Saturday, 27/04/2024 - 08:07|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÔ GIÁO TRƯỜNG LÀNG VƯƠN TẦM CAO QUỐC TẾ

   Cách đây hơn 10 năm, khi việc một học sinh THPT đỗ đại học vào khoa sư phạm Tiếng Anh, chắc bạn sẽ nghĩ đến việc học sinh đó ở thành phố và có những điều kiện học tập thật tốt để có thể đạt được kết quả học tập tốt nhất.

   Khi nói đến việc một giáo viên dạy Tiếng Anh ở trường THPT vùng nông thôn, bạn sẽ nghĩ đến bao bộn bề, thiếu thốn về cơ sở vật chất và chắc rằng học sinh nơi đó chẳng thể “nghe, nói, đọc viết” một cách thành thạo môn Tiếng Anh? Tôi sẽ kể câu chuyện về một cô giáo trường làng chúng tôi để chứng minh điều ngược lại rằng với sự tận tâm cống hiến và tình yêu nghề, yêu những cô cậu học trò nơi vùng quê còn nhiều thiếu thốn, cô Trần Thị Thúy - giáo viên trường THPT Đức Hợp đã làm nên những điều kỳ diệu.

   Cô Thúy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Bố làm nghề đánh cá trên sông Hồng, mẹ làm ruộng quanh năm lam lũ. Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, bữa đói bữa no nhưng khát khao được học tập ở cô học trò nhỏ luôn cháy bỏng. Với niềm say mê học tập, cô đã chinh phục được những giải thưởng cao quý từ khi còn là học sinh, sinh viên và nay đã là một giáo viên. Thúy đã từng nói với tôi: “Em nhất định phải thi đỗ Đại học và trở thành một cô giáo”. Ước mơ đã trở thành hiện thực. Ngày cô nhận được giấy báo nhập học trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, một ngôi trường danh tiếng trên cả nước. Niềm vui như vỡ òa trong cô. “Mình sẽ thành cô giáo, một cô giáo tiếng Anh”, cô thầm vui sướng. Bố mẹ Thúy cũng vui mừng khôn xiết khi con gái đã bắt đầu chạm tay vào mơ ước, nhưng trong lòng thì bộn bề những lo lắng về điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Với sự quyết tâm chung tay của nhiều thành viên trong gia đình, bố mẹ đã có quyết định đúng đắn cho Thúy theo học Đại học.

   Sau 4 năm đại học cùng với những kiến thức và năng lực của mình, Thúy có thể xin được việc ở Hà Nội như nhiều bạn bè của cô nhưng với suy nghĩ “đi là để trở về” Thúy xin về dạy Tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp - nơi đúng 4 năm trước cô cũng đến trường với tư cách người học trò.  Ngay từ ngày đầu công tác tại trường, với ý chí vươn lên, Thúy đã cùng các đồng nghiệp, học trò vượt qua bao khó khăn để thi đua “Dạy tốt - học tốt”. Chiếc máy tính mua từ thời sinh viên mà cô dành dụm tiền dạy gia sư đã luôn làm bạn cùng cô ngay từ những ngày đầu đến lớp. Qua 8 năm công tác, dường như đổi mới dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo là những từ khóa gắn liền với cô Thúy. Mỗi ngày đến trường, cô luôn dành tất cả tâm huyết cho hoạt động giảng dạy và cho học sinh thân yêu. Đối với học trò, cô Thúy như một người mẹ hiền, người chị yêu thương và người bạn tâm tình chia sẻ. Nhiều học trò khi được hỏi vẫn nhớ về cô Thúy với lòng biết ơn chân thành sâu sắc.

   Điều mà tôi và các đồng nghiệp luôn cảm thấy ngưỡng mộ Thúy là việc không ngừng học tập, đổi mới trong giảng dạy để tìm những biện pháp hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Năm 2015, cô Thúy đã hoàn thành xuất sắc khóa học theo đề án Ngoại ngữ 2020 và cô càng quyết tâm nhiều hơn, tìm ra những phương pháp học tập để việc rèn luyện năng lực giao tiếp qua việc dạy và học môn Tiếng Anh. Dạy học dự án là phương pháp dạy học đưa những vấn đề mang tính thực tế vào trường học, giúp học sinh đóng các vai có thật để giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là cách dạy giúp học sinh trải nghiệm thực tế thông qua việc tìm hiểu kiến thức tại các địa phương, hay cùng các chuyên gia để mở rộng không gian lớp học, thông qua quá trình học hình thành và phát triển năng lực ở người học. Năm học 2015-2016, với kiến thức tích lũy được qua các đợt tập huấn, BDTX của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, cô bắt đầu lên ý tưởng và dạy thực nghiệm dự án “Bảo vệ chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” tại lớp 10A1. Bài học được các em học sinh rất hào hứng tham gia. Cô chia lớp thành nhiều nhóm tìm hiểu về tác hại thuốc trừ sâu, thói quen sử dụng thuốc trừ sâu của người nông dân, nhóm phóng viên đi phỏng vấn, điều tra, thu thập thông tin, hiểu biết của người nông dân về tác hại của thuốc trừ sâu, nhóm chuyên gia đánh giá và đưa ra khuyến cáo, nhóm phản biện, … sau một thời gian các nhóm tự tìm hiểu và hoàn thiện sản phẩm báo cáo trước lớp dưới hình thức tổ chức hội thảo. Trong quá trình thực hiện dự án dạy học của mình, cô đã tình cờ biết đến nhóm cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam. Cô càng hào hứng hơn khi biết đến trang“Cộng đồng giáo viên sáng tạo toàn cầu” của Microsoft. Đây là nơi cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, với ý tưởng kết nối lớp học với giáo viên và học sinh toàn cầu qua công cụ Skype trên nền internet, cô đã liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Mỹ, Hy Lạp, Nam Phi, …để sắp xếp những giờ học “xuyên lục địa” nhờ công cụ Skype. Chỉ với một Webcam khoảng 3USD, một chiếc máy tính có kết nối intenet, cô Thúy đã cùng với những học sinh trường làng kết nối với học sinh, giáo viên của hàng chục quốc gia trên toàn thế giới. Khái niệm “lớp học xuyên lục địa”, “lớp học toàn cầu”, cũng ra đời từ đó. Đánh giá hiệu quả của dự án và tác động của phương pháp dạy học tới phát huy năng lực học sinh, cô Thúy cho biết: “Khi giáo viên biết cách trao quyền và định hướng, đánh giá học sinh, năng lực của các em được phát triển là điều tất yếu. Công nghệ thông tin và mạng Internet thể hiện vai trò thu hẹp khoảng cách địa lí. Nhờ có intenet mà chúng ta kết nối được với thế giới, đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn”.

Cô Thúy tại gian trung bày của nhóm Giáo viên sáng tạo Việt Nam tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu 2017 diến ra tháng 3/2017, Toronto, Canada

Một bảng mô tả dự án “Bảo vệ chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” tại cuộc thi GVST trên nền tảng CNTT năm 2016

Cô Thúy cùng các thành viên Nhóm số 33 tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu 2017

Là một thành viên tích cực của cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cuối tháng 3/2017, cô Thúy cùng 3 giáo viên khác tới từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được chọn đại diện Việt Nam tham gia “Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu” do Microsoft tổ chức tại thành phố Toronto, Canada, đây là Diễn đàn giáo dục có uy tín nhất trên thế giới trong việc tôn vinh các giáo viên có sáng kiến giáo dục trong việc chuyển đổi mô hình học tập và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để học sinh có thể xây dựng tương lai của các em ngay từ hôm nay. “Chuyến đi này giống như giấc mơ với một cô giáo dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất như mình”, cô Thúy nói. Và giấc mơ đó đã có một cái kết thật hoàn hảo khi Thúy cùng với nhóm của mình đã dành Giải đặc biệt - Giải thưởng cao nhất tại diễn đàn giáo dục toàn cầu Microsoft 2017 để tôn vinh trí tuệ của người Việt và để khẳng định rằng giáo viên Việt Nam có thể sẵn sàng tiếp nhận những sự chuyển đổi tiên tiến nhất để người học là người được hưởng lợi nhiều nhất. Một vinh dự khác mà cô Thúy là một trong số ít giáo viên nhận được là cơ hội được trực tiếp phỏng vấn ngài Anthony Salcito - Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft. Cuộc trò chuyện có sự tham gia của cả đại diện lãnh đạo Microsoft Canada. Bà đã dành những lời khen tặng và động viên tuyệt vời cho cô giáo nhỏ bé tới từ Việt Nam: “Câu chuyện của bạn thật tuyệt vời, hãy luôn mạnh mẽ như thế nhé! Và nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!”. Nhưng cô Thúy đã từ chối lời mời với lí do: “Em ra đi là để trở về”. Mong muốn trở về của cô Thúy chỉ đơn giản là để những đứa trẻ xung quanh mình có điều học tập tốt hơn: “Nếu ai cũng muốn đi tới những nơi có điều kiện tốt hơn…thì những đứa trẻ ở nơi xa xôi sẽ luôn thiệt thòi hơn bạn cùng trang lứa. Giáo viên nên là người kết nối để thế giới gần hơn với những học trò của mình”.

Việc dành được Giải Đặc biệt tại Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu tại Toronto, Canada, Cô đã được tặng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và nhiều Giấy khen các cấp. Cô Thúy cùng với ý tưởng dạy học - “lớp học xuyên lục địa” sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho nhiều thầy cô trong hành trình sáng tạo của mình. Chứng kiến sự nỗ lực vượt khó, thành công của cô Thúy, tôi chợt nhớ về 4 câu thơ nổi tiếng mà trên đường ra trận trong chiến dịch Thu đông năm 1950 khi Bác Hồ ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong ở Thái Nguyên, Người đã nói:

“Không có việc gì khó

 Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Cô Thúy chính là tấm gương sáng cho ý chí, bản lĩnh, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và công tác. Cho dù những việc mà Thúy đang làm không hề được trả công thêm. Cho dù phải đánh đổi bằng bao đêm dài nghiên cứu, tìm tòi trong căn buồng nhỏ tuềnh toàng chỉ có chiếc ri-đô ngăn giữa giường ngủ và chiếc bàn làm việc. Tôi thấy được từ những điều bình dị nhất, đơn giản nhất ấy đong đầy tình yêu lại mang theo nhiều giá trị thật đẹp trong cuộc sống này.


Tác giả: THPT Đức Hợp
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết