Saturday, 23/11/2024 - 16:22|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài Học Từ Một Câu Chuyện Có Thật

Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, và đang nhắc cả lớp về một số công việc trong tuần. Bỗng đâu có hai bạn học sinh (1 nam và 1 nữ) vào lớp muộn và chạy thẳng vào chỗ ngồi mà không xin phép cô. Cô giáo không hài lòng nhưng vẫn tiếp tục nhắc cả lớp về công việc cho đến khi xong. Sau đó cô rất tức giận và gọi hai bạn học sinh đứng lên:

Cô giáo: Tại sao các em vào lớp không xin phép cô?

Học sinh: Em xin lỗi cô, nhưng giờ này đã đến giờ của cô đâu ạ. Với lại em thấy cô không nói gì.

Cô giáo: rất bực mình và yêu cầu học sinh đó phải viết bản kiểm điểm và chép phạt 10 lần kèm theo chữ kí của phụ huynh.

Buổi học hôm sau, cũng em học sinh nam đó đã dùng điện thoại trong giờ. Cô giáo đã thu điện thoại và mở tin nhắn điện thoại của học sinh thấy danh bạ đề tên “vk yêu”. Cô nghĩ là chuyện yêu đương của trẻ con nên đã mở ra xem. Cô rất sốc đến mức không thể chịu đựng được khi trên màn hình điện thoại có dòng chữ: “Con chó già bắt anh phải chép phạt 10 lần, may mà chị anh đã kí cho anh rồi”.

Cô giáo đã vô cùng tức giận, và điều gì xảy ra chắc mọi người cũng có thể đoán được. Cô lôi học sinh đó lên gặp hiệu trưởng và trả lại nhà trường: “Tôi trả lại thầy học sinh này, tôi không thể dạy được loại học sinh như thế này”.

Thầy hiệu trưởng chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, nhưng khi thấy tin nhắn và thái độ ăn năn của cậu học sinh cũng muốn tha thứ cho em học sinh đó. Thầy nói: “Bây giờ em xuống gặp cô giáo, nếu cô đồng ý tha thứ thì thầy sẽ cho em được quay lại lớp học”.

Sau đó phụ huynh đến nhà xin lỗi cô giáo, nhưng cô giáo nhất quyết không gặp. Cuối cùng sau năm lần bảy lượt phụ huynh đến xin. Cô giáo cũng dần nguôi giận và đồng ý nhận lại em học sinh đó vào lớp. Nhưng kể từ đó, em không được hưởng các quyền lợi như các học sinh khác và cô coi như không có em học sinh đó trong lớp.

Khi cô giáo đó kể câu chuyện này cho tôi, thì cậu học sinh năm nào nay đã trưởng thành, tốt nghiệp, có một công việc ổn định và vẫn thường đến thăm cô với câu chuyện “con chó già” năm nào 🙂

Bài học từ câu chuyện:

1. Hãy giải quyết vấn đề về hành vi ngay từ khi nó mới bắt đầu, đừng bỏ qua bất kì điều gì cho dù là nhỏ nhất

Trong trường hợp này, người giáo viên đã bị sai ngay từ bước làm đầu tiên. Đó là đã bỏ qua cho hành vi của học sinh, cho học sinh được ngồi vào chỗ sau đó mới mắng và phạt học sinh. Việc giáo viên bỏ qua, khiến học sinh nghĩ rằng hành động của mình được chấp nhận. Và học sinh sẽ không hiểu tại sao lúc đầu cô đồng ý cho qua, còn bây giờ cô lại đùng đùng tức giận. Nếu ngay từ đầu cô đã phải giải quyết vấn đề học sinh vào muộn thì đã không có chuyện phải chép phạt, và sau đó không dẫn đến việc câu chuyện đi xa hơn khi cô đọc được trong tin nhắn.

2. Bạn nên cân nhắc về tính logic và tác dụng của hình phạt

Bạn biết đấy, chúng ta là giáo viên và chúng ta có quyền. Chúng ta có quyền phạt học sinh, và hình phạt thường có hiệu quả tới 95%, nó chấm dứt ngay hành vi không phù hợp. Nó khiến chúng ta cảm thấy mình là “người phán xử”, nhưng dạy học không phải chỉ là việc đưa ra các hình phạt mà là sự thay thế các hình phạt bằng những biện pháp giáo dục. Ở đây tôi muốn lưu ý về tác dụng của hình phạt, giữa việc con vào muộn và không xin phép cô và việc chép phạt vốn chẳng có logic. Nếu con vào lớp muộn hãy phạt con phải ở lại lớp trong giờ ra chơi, nếu con không xin phép cô khi nào lớp yêu cầu con làm lại động tác xin phép khi vào lớp.

3. Giáo viên chỉ nên kiểm soát hành vi mà không nên kiểm soát ý nghĩ của học sinh

Bạn thử tưởng tượng, nếu các con vật nuôi có khả năng hiểu và nói được tiếng người, chúng sẽ khai ra biết bao điều xấu xa và giả dối của loài người mà chúng đã nhìn thấy. Nếu có một phép thần cho phép giáo viên biết được những gì trẻ con đang nghĩ trong đầu chắc hẳn các thầy cô sẽ phải bất ngờ lắm vì các “mĩ từ” mà trẻ dành cho chúng ta. Tôi đã từng vào một group của học sinh và thấy học sinh gọi tôi bằng “anh Long” hay “Long huynh” “thằng điên”… lúc đó tôi tự cười một mình vì những cái tên học sinh đặt cho tôi cũng như những đồng nghiệp của tôi. Khi giáo viên mở điện thoại và đọc tin nhắn của con nghĩa là cô đang xâm nhập vào thế giới riêng tư của con. Rõ ràng, cô đang kiểm soát ý nghĩ của con mà trong trường hợp này, ý nghĩ chưa hề biến thành hành vi. Nghĩa là con chưa nói hoặc xúc phạm thầy cô bằng lời. Có thể thầy cô sẽ nói với tôi rằng, kể cả là ý nghĩ thì điều đó cũng là không thể chấp nhận được. Vậy tôi xin hỏi, các thầy cô có đảm bảo tất cả những gì mình nghĩ trong đầu đều là tốt lành? nếu mọi người kiểm soát những điều mà thầy cô nghĩ, liệu rằng thầy cô có cảm thấy vui?

4. Những điều trẻ nói chưa hẳn là những điều chúng nghĩ

Nghĩ lại những năm tháng tuổi thơ, tôi đã từng nói xấu thầy cô của mình, cũng đã từng gọi thầy cô là “ông” “bà” “lão” “mụ” và bây giờ tôi thấy học sinh cũng như vậy 🙂 Nếu chúng ta chỉ nhìn vào hiện tượng, bằng những tiêu chí của người lớn hay những thang đo và chuẩn mực đạo đức của chúng ta, hẳn đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng với tư cách là một giáo viên, tôi khuyên bạn thực sự bình tĩnh, hết sức bình tĩnh vì câu chuyện không đến nỗi nghiêm trọng như bạn nghĩ. Đó chỉ là sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ, đôi khi cũng là cách để các con thể hiện bản thân, cũng có trường hợp đó là ảnh hưởng từ bạn bè xung quanh. Tôi vẫn tin một điều rằng, những đứa trẻ tuyệt nhiên không thù hằn chúng ta, thực tâm chúng không bao giờ xúc phạm chúng ta như cách mà chúng đã nói ra. Và khi là một giáo viên chúng ta hãy mở rộng lòng bao dung, hãy giúp con nhận ra sự không phù hợp trong hành vi và cách ứng xử. Đừng vội đưa ra các hình phạt, và cũng đừng đưa ra các hình phạt quá nặng vì nó chỉ tăng thêm sự thù hận của trẻ. Hãy giúp con thay đổi điều đó, để trẻ thực sự tôn trọng các thầy cô của trong suy nghĩ và lời nói.

Hãy bao dung với những sai lầm của trẻ

5. Bạn là giáo viên, bạn có toàn quyền, đừng vội đá quả bóng trách nhiệm cho người khác khi bạn vẫn còn kiểm soát được nó

Trong trường hợp này giáo viên đã đá quả bóng trách nhiệm sang cho hiệu trưởng và đặt hiệu trưởng vào một tình thế khá khó xử. Hiệu trưởng chưa hiểu rõ nguồn cơn của câu chuyện, chưa biết được nguyên do của mọi sự. Cái mà hiệu trưởng nhìn thấy chỉ là sự tức giận cao độ của đồng nghiệp, còn đứa trẻ thì luôn miệng “xin lỗi”. Hiệu trưởng cũng muốn cho đứa trẻ cơ hội làm lại nhưng nếu làm như vậy sợ lại bị mang tiếng là dễ dãi với học sinh. Và trong tình huống này, hiệu trưởng đã đá quả bóng lại về phía giáo viên bằng câu nói “con quay lại hỏi cô giáo, nếu cô đồng ý thì thầy cho con trở lại lớp”. Và như thế, giáo viên vẫn lại là người giải quyết vấn đề. Nếu đã vậy, tại sao thầy cô không giải quyết vấn đề trước khi đưa nó lên đến cấp cao hơn?

6. Nguyên tắc win - win trong giải quyết vấn đề về hành vi của học sinh

Tôi muốn nói về một tình huống khác, giả sử học sinh hoặc phụ huynh đó tạo áp lực cho hiệu trưởng, khiến hiệu trưởng không đứng về phía giáo viên. Lúc đó giáo viên sẽ bị đẩy vào tình huống yếu thế, trở thành người bất lực và là kẻ thất bại. Cảm xúc lúc đó còn khó chịu hơn nhiều lần. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến một giải pháp tốt hơn. Để thầy cô có thể vừa chấm dứt được hành vi của con, vừa khiến con nhận ra sai lầm của mình, đồng thời giáo viên không bị tức giận, học sinh không bị ảnh hưởng đến việc học tập và vẫn rất tôn trọng thầy cô. Đó là nguyên tắc win - win trong xử lí các vấn đề về hành vi trong lớp học.

                                                                      Công đoàn ngành sưu tầm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết