Friday, 26/04/2024 - 18:10|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một gia đình nông dân hiếu học

         Về xã Tống Phan (Phù Cừ) trong những ngày này, sức nóng của kết quả thi đại học như được lan toả từ đầu làng tới cuối xóm. Câu chuyện được người ta quan tâm hơn cả vẫn là về gia đình ông Trần Văn Khởi, làm thợ xây có cậu con trai thi Đại học kinh tế quốc dân được 27,5 điểm - điểm thi đại học cao nhất của Trường THPT Phù Cừ và cô con gái được 30 điểm hệ THPT chuyên Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Xuất thân trong gia đình có bố mẹ đều là nông dân nên hơn ai hết Trần Văn Long và Trần Thị Liên thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của bố mẹ khi kiếm ra hạt thóc nuôi các em ăn học. Ngay từ nhỏ, Long và Liên đã có suy nghĩ “muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó thì không có con đường nào khác ngoài con đường học tập”. Được bố mẹ, thầy cô động viên, tạo điều kiện giúp đỡ Long và Liên luôn dành nhiều thời gian cho việc học tập trên lớp cũng như ở nhà. Hàng xóm của hai em cho biết “có đêm gia đình chúng tôi đi ngủ được một giấc, tỉnh dậy vẫn thấy bàn học của Long và Liên sáng đèn”. Đáp lại những nỗ lực ấy, 12 năm liền năm nào Long cũng đạt học sinh khá, giỏi của trường. Trong năm học vừa qua, Long còn đoạt giải nhất tỉnh môn vật lý, giải khuyến khích Quốc gia về giải toán trên máy tính cầm tay. Chọn ngành Kiểm toán là ngành có số điểm đầu vào “đỉnh” nhất Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Long tự tin khẳng định được kết quả học tập của mình với số điểm 3 môn là 27,5 .Trong đó, Toán: 9, Lý: 9, Hoá: 9,5 – số điểm thi đại học cao nhất của trường THPT Phù Cừ. Cô Nguyễn Thị Hoa, 3 năm liền là giáo viên chủ nhiệm của Long chia sẻ: “Long là một học sinh chăm chỉ, thông minh, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong việc tìm ra các phương pháp giải bài tập. Năm học vừa qua, mỗi tuần một lần, cô đứng ra tổ chức cuộc thi “tuổi trẻ sáng tạo” cho các học sinh trong lớp. Cô là người ra đề và cũng là ban giám khảo chấm bài, nếu học sinh nào giải bài nhanh, có cách giải sáng tạo, cô sẽ cho điểm cao và được cô tặng thưởng. Phần thưởng do cô mua tặng chỉ là cái bút hay quyển sổ để động viên các em học tập. Trong lớp 12A1, Long là người được nhận nhiều phần thưởng của cô nhất. Trong số những phần thưởng đó có một quyển sổ do chính cô đề tặng Long 4 chữ “học sinh xuất sắc” mà em rất trân trọng”. Trái ngược với vẻ nhút nhát của anh trai, Trần Thị Liên – cô học trò lớp chuyên hoá hệ THPT trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại có được vẻ nhanh nhẹn và năng động của thế hệ 9X. Với quyết tâm cao, Liên dành hết thời gian cho việc ôn luyện để thi vào hệ THPT chuyên Trường đại học sư phạm Hà Nội. Bà nội Liên cho hay “nhiều khi phải bắt cháu đi ngủ, không cho học nhiều sợ cháu ốm nhưng nó vẫn cứ học”. Công lao của Liên cũng được đền đáp khi em đỗ vào cả hai trường với 30 điểm hệ THPT trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 44,5 điểm của trường THPT Phù Cừ. Suốt 10 năm học, Liên luôn đạt học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè trong trường yêu quý. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi năm học vừa qua, em còn đoạt giải nhất huyện, giải nhì tỉnh môn Hoá học. Khi được hỏi về bí quyết học tập của hai em, Long và Liên đều cho rằng ngoài việc chăm chú nghe thầy cô giảng trên lớp thì việc tự học, tự mầy mò nghiên cứu là quan trọng nhất. “Người thầy thứ hai” giúp các em học tốt chính là sách. Vì vậy, vào những ngày nghỉ học, hai anh em thường tìm đến các hiệu sách cũ để tìm mua về học và nghiên cứu. Không giấu nổi niềm tự hào về hai con của mình, ông bà Khởi xúc động: “già nửa cuộc đời gắn bó với đồng ruộng, vợ chồng chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân. Chính vì vậy mà vợ chồng tôi mong muốn và cố gắng làm hết sức mình để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Dù có phải vay nợ hay đi làm thuê làm mướn cũng phải cho các cháu ăn học chu đáo nên người.Nội dung tin đang cập nhật...
Tác giả: Công đoàn ngành GD&ĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết