết nói cười.Ngay cả lúc này cũng vậy. Nếu không phải tiếng giảng bài của cô Ly vẫn trầm bổng vang tới, có lẽ khi nhìn vào góc lớp nơi Tuấn ngồi, người ta sẽ tưởng đó là một bức tranh tĩnh.

Tiếng trống trường vang lên, phá tan không gian vẳng đầy tiếng giảng bài trầm ấm.Cô Ly kết thúc bài giảng của mình bằng một bài tập về nhà. Các bạn trong lớp nhanh tay chép vào vở rồi đứng lên chào cô. Rồi giữa tiếng cất sách vở loạt xoạt, tiếng cười đùa, tiếng nói chuyện của những thành viên trong lớp 8C, Tuấn vẫn ngồi lặng im trên ghế gỗ, hai tay để lên bàn. Lúc lướt ngang qua cửa sổ, nhìn vào góc lớp, cô Ly khe khẽ thở dài.

Cái thở dài chảy vào những dòng suy tư về một cậu học trò khó dạy. Mãi đến lúc đã lên đến văn phòng ngồi nghỉ trống tiết, cô Ly vẫn còn đăm chiêu, nhíu hai hàng lông mày thật chặt. Phải tới khi có người gọi, cô mới giật mình dứt khỏi dòng suy nghĩ.

- Cô Ly nghĩ gì mà cứ thất thần thế? - Người gọi cô là cô Hà, giáo viên dạy Văn và cũng là chủ nhiệm của lớp 7C năm ngoái, chính là lớp 8C năm nay của cô Ly. Đầu năm, phụ huynh của lớp 8C đã đồng thuận viết đơn xin cô Hà tiếp tục theo các trò lên lớp 8, nhưng vì sắp về hưu nên cô đã từ chối để nhường chỗ cho một giáo viên trẻ tuổi mang trong mình nhiệt huyết như cô Ly.

Cô Ly còn băn khoăn, không biết có nên nói điều mà mình bận lòng với cô Hà hay không thì cô Hà đã tiếp lời: - Vẫn là chuyện em Tuấn trong lớp không chịu học à?

         - Vâng cô ạ. - Cô Ly không phủ nhận. - Từ đầu năm tới giờ vẫn thế. Mặc cho cháu khuyên bảo thế nào em Tuấn cũng không chịu học. Thà rằng em ấy không biết gì đã đành, đây em Tuấn lại học được. Rõ ràng lúc làm bài kiểm tra em ấy vẫn biết làm những bài đơn giản, nhưng trong lớp em ấy lại không chịu học, thành thử ra, những bài cấp độ cao hơn lại không làm được. Mà những dạng bài em ấy biết làm, cộng điểm lại cũng không đủ để lên lớp chín.Nhưng cháu càng dạy thì em ấy lại càng không chịu học. Cháu thấy khó lắm cô ạ.

- Sao cô không để kệ em ấy? - Cô Hà ôn tồn hỏi.-Những trường hợp như em Tuấn không nhiều, nhưng hầu như thầy cô nào cũng từng gặp phải. Còn có cảnhững em mắc hội chứng down, nhưng thầy cô và nhà trường vẫn giúp các em hoàn thành chương trình giáo dục cơ sở. Cứ để các em ấy ngồi trong lớp nghe giảng, hiểu đến đâu thì hiểu. Những em như thế không giống với các học sinh bình thường khác.Biết làm những bài đơn giản như em Tuấn đã là khá hơn rất nhiều rồi.

Cô Ly nghe những lời ấy thì sửng sốt trong chốc lát. Làm sao có thể có suy nghĩ để mặc kệ một em học sinh của mình cho được. Cô không cho lời của cô Hà là phải, bèn đáp: - Cháu không nghĩ thế cô ạ. Tuấn không giống như những em học sinh mắc hội chứng down, em ấy giống như những học sinh bình thường khác trong trường thôi, chỉ là tâm lý của em ấy không khỏe mạnh, cũng như việc các em khác ốm bệnh. Nếu một em học sinh chỉ vì vấn đề sức khỏe mà không học được thì sẽ rất thiệt thòi cho em ấy. Cháu cảm thấy tiếc. Trí tuệ của em Tuấn rất bình thường. Và nếu như em ấy không học được thì tức là năng lực truyền thụ của cháu có vấn đề.

Cô Hà nghe thế thì hài lòng cười khẽ, gật gù rồi bảo: - Cô Ly này, dạy học không phải chỉ đơn giản là đưa kiến thức vào trong đầu học sinh. Dạy và dỗ. Côhiểu về khả năng trí tuệ của em Tuấn và muốn phát huy nó, điều này là tốt lắm. Nhưng về tâm lý của Tuấn thì cô lại chưa hiểu và khắc phục được. Nghề giáo là một nghề làm việc với con người chứ không phải là những cỗ máy học bài, vì thế cho nên cô không thể chỉ quan tâm tới việc truyền thụ kiến thức. Tâm lý của em Tuấn không khỏe mạnh không phải là một chuyện mà em ấy có thể tự khắc phục hay chờ qua khỏi như những em học sinh khác cảm cúm hoặcgãy chân, gãy tay. Có khi, hơn ai hết, cô phải là người quan tâm tới vấn đề ấy thì mới có thể để em ấy tiếp thu những gì cô muốn truyền đạt.

Những lời nói của cô Hà dường như đã khai phá ra cả một vùng đất mớitrong bộ óc chứa đầy những công thức Toán học của cô Ly.Tưởng chừng vùng đất đó đã nằm sẵn trong nhận thức của cô Ly từ lâu, hẳn phải từ những ngày cô còn ngồi trong giảng đường của trường sư phạm. Dường như có thầygiảng viên đã từng ôn tồn nói với cô: “Nghề giáo là một nghề làm việc với con người chứ không phải là với giấy tờ sách vở. Mà con người thì luôn luôn đa chiều, đa diện. Muốn truyền thụ, thấu hiểu và tác động đến một con người thì phải truyền thụ, thấu hiểu và tác động trên nhiều chiều.”

Lúc này cô Ly mới hiểu những lời cô Hà nói ban đầu. Cô Hà muốn tìm hiểu xem có phải cô Ly nhiệt tình với học trò của mình hay chỉ là bận lòng vì chuyện thành tích lớp, rồi mới đưa ra lời khuyên thật phù hợp.Cõi lòng cô Ly dâng trào một nỗi cảm kích không tên. Cô hiểu rằng mình đã học được điều gì đó từ cô Hà. Khoảnh khắc lời cảm ơn chân thành được thốt ra từ cô Ly, cô tinh tế nhận ra sự trìu mến toát ra trong ánh mắt của cô Hà. Có lẽ ánh mắt cô Hà nhìn những em học trò của mình cũng thân thương như thế.

Buổi chiều hôm ấy trên đường về nhà, cô Ly rẽ vào một hiệu sách, tìm mua những cuốn sách viết về chứng tự kỷở trẻ vị thành niên và cách gần gũi với các em. Bằng những kiến thức có được từ trong sáchvà cả những bài học môn Tâm lý học giáo dục trước kia, cô bắt đầu cố gắng bắc lên một cầu nối giữa mình và Tuấn.

Nhưng dường như căn bệnh về tâm lý luôn khiến cho Tuấn bài xích mọi sự tiếp xúc từ thế giới bên ngoài. Có một tấm rào chắn ngăn cách giữa cậu và mọi người, khiến cho cô Ly đến lúc này mới nhận ra cuộc sống của Tuấn khó khăn đến nhường nào.

Tuấn không thể giao tiếp với mọi người trong lớp, vì thế trong những hoạt động tập thể, cậu luôn bị cô lập.Góc lớp nơi Tuấn ngồi, trong ấn tượng của cô Ly trước kia giống như một lãnh địa chẳng ai dám xâm phạm vào, giờ đây cô lại thấy hệt như một nhà tù vây hãm cậu thiếu niên, chẳng ai muốn đặt chân đến. Ngoại trừ vài cô cậu học sinh ngỗ ngược.

Một giờ giải lao, khi ghé ngang qua lớp, cô Ly bắt gặp Long, Hưng và Khải - những cậu học trò cá biệt trong lớpđi đến đứng quanh bàn học của Tuấn. Mặc cho Khải câng câng mặt nói điều gì đó, Tuấn vẫn im lặng, hai bàn tay đặt trên bàn siết chặt lại. Dù không nghe rõ đám học trò lớp mình đang nói gì, nhưng qua hành động và biểu cảm của bốn cậu học sinh, cô Ly vẫn hiểu ra ngay chuyện gì đang diễn ra trong lớp. Bước lại gần, cô nghe thấyKhải cao giọng: - Tao nói thế mà mày không nghe rõ à? Đưa cái còi đây thằng câm này! - Vừa nói,Khải vừa vung cánh tay to béo lên. Tuấn nín bặt, cánh tay trái vụt lên ôm lấy đầu như phản xạ.

Vài khắc lặng như tờ trôi qua, cánh tay của Khải đã vung lên nhưng lại chẳng giáng xuống mặt Tuấn như ba đứa nhóc kia tưởng tượng. Khải tái mặt cảm nhận cơn đau điếng quen thuộc phát ra từ vành tai. Vì là học sinh cá biệt, không ít lần bị kỷ luật nên cậu ta biết rất rõ cảm giác của cái véo tai này là từ cô chủ nhiệm. Nhìn cánh tay đang dừng lại giữa không trung của mình, Khải mừng thầm vì cậu ta đã kịp dừng tay lại.

          - Giỏi nhỉ, Khải, Long, Hưng? - Cô Ly thả vành tai của Khải ra, nghiêm mặt hỏi. -Ai cho các em đánh nhau?

          - Dạ. Không ai… - Khảilí nhí đáp.

          - Tại làm sao mà sinh sự đánh nhau? - Cô Ly nhìn bốn đứa học trò của mình, nghiêm giọng chất vấn.

          - Dạ… thưa cô… - Long ấp úng.

          - Dạ thưa cô. Tại bạn Tuấn ăn cắp chiếc còi của bạn Khải ạ.- Hưng đứng một bên hồi lâu chợt lên tiếng.

Cô Ly ngoảnh mặt nhìn Tuấn vẫn đang ngồi im tại chỗ. Cô muốn gọi Tuấn đứng lên để hỏi rõ thực hư, nhưng đứa trẻ ấy lúc này hệt như một pho tượng tạc, ngồi tựa trời trồng không nói gì. Cô Ly đành chỉ định một bạn nữ ngồi phía trên Tuấn làm chứng, hỏi: - Ngân. Em cho cô biết, có thật như lời bạn Hưng nói không?

Ngân bị gọi thì hơi giật mình rồi rụt rè đứng dậy. Một lúc, cô bé chậm chạp đáp: - Dạ… em thưa cô… thật ạ.

          - Cái gì thật? - Cô Ly hỏi ngược lại.

Ngân cắn răng không đáp. Không khí trong lớp chùng xuống, chẳng ai nói với ai câu nào. Giờ phút này, tất cả những đứa trẻ ở đây đều lặng im, hệt như Tuấn.

Cô Ly nhìn quanh lớp rồi dừng lại ở Hưng. Ánh mắt cô dịu dàng nhưng thâm thuý, rót vào trong trí óc cậu nhóc ranh ma một suy nghĩ nào đó mà có khi nó còn chưa bao giờ nghĩ tới.Thể như côbiết rõ chuyện gì đã xảy ra trong lớp, và cô sẽ bỏ qua lời nói dối của Hưng nếu nhận được một câu nói thật.

Tưởng chừng như rất lâu sau, một giọng nữ thanh thoát vang lên, phá vỡ không khí ngột ngạt trong căn lớp 8C:- Em thưa cô! Không phải như lời bạn Hưng ạ. -Lớp phó gạt tay bạn cùng bàn, mạnh dạn đứng lên nói. - Bạn Tuấn mang chiếc còi đi học, bạn Khải nhìn thấy nên mới hỏi mượn của bạn Tuấn. Bạn Tuấn không cho mượn nên bạn Khải rủ bạn Long và bạn Hưng ra trấn lột của bạn Tuấn ạ.

Không một ai phản bác lời trần thuật của lớp phó. Ngay cả Khải, Long và Hưng cũng đều cúi đầu giữ trật tự.Cô Ly không còn nghiêm nghị nữa mà chỉ dịu giọngbảo: - Nếu không có ai xác nhận lời của bạn Hưng nữa thì các bạn Khải, Long, Hưng, Ngân sẽ nhận kỷ luật. Ba bạn Khải, Long và Hưng phải xin lỗi bạn Tuấn. Bạn Khải viết bản kiểm điểm. Bạn Hưng và bạn Ngân mỗi bạn viết một bản tường trình chi tiết sự việc ngày hôm nay, nếu có những sự việc như thế này từng diễn ra thì cũng phải viết vào, không được giấu giếm chuyện gì. Tiết sinh hoạt ngày thứ bảy ba bạn nộp cho cô.

Khải, Hưng và Long xếp thành một hàng ngang cạnh bàn học của Tuấn, lần lượt từng người một nhăn nhó nói ra lời xin lỗi rồi về chỗ. Tuấn vẫn lặng thinh, bàn tay phải co vào trong lồng ngực. Đến lúc này cô Ly mới nhìn rõ nắm tay của cậu cộm lên, hình như Tuấn đang cầm chặt một thứ gì đó.

Cô Ly dịu dàng hỏi: - Em có cái gì thế? Cho cô xem thử với được không?

Chỉ thấy Tuấn dè dặt cuộn chặt năm đầu ngón tay lại rồi đánh mắt đi chỗ khác. Rất rõ ràng,cậu nhóc không muốn chia sẻ món đồ trong tay với cô.

Cô Ly nhớ đến vẻ mặt nhăn nhó không phục vừa rồi của Khải, Long và Hưng, rồi lại nhìn thái độ của Tuấn. Cô cũng hiểu rằng chẳng thể thay đổi một con người trong chốc lát.

Và thậm chí có đôi khi, ngay cả nhiều ngày nhiều tháng cũng chưa thể thay đổi được một con người. Tuấn là một ví dụ. Những cố gắng thấu hiểu và tác động vào tâm lý cậu của cô Ly sau đó cũng vẫn tựa như muối bỏ biển.Đông đi xuân ghé, đến cả những cành cây khô khẳng khiu của năm ngoái giờ cũng đã đâm ra xanh mướt những chồi non, chỉ cóTuấn là vẫnluôntrầm mặc hệt những ngày đầu cô Ly mới nhận lớp.

Buổi học nọ, cả lớp được về sớm một tiết. Cô Ly đang cất bút sổ vào cặp thì thấy phía cuối lớp Tuấn ngồi nguyên tại chỗ. Cậu nhóc chẳng có ý định gì là sẽ thu dọn sách vở trên bàn, cứ ngồi khoanh tay như đang chờ đợi tiết học tiếp theo. Cô Ly đi xuống cuối lớp, nhẹ nhàng gợi hỏi: - Tan học rồi sao em chưa đi về?

Tuấnvẫn không đáp, cậu cũng chẳng buồn nhìn cô. Cô Ly gặng hỏi thêm nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Sự kiên nhẫn của cô dần bị bào mòn. Cô không sao hiểu nổi, từ cuộc nói chuyện với cô Hà cho tới nay đã làba tháng, cô Hà cũng đã về hưu, vậy mà cô Ly vẫn chẳng thể lung lay được Tuấn. Cứ thế này, Tuấn sẽ mãi chẳng tiếp thu được những gì cô muốn truyền thụ trong bài giảng. Và cậu sẽ cứ học kém mãi, mặc cho trí tuệ của cậu có thể tiếp thu những kiến thức ấy giống những học sinh bình thường.

Bỗng lúc này tiếng chuông điện thoại của cô Ly vang lên. Tuấn nghe thấy tiếng nhạc không hiểu sao lại nhìn chằm chằm vào cặp cô. Ngay khi chiếc điện thoại đang vang lên bài nhạc chuông vừa được lấy ra, Tuấn đã vội giật mạnh lấy.

            - Ấy! Em làm gì thế, Tuấn?- Cô Ly sửng sốt trong phút chốc.

Tuấn chẳng để tâm tới lời nói của cô. Cậu kề sát loa của chiếc điện thoại lên tai, như thể muốn nghe cho thật rõ tiếng nhạc chuông. Bàn tay còn lại của cậu nhảy nhót trên mặt bàn, ấn những đầu ngón taylênmép bàn gỗsần sùi. Cô Ly nhìn cậu bằng ánh mắt hiếu kỳ xen lẫn hoảng hốt. Một lúc sau cô mới hiểu được cậu thiếu niên mắc chứng tự kỷ này đang làm gì.

Giữa lúc Tuấn còn đang say sưa, tiếng nhạc trong điện thoại chợt dứt bặt. Cậu nhóc ngẩn ra, nhưng cũng chẳng được bao lâu, vì dường như cậu biết mình vừa làm điều không phải. Tuấn cầm chiếc điện thoại bằng hai tay, đưa trả cho cô giáo. Cậu cúi đầu thật thấp, chẳng để cô Ly có thể nhìn rõ nét mặt.

Cô Ly nhận lấy chiếc điện thoại từ tay Tuấn rồi kiểm tra nhanh cuộc gọi vừa bị nhỡ. Bên trên thông báo cuộc gọi là tin nhắn của chị gái cô: “Xin lỗi dì nhé. Con gái chị nghịch điện thoại nên bấm gọi nhầm cho dì.” Cô Ly nhắn nhanh một câu trả lời : “Không sao đâu chị.” Rồi chiếc điện thoại của cô được đặt sang bên cạnh.

Cô gần gũi hỏi Tuấn: - Khi nãy em làm gì thế? Có phải em muốn đánh đàn không?

Tuấn không trả lời cô. Cô Ly nghĩ ngợi rồi lấy điện thoại, mở lên một bản nhạc piano. Khoảnh khắc những nốt nhạc đầu tiên của giai điệu River Flows In Youvang lên từ chiếc điện thoại của cô giáo, phản ứng của Tuấn lại giống hệt như vừa nãy. Cậu chộp lấy chiếc điện thoại từ trên tay cô, áp lên bên tai. Bàn tay còn lại của cậulướt trên mặt bàn tựa như lướt trên những phím đàn, dễ khiến người ta lầm tưởng thanh âm êm dịu trong điện thoại kia phải phát ra từ chính chiếc bàn học vô tri vô giác mới đúng. Biểu cảm của Tuấn vẫn lặng tờ, nhưng những ngón tay đang ấn mạnh lên mép bàn đến trắng đỏ đã thể hiện được cảm xúc hào hứng của cậu ngay lúc này.

Tiếng nhạc còn chưa kết thúc thì một người đàn ông trung niên đã đi đến trước cửa sau của lớp học. Từ buổi họp phụ huynh đầu năm cô Ly vẫn nhớ người đàn ông này là bố của Tuấn. Bố cậu bé chào: - Chào cô giáo ạ. Tôi là bố của cháu Tuấn. Hôm nay nhà tôi quên mất là cháu được về sớm, cô giáo thông cảm ạ.

Cô Ly cười đáp: - Không sao đâu anh. Thế anh đón cháu về nhé ạ.

Cô giáo quay sang nhìn Tuấn, cậu nhóc vẫn đắm chìm trong thế giới của riêng mình với bản nhạc River Flows In You. Nhưng ngay sau đó, tiếng gọi của bố đã kéo cậu về lại với thực tại.

          - Tuấn ơi! Đi về nào.

Cô Ly thấy Tuấn giật thót mình. Rồi lại như lần trước, cậu nhóc đưa trả cô chiếc điện thoại bằng hai tay, đầu cúi thấp như thể sợ bị mắng. Cô giáo nhận lại điện thoại, xót xa nhìn cậu nhóc.

- Cảm ơn cô giáo ạ. Tôi đưa cháu về nhé.-Giọng nói của bố Tuấn kéo cô Ly ra khỏi những cảm xúc ngổn ngang dành cho cậu học trò. Rồi ông quay sang cậu con trai. - Về thôi Tuấn.

Tuấn cứng nhắc thu dọn sách vở vào cặp rồi đứng lên ra về, để lại cho cô Ly một hi vọng hiếm hoi kỳ diệu nào đó.

Trong số những quyển sách viết về chứng tự kỷ mà cô Ly từng tìm mua, có một quyển sách đã đề cập qua về hội chứng tên là “Bác học tự kỷ”. Người mắc phải hội chứng này không giống với những người mắc chứng tự kỷ thông thường ở chỗ họ một hoặc vài khả năng xuất chúng, vượt xa mức trung bình. Những khả năng ấy thường thể hiện trong năm lĩnh vựclà tính toán, ghi nhớ, chơi nhạc, sáng tác nhạc hoặc sáng tác hội hoạ.Thế nhưng, khả năng để một người mắc phải hội chứng này là một phần triệu. Điều này khiến cho cô Ly băn khoăn lắm. Cô chưa thực sự nghe thấy tiếng đàn của Tuấn mà chỉ nhìn thấy những ngón tay của cậu bay nhảy trên mặt một chiếc bàn gỗ mà thôi. Cho dù nhìn thấy những biểu hiện rõ ràng của cậu khi nghe thấy tiếng nhạc, cô vẫn muốn mình phải kiểm chứng thêm một lần nữa.

Cô Ly tìm đến nhà Tuấn. Đó là một ngôi nhà ba tầng nằm phía sau một cửa hàng gia dụng. Bố Tuấn dẫn cô đi xuyên qua cửa hàng vào trong nhà. Trong căn phòng khách, Tuấn ngồi giữa bố mẹ trên chiếc tràng kỷ, đối diện với cô Ly, giữ trật tự vô cùng. Dường như ở nhà cậu cũng chẳng khác ở trường là mấy.

Mẹ Tuấn nét mặt đượm lo âu hỏi cô: - Cháu nhà tôi lại học tập không tốt hả cô? Cô thông cảm cho cháu. Nó không giống các bạn khác. -Mẹ cậu nhóc chắc cũng đã quen với những lần thầy cô tìm đến nhà bày tỏ không hài lòng về cậu.

          - Không phải đâu chị. - Cô Ly vội chữa. - Hôm nay tôi đến nhà không phải để phàn nàn về Tuấn. Mà là muốn hỏi anh chị đã cho cháu đi học đàn bao giờ chưa?

           - Học đàn ấy ạ cô giáo? - Mẹ Tuấn ngạc nhiên rồi quay sang nhìn chồng.

Bố cậu nhóc nghĩ tới chuyện gì đó rồi đáp: - Không ạ. Nhà tôi chưa cho cháu đi học đàn bao giờ.

Cô Ly đề nghị: - Tôi nghĩ em Tuấn rất có hứng thú với âm nhạc. Gia đình có thể xem xét cho em ấy đi học đàn. Biết đâu sau này đấy lại có thể trở thành con đường phát triển của em.

Bố mẹ Tuấn nhìn nhau, sự hoang mang hiện rõ trên gương mặt cặp vợ chồng trung tuổi. Chút suy tư chạy ngang qua tâm trí họ, nhưng rất nhanh, thực tại đã đẩy những ý nghĩ viển vông về đúng chỗ của nó. Bố Tuấn từ chối: - Chắc là không được đâu cô giáo ạ. Nhà chúng tôi chẳng có ai theo học mấy cái này. Mà như cháu Tuấn, đến cả học những môn văn hoá cháu đã chẳng học vào chứ chưa nói gì đến là học đàn học hát.

Đến tận lúc ra về, cô Ly cũng chưa thể nào thuyết phục được bố mẹ của cậu học trò. Những con người bươn chải trong xã hội nhiều luôn có những quan điểm cứng rắn mà ta khó lòng nào lung lạc được.

Tuấn đi cùng bố tiễn cô giáo ra đến cửa, trong ánh mắt của cậu nhóc dường như đã có cái gì đổi khác so với những lần cô Ly nhìn thấy trên trường và cả lúc mới bước vào đây. Hẳn rằng cậu cũng có thể hiểu được nội dung cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và cô giáo. Nhìn ánh mắt ấy, có cái gì vừa hơi lụi tắt lại nhen nhóm lên trong lòng cô giáo trẻ. Ngày hôm sau, cô tìm gặp thầy phụ trách thiết bị đồ dung học tập để hỏi mượn cây đàn piano trong phòng học nhạc cũ của trường.Trước sự kiên trì của cô, thầy phụ trách bấm bụng gật đầu. Thế là, vào một tiết tự học của lớp 8C, trong căn phòng học nhạc cũ đang được trưng dụng làm phòng để đồ dùng thiết bị học tập vang lên giai điệu êm ái của bản nhạc River Flows In You.

Giữa những chồng bìa các tông và thiết bị học tập cũ kỹ bọc trong giấy ni lông đã phủ bụi, một cây đàn piano được cô Ly lau sạch bóng nghiễm nhiên nằm đó. Giai điệu êm ái vui tươi chảy ra từ những phím đàn rót vào lòng người nghe xúc cảm khoan khoái dễ chịu đến vô cùng. Mà giờ phút này đây, người đang dệt nên những thanh âm ấy không ai khác ngoài Tuấn, cũng đang chìm vào sự khoan khoái,hạnh phúc đầy ắp tâm hồn khi được làm điều mà mình yêu thích. Mười ngón tay của cậu nhảy nhót trên những phím đàn đen trắng. Cậu thiếu niên chẳng còn để tâm đến những lớp bụi mờ đóng trên đồ vật xung quanh hay lớp sơn đã tróc màu trên tường gạch. Mà hẳn rằng từ trước đến nay, trong thế giới của Tuấn, cậu cũng chẳng biết đến những điều ấy bao giờ.

Cô Ly đã nghe hết toàn bộ bản nhạc. Sự vui mừng hiện rõ trên nét mặt cô giáo trẻ. Nhìn biểu cảm say mê trên gương mặt học trò của mình, cô chợt hiểu ra rằng Tuấn chưa hẳn đã cần phải biết làm những bài toán mức trung bình khá. Dẫu rằng đây mới là ý định ban đầu của cô khi muốn tìm và hiểu về cậu học trò này, nhưng Tuấn có một con đường rất riêng, rất khác với những học sinh trong lớp 8C. Và cô Ly lúc này, không phải với vai trò là một cô giáo dạy Toán mà là một giáo viên chủ nhiệm, chính là người sẽ dẫn đường chỉ lối cho cậu tìm thấy con đường của cuộc đời mình.

 

Sau ngày hôm ấy, cô Ly lại một lần nữa tìm đến nhà Tuấn để xin cho cậu đi học đàn. Lần này, cô không chỉ có thêm một minh chứng thực thụ cho tài năng của Tuấn, mà cô còn có cả niềm tin và sự cố gắng của cậu học trò.Trong sự ngỡ ngàng xen lẫn mừng rỡ của ba người lớn, Tuấn đã tự mở lời xin với bố mẹ cho cậu đi học đàn trước mặt cô giáo.Đối với cô Ly, đây có lẽ là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời dạy học của cô. Nó lớn hơn, ý nghĩa hơn bất kỳ một tấm bằng khen, giấy khen hay huy chương danh dự nào mà cô sẽ đạt được. Còn với bố mẹ Tuấn, đây tựa như là kỳ tích mà từ lâu họ chỉ dám nghĩ đến trong những giấc mơ. Ông bà không những không từ chối nữa mà còn cảm kích cô Ly vô cùng, bởi chính cô là người đã khơi dậy được niềm say mê với cuộc sống trong tâm hồn con trai họ.Khoảnh khắc Tuấn nhận được lời đồng ý cho đi học đàn, trong đôi mắt mịt mờ của cậu dường như có cái gì đó sáng rỡ lên, soi vào một vùng đất cũ kỹ nhưng chỉ mới vừa khai mở trong trí óc cô giáo trẻ.

Thời gian như cơn gió thổi những tiếng đàn bay mãi lên không. Lớp 8C năm ngoái đã lên thành lớp 9, cô Ly vẫn tiếp tục là chủ nhiệm của khoá này.Các bạn học sinh cùng bước vào kỳ thi vào 10 đầy căng thẳng. Nhưng những nỗ lực thì luôn được đáp đền xứng đáng. Ngay cả những cậu học trò cá biệt như Khải, Hưng và Long cũng đã đỗ vào trường cấp ba chính quy.

Một năm sau khi ra trường, lớp 9C lại tề tựu đông đủ về căn phòng học cũ để nhận bằng tốt nghiệp. Cô Ly bước vào lớp với nụ cười từ ái, hệt như trong buổi học đầu tiên cô làm quen với học trò. Vẫn là căn lớp ấy, nhưng những cô cậu học trò tuổi dậy thì lớn nhanh lắm, khiến cho cô chủ nhiệm bỗng cảm thấy một năm dài quá đỗi. Từng tốp học sinh được gọi lên nhận bằng. Lúc gọi đến tên Tuấn, cô Ly ngẩng lên nhìn một vòng dưới lớp. Một cậu học trò ngồi dưới góc lớp đứng lên rồi đi về phía bục giảng, giơ hai tay lên trịnh trọng nhận tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở từ cô giáo.

Đấy chính là Tuấn, hiện giờ đã đỗ vào hệ trung cấp của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tuấn vẫn giữ lại sự chậm chạp và kiệm lời của ngày trước, nhưng sau hai năm, cậu đã dần cởi mở ra đôi chút. Có lẽ với một người bình thường, đây chẳng phải chuyện gì quá khó khăn. Nhưng với Tuấn, phải mạnh mẽ và nghị lực lắm cậu mới có thể làm được điều đó. Chẳng biết đấy là nhờ sức mạnh của đam mê, của nghệ thuật chảy trong trong con người cậu, hay là nhờ vàotình yêu thương, sự tận tâm và thấu hiểu của cô giáo chủ nhiệm.

Tuấn ôm tấm bằng sát vào ngực, lễ phép cúi đầu với cô Ly: - Em cảm ơn cô.

                                                                                                                                                                               Tác giả: Nguyễn Thuỳ Chi

Lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật


Tác giả: Công đoàn ngành
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết