Tuesday, 16/07/2024 - 10:17|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MÁI TRƯỜNG VÀ THẦY HIỆU TRƯỞNG ĐÁNG KÍNH!

Năm nay là năm thứ hai tôi được học tập tại mái trường THPT Tiên Lữ thân yêu. Tại ngôi trường này, tôi đã gặp thầy Hiệu trưởng đáng kính. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp thầy, thầy thân thiện dễ gần khiến tôi không có cảm giác mình đang tiếp xúc với một “lãnh đạo” – hiệu trưởng của ngôi trường mình đang học – thầy Vũ Thanh Bình. Từ đó, hình ảnh ngôi trường và người Hiệu trưởng đáng kính đã trở thành những kỉ niệm đáng quý trong cuộc đời tôi.

Ngôi trường tôi đang học là trường THPT Tiên Lữ, nằm ở Thị Trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm mươi năm vững bước trưởng thành, lời Bác dạy còn ngân vang mãi. Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Cùng chung tay dựng xây, đây mái trường phổ thông Tiên Lữ Ươm cây xanh đâm chồi nảy lộc, cho ngôi trường rộn tiếng hát ca, mãi xứng là trường chuẩn Quốc Gia...” đó là giai điệu bài hát về trường tôi, do cô giáo Dương Thị Nguyệt - giáo viên Ngữ văn của nhà trường sáng tác. Hình ảnh ngôi trường THPT Tiên Lữ cho tôi cảm giác yên bình, ấm áp nhưng có lẽ hình ảnh thầy hiệu trưởng đã khiến tôi cảm thấy trường THPT Tiên Lữ là ngôi nhà chung đoàn kết, an toàn mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Trường THPT Tiên Lữ đã cho tôi những ấn tượng sâu sắc về một môi trường giáo dục đầy tính nhân văn, các bạn học sinh vui vẻ, hòa đồng, các thầy cô giáo tận tâm, về một người hiệu trưởng “ tâm, có tầm và có tài”. Tất cả những hình ảnh mà tôi biết về ngôi trường đều có bóng dáng của thầy, bởi chính thầy là người lãnh đạo, bỏ rất nhiều tâm huyết để xây dựng ngôi trường trở thành địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của tỉnh Hưng Yên.

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đến trường tôi bỡ ngỡ lắm. Vì bản tính tôi rất nhút nhát, lại thêm tự ti về ngoại hình của mình, sức khỏe của bản thân lại không tốt nên tôi thường thu mình lại và rất ngại tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Trong buổi đi học tập trải nghiệm năm lớp 10 ở Mai Châu – Hòa Bình, lớp chúng tôi đã rất may mắn được ngồi cùng xe với thầy Hiệu trưởng. Tôi thấy thầy rất dễ gần, thân thiện.

Ngoài nhiệm vụ chính là công tác giảng dạy, trường tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Qua những hoạt động phong trào, mọi người đoàn kết, yêu thương nhau hơn, thầy trò cũng gần gũi và hiểu nhau hơn.

Thầy từng nói trong Đại hội Đoàn “Trường học phải tổ chức nhiều hoạt động để giúp các em phát triển toàn diện, phát hiện năng khiếu cũng như giúp các em yêu thích khi được đến trường. Nếu trường học chỉ đơn thuần là “dạy học” thì sẽ mất đi ý nghĩa “giáo dục” thiêng liêng của ”. Vì vậy, nhà trường chúng tôi tổ chức rất nhiều các hoạt động, các hoạt động luôn mới mẻ, hấp dẫn khiến học sinh nhiệt tình tham gia.

Trong buổi lễ Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, học sinh cả trường mặc quân phục, tham gia “Hội thao quốc phòng”, được luyện tập cùng các bạn trong lớp, mặc dù không tham gia thi nhưng bản thân tôi cũng rất phấn khích. Đặc biệt khi lớp tôi tham dự và được giải Nhất.

Tôi ấn tượng với các tiết học hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp và Sinh hoạt dưới cờ, các bạn học sinh rất tự tin thể hiện bản thân: hát, đàn, nhảy múa, đóng kịch để truyền tải những thông điệp về An toàn giao thông, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… Những cuộc thi Thể thao hay Văn nghệ như được các bạn học sinh thích thú vô cùng. Giờ chào cờ hàng tuần của trường tôi cũng thật đặc biệt. Bên cạnh những nhận xét chung về tình hình tuần, bao giờ cũng được lồng ghép những bài học về giáo dục đạo đức, ước mơ, khát vọng sống, kĩ năng sống cho học sinh. Có khi là một bài thơ, có lúc là một mẩu chuyện có thật, một bức thư của một học trò cũ, một bức thư của tổng thống Mỹ… Theo thầy việc giáo dục cho học sinh phải thật nhẹ nhàng, tự nhiên kiểu mưa dầm thấm lâu để các bạn học sinh phát triển toàn diện, hình thành nhân cách tốt hơn.

Chương trình “Ngày hội STEM” năm nào cũng được chuẩn bị chu đáo, sáng tạo và hấp dẫn. Để hoàn thành một sản phẩm các bạn học sinh đã vận dụng rất nhiều môn học, kĩ năng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm. Và có những sản phẩm rất xuất sắc được giải cao. Phong trào “Văn hóa đọc” được khuyến khích động viên, với sự hoạt động mạnh mẽ của CLB Sách và Hành động, CLB Học tập … “Lễ tri ân và trưởng thành” có lẽ sẽ không bao giờ quên được với những học sinh khối 12. Trong buổi lễ, các anh chị học sinh như trưởng thành hơn khi nói lên những tình cảm, lòng biết ơn vô bờ bến với những đấng sinh thành, với những thầy cô giáo chủ nhiệm đã luôn sát cách với mình suốt bốn năm học và cả những thầy cô bộ môn nữa. Một hoạt động đầy ý nghĩa mà năm nào trường tôi cũng tổ chức là “Hội chợ Tết nhân ái”. “Quỹ khuyến học” của nhà trường vẫn được các giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Việc làm thật, con người thật, hoàn cảnh thật và sự giúp đỡ chân thật đã khiến những tấm lòng hảo tâm cứ dài thêm. Truyền thống “ lành đùm lá rách” không chỉ diễn ra trong ngày “Hội chợ Tết nhân ái” mà bất cứ thời điểm nào khi có một hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, một tổ chức hảo tâm nào tài trợ. Điều đặc biệt là khi nhận được những xuất quà tài trợ đó, thầy Hiệu trưởng vui lắm. Tôi rất tiếc khi không được chứng kiến mà chỉ được nghe kể lại, trong những dịp “Hội chợ Tết nhân ái” những năm trước thầy Bình là người chủ trì mục đấu giá các sản phẩm của các lớp để ủng hộ “Quỹ khuyến học”, đây là phần đặc sắc nhất trong nội dung của Hội chợ. Danh sách tài trợ cho trường tôi cứ dài thêm làm ấm áp biết bao mảnh đời, hoàn cảnh bất hạnh tại chính ngôi trường này.

Với những bạn học sinh giỏi, năng khiếu, thầy cũng giành sự quan tâm bằng cách tổ chức các “sân chơi” để các bạn được bộc lộ, khẳng định tài năng của mình. Các Câu lạc bộ Học tập, Nghệ thuật, Thể thao… được thành lập được học sinh hăng hái tham gia, phụ huynh học sinh nhiệt tình ủng hộ. Với những em học sinh chưa ngoan, học kém, thầy luôn sẵn sàng đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm giáo dục học sinh, đôi khi thầy còn được ví là “phó chủ nhiệm” của các lớp. Buổi họp phụ huynh đầu tiên mẹ tôi đi dự, sau khi đi họp về mẹ đã nói với tôi “ trường cách nhà có hơi xa, nhưng con cứ yên tâm và cố gắng đi học nhé, các thầy cô đều tốt và nhiệt tình lắm. Không phải lo lắng gì cả”. Sau đó tôi mới biết mẹ đã tham gia cuộc họp với sự có mặt của thầy Hiệu trưởng, tôi nghĩ thầy đã làm cho phụ huynh học sinh rất tin tưởng ở mục tiêu giáo dục của nhà trường nên luôn được sự ủng hộ của đa số phụ huynh trong các hoạt động giáo dục.

Không chỉ đối với học sinh chúng em mà đối với giáo viên, nhân viên nhà trường cũng có những hoạt động hết sức ý nghĩa. Một hoạt động chỉ giành riêng cho giáo viên, nhân viên là “Gặp mặt dâu rể” nhân ngày 20.11 hay những dịp Du xuân đầu năm, đi chùa, thăm quan du lịch. Những hoạt động Văn hóa, văn nghệ, Thể dục, thể thao dành riêng cho các giáo viên, nhân viên nhà trường, tôi đã được chứng kiến thầy cô của mình thi đấu kéo co rất nhiệt tình, hết mình, cũng đã được chứng kiến các cô giáo của chúng tôi nhảy những vũ điệu vui khỏe để rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Ngày “Nhà giáo Việt Nam” trường tôi cũng đặc biệt bởi khách mời năm nào cũng có những “cựu giáo chức” – đó là những con người đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nói chung, cho mái trường THPT Tiên Lữ nói riêng. Hình ảnh các thầy cô cựu giáo chức cho tôi hiểu về hơn về truyền thống “Tôn sự trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” điều mà thế hệ trẻ chúng tôi thực sự cần được giáo dục nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn,…Trong tất cả những hoạt động của nhà trường đều mang bóng dáng thầy. Một thầy Hiệu trưởng mạnh mẽ, quyết đoán, tâm huyết sẵn sàng đón nhận thử thách mới, luôn làm việc hăng say hết mình. Tôi rất thích câu Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” - William A. Warrd. Tôi thiết nghĩ, với một người giáo viên - một hiệu trưởng mà truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp của mình thì hiệu quả phải được tính theo cấp số nhân. Tôi ngưỡng mộ nhân cách của thầy nhưng ngưỡng mộ hơn những điều thầy đã làm với tư cách là một Hiệu trưởng. 

Bài viết: Lớp 11A3.2


Tác giả: Lớp 11A3.2 (2023-2024)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết