Friday, 26/04/2024 - 23:30|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI THẦY MANG TRÊN MÌNH SỨ MỆNH “TRỒNG NGƯỜI”

            Ghi nhận và đề cao sứ mệnh của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

            Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, trọng thầy, đó là truyền thống tốt đẹp được cha ông gìn giữ, bồi đắp qua ngàn đời. Từ xa xưa, xã hội luôn dành cho người thầy sự kính trọng, biết ơn với lòng thành kính sâu sắc, không chỉ bởi những công lao dạy dỗ mà còn là những phẩm chất cao quý của người thầy. Ghi nhận và đề cao sứ mệnh của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

 

            Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hưng Yên và cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Đức Hợp tại Lễ tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.

            Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, người thầy luôn có vị trí vô cùng quan trọng và nghề dạy học cũng luôn được coi trọng nhất, bởi đào tạo nên những công dân có nhân cách, năng lực quyết định sự ổn định và phát triển của đất nước. Trong xã hội xưa, quan niệm về người thầy có phần khắt khe hơn, họ phải là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu sách thánh hiền, đạo đức cao cả, cái tâm trong sáng, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Người thầy vừa mẫu mực về nhân cách vừa uyên thâm về trí tuệ. Có thể nói những truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của dân tộc ta đều tập trung ở hình tượng người thầy. Chính vì thế nền giáo dục truyền thống của cha ông đã đào tạo được nhiều bậc hiền tài trị nước, cứu đời, tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc. Phương pháp sư phạm và nhân cách cao đẹp của người thầy ấy đã tạo nên kỷ cương tuân phục tuyệt đối của trò với thầy và thể hiện sự trong sáng, mẫu mực trong quan hệ thầy trò. Hình ảnh người thầy xưa đã trở thành một nét đẹp văn hóa, được hình thành, bồi đắp, gìn giữ và phát huy qua biết bao thế hệ.

            Đến thời đại Hồ Chí Minh, hình ảnh người thầy vẫn tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của các nhà giáo, nhà nho xưa đồng thời phải gánh thêm trên vai mình trọng trách xã hội đặc biệt. Bởi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy cam go, gian khổ, nên người thầy vừa phải làm tròn sứ mệnh trồng người, vừa là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trên mặt trận chống quân thù. Tuy khó khăn là vậy, trọng trách ngày càng nặng nề hơn nhưng biết bao thế hệ những người thầy ấy đã góp sức không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó đã có hơn 3.000 nhà giáo (trong đó có 109 nhà giáo của tỉnh Hưng Yên) đã hy sinh anh dũng nơi chiến trường vì nền độc lập, tự do của đất nước.

            Hôm nay đây - thời kì của hội nhập, những thế hệ người thầy vẫn viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc và tiếp tục học tập không ngừng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục học sinh phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Có thể khẳng định trên mọi miền của đất nước từ nông thôn, thành thị đến vùng sâu, vùng xa, đến vùng biên giới hải đảo, hàng ngày, hàng giờ biết bao những người thầy vẫn đang miệt mài với từng trang giáo án và quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Bởi lẽ, mỗi nhà giáo đều ý thức rõ trách nhiệm về nghề nghiệp, họ luôn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; hăng hái thi đua dạy tốt - học tốt, đổi mới trong giảng dạy và công tác, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, xây dựng môi trường sư phạm văn minh, tích cực, tiến bộ, giữ gìn đạo đức, hình ảnh của nhà giáo.

 

(Đường đến trường của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - Ảnh trích xuất từ Báo Vietnam Net).

            Ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là cơ hội lớn, đồng thời là thách thức không nhỏ để ngành giáo dục làm căn cứ và có định hướng phát triển đột phá vươn tầm quốc tế, trong đó chú trọng nhiệm vụ lấy người học làm chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo với quan điểm “phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học”. Để thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về Giáo dục, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, vai trò của người thầy càng vô cùng quan trọng. Vì thế những chuẩn mực, tiêu chí của người thầy cũng dần dần thay đổi. Ngoài những yêu cầu về giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết, yêu nghề, người thầy cần phải có tấm lòng hết mực yêu thương học sinh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp và có hiểu biết, kỹ năng ứng xử sư phạm. Bởi vì giáo dục bằng tình yêu thương, nhân cách chuẩn mực của người thầy là con đường giáo dục ngắn nhất, hiệu quả nhất. Trong công cuộc xây dựng đất nước của thời đại công nghiệp 4.0, mọi ngành nghề đều phải “làm mới” mình. Ngành Giáo dục - ngành đào tạo con người, quyết định tương lai của đất nước càng phải “đổi mới” mạnh mẽ hơn nữa để đào tạo nên những công dân sáng tạo, có tri thức, đạo đức, kỹ năng, lý tưởng, niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống và năng lực thích ứng với thời đại mới.

            Rõ ràng, thời đại người thầy truyền thụ kiến thức gì, trò lĩnh hội kiến thức đó và người thầy là “kho” kiến thức duy nhất để trò khám phá, lĩnh hội đã qua. Ngày nay, thông tin, tri thức đến với mọi người không giới hạn, rào cản dù đó là ai, ở đâu, làm công việc gì, vì vậy, công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm, luôn biết cách khích lệ học sinh vươn lên chiếm lĩnh tri thức, khoa học. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, trong khi đời sống vật chất còn một số khó khăn nhất định, người thầy phải luôn gương mẫu, chuẩn mực trong mọi hành xử, luôn đam mê với nghề, luôn sáng tạo và tự “làm mới” mình. Thầy, cô chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức giỏi là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng học sinh; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ học sinh, dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động vận dụng, trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường.

            Có thể nói, cho dù ở bất kì thời đại nào thì người thầy vẫn luôn là biểu tượng của những chuẩn mực đạo đức, được xã hội trân trọng và tin cậy. Sự tận tâm, yêu nghề, đạo đức trong sáng và có tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp là những yếu tố cơ bản, đầu tiên, cần phải có ở mỗi người thầy. Tinh thần lao động của mỗi nhà giáo không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm mà cần có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, phải có những trăn trở về nghề. Mỗi thầy cô giáo đã tự nguyện chọn nghề giáo cao quý hãy luôn là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để mãi giữ hình ảnh nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 549/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 17/4/2019 của Sở Giaos dục & Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh về việc Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì nghề giáo cao quý, vì niềm tự hào nghề nghiệp, vì niềm tin và sự trân quý của xã hội, các thầy cô giáo hãy cùng lao động, cùng sáng tạo và cùng cống hiến.

Tấm lòng tri ân của các em học sinh (THPT Triệu Quang Phục) với thầy cô

            Giữa nhịp sống hối hả, bận rộn của cuộc sống đương đại, dù chỉ một ngày với không khí hân hoan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đã đem đến một khoảng khắc tuyệt đẹp và ý nghĩa để các thế hệ học sinh, xã hội tôn vinh và tri ân người thầy và nghề dạy học, đó là niềm động viên, khích lệ vô cùng to lớn với những người đang mang trên vai “Sứ mệnh trồng người”. Thay những bó hóa tươi, xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới các thầy cô, kính chúc các thầy cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, luôn là tấm gương sáng, tâm huyết, sáng tạo và đam mê với sự nghiệp “Trồng người”, sẵn sàng tâm thế tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 


Tác giả: Trần Đắc Viện
Nguồn:Công đoàn ngành Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết