Saturday, 27/04/2024 - 11:42|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THAM LUẬN THẦY CÔ THAY ĐỔI HƯỚNG TỚI TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

          Tôi tin trường tôi là trường học hạnh phúc, học sinh của tôi là học sinh hạnh phúc vì tôi là một giáo viên đã chạm tay đến hạnh phúc!

          Kính thưa các vị đại biểu, các thầy cô giáo!

          Trong bối cảnh hội nhập của giáo dục Việt Nam với giáo dục thế giới. Các xu hướng dạy học tích cực những năm gần đây được coi trọng và đưa vào, bước đầu đã có nhiều thay đổi tích cực và đem lại nhiều kết quả tốt. Bên cạnh đưa phương pháp dạy học tích cực vào, dạy học đến từng cá nhân học sinh được chú trọng thì việc hội nhập vận dụng các tiêu chí trường học hạnh phúc theo Unesco, để tiến đến trường học hạnh phúc là mơ ước của giáo dục nước nhà. Sở giáo dục đào tạo, Công đoàn giáo dục Hưng Yên đã chỉ đạo các nhà trường, các thầy cô giáo vận dụng linh hoạt 22  tiêu chí về trường học hạnh phúc của Unesco, trong đó có 3 tiêu chí cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng

          Với mục tiêu “thầy cô và học trò thay đổi để hướng đến Trường học hạnh phúc”, hiểu những giá trị cốt lõi của cuộc sống, tôi mạnh dạn chia sẻ hạnh phúc của người đã từng hồi sinh trở về, với một câu chuyện có thật bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, về trường học hạnh phúc: ở đó thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi để hạnh phúc, tôi hiểu và đã làm như thế nào?

          Thưa quý thầy cô!

          Câu chuyện tôi xin được bắt đầu:

          Kể từ ngày dời ghế nhà trường THPT, tôi đã khát khao trở thành kĩ sư xây dựng, mơ ước đã trở thành hiện thực và tôi vui sướng vỡ òa khi đài truyền thanh thôn Yến Đô vang lên thông báo tên tôi, điểm trúng tuyển 26,5/30- tôi thật sự hạnh phúc!. Nhưng niềm hạnh phúc đó đến và đi thật mau, vì nhà tôi rất nghèo, khi đó trên tôi có 2 anh đang học ĐH Bách Khoa và ĐH xây dựng, dưới tôi là 1 em đang học THPT. Tôi đỗ cao đẳng sư phạm Hưng Yên với 31,5 /40 điểm, khoa Toán Lý, tôi của ngày đó học vì bố mẹ mong mỏi có một công việc ổn định, ra trường  được về dạy gần nhà, lập gia đình ở gần bố mẹ, được làm một công việc nhàn hạ,…những mong muốn của cha mẹ tôi đã thành hiện thực. Nhưng khi tôi vào nghề những năm đầu với tôi thật sự không dễ dàng nhiều lúc nản, tôi đã định bỏ nghề, vì sự thật nghề không hề “nhàn hạ”: học trò nghịch ngợm không chịu nghe giảng, không làm bài tập, coi thường giờ giảng của cô, chúng nói chuyện tự do, chúng nghịch đủ trò, chúng nổi loạn,…, và lương thì rất thấp!. Việc phối hợp với cha mẹ học sinh luôn chỉ nhận được kết quả “100 sự nhờ cô”, hoặc tôi đã nói cháu nhiều rồi cô ạ,…Tôi thực sự không biết nên bắt đầu từ đâu và như thế nào đến khi được tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh được vào cuộc chuẩn bị từ kiến thức chuẩn đến tâm lí học trò diễn biến ra sao trong giờ, được các thầy cô đồng nghiệp dìu dắt chỉ bảo tận tình về nghề, sau  những lần thi đó tôi đã thực sự trưởng thành hơn trong nghề. Tôi đã hiểu nghề thật khó nhọc, không thể đòi hỏi trò ngoan, nghe bài giảng, làm bài tập, chấp hành nội quy,.. khi tôi không nắm bắt được tâm lí học trò, không biết, hiểu và thấy những diễn biến tâm lí và hoàn cảnh gia đình các em, không biết năng lực của từng em,… khi tôi biết những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tôi, tôi đã yêu nghề không biết tự khi nào.

          Và đặc biệt hơn khi tôi được chủ nhiệm năm ấy, khóa ấy có rất nhiều em học giỏi hơn mình, thông minh hơn mình và có hoàn cảnh khó khăn vô cùng, tôi mới nhận ra rằng tôi chính là học trò lại được đi học, tôi vui sướng vô cùng khi thấy em Đặng Quang Thảnh, đạt giải nhất HSG cấp huyện,  giải nhì cấp tỉnh, đáng khâm phục em vì đã thủ khoa trường THPT chuyên Hưng Yên ,mặc dù nhà em rất nghèo, lớp tôi năm đó còn có em Đào Thị Vân, thủ khoa trường THPT Minh Châu, em Vân cũng đỗ THPT chuyên Hưng Yên khoa Toán, em hoàn cảnh bố bị tâm thần, mẹ giáo viên mầm non, bản thân bị bệnh loãng xương, nên em đã không được đi học chuyên, và còn nhiều em như thế đã làm tôi trăn trở, những câu chuyện về học trò, những mảnh đời, sự cố gắng vươn lên, niềm vui có được thành quả,…mà tôi cùng được vượt qua với các học trò, càng ngày càng nhân lên, là điểm tựa vô cùng vững chắc trong nghề dạy học của tôi, nó giúp tôi luôn hạnh phúc và không thấy mệt mỏi với nghề.

          Thưa quý thầy cô!

          Tôi đã may mắn được tham gia bồi dưỡng HSG các cấp từ ngay những ngày đầu  vào nghề và được bồi dưỡng HSG cấp tỉnh từ năm 2006 đến nay, cơ duyên ấy đã giúp tôi biết đến nhiều học trò ngoan, giỏi, có nghị lực, đặc biệt là học sinh của trường THCS Đoàn Thị Điểm. Tôi đã thầm mơ, một ngày, ước gì tôi được trở về nơi đây và được thỏa sức với công việc của mình. 

          Và ngày 1.10.2012 tôi đã được về trường THCS Đoàn Thị Điểm, nó đã đánh dấu 10 năm tôi vào nghề, đã dạy tại THCS Tân Việt, với những ngọt ngào và khó nhọc của những năm tháng đầu tiên vào nghề, để tôi tiếp tục phát huy hơn nữa khi ở ngôi trường mới với nhiều sứ mệnh và thách thức hơn. Khi đó bản thân tôi đã rất hiểu và biết chia sẻ cùng học trò, những điều bình dị hàng ngày của học trò ánh lên trên đôi mắt, nụ cười hạnh phúc, … tôi đều hiểu và cảm nhận được, ở đó tôi không thấy mới lạ mà thấy vô cùng gần gũi, ấm áp như gia đình thứ 2 của mình. Tôi luôn đến lớp với một nụ cười và tâm trạng thoải mái, luôn tạo động lực cho học trò khi thì lời khen ngợi, khi thì điểm 10, khi thì cái kẹo, và có khi còn là những quyển sách mà chúng mơ ước, có những trò tôi treo thưởng là chuyến đi thăm lăng Bác Hồ, hoặc là những phong bao lì xì,… Tôi đã thật sự hạnh phúc với nghề khi ngày càng nhiều học trò tin yêu và dành tình cảm cho tôi. Tự khi nào tôi đã trở nên quan trọng với “bọn nhỏ” và chúng đã coi tôi như người mẹ thứ 2, chúng đã chia sẻ, cởi mở những tâm tình tuổi mới lớn, chúng đã tin tưởng và luôn yên tâm rằng tôi sẽ giúp chúng vượt qua mọi khó khăn thử thách. Đó thật sự là hạnh phúc mà trước giờ tôi chưa từng nghĩ đến. 

          Vượt qua giới hạn giữa cô, trò tôi đã trở thành người bạn tâm tình với lũ trẻ, chia sẻ mọi hoạt động của chúng, thông qua các hoạt động mà trường, lớp tổ chức: như cắm trại, các cuộc thi văn nghệ, TDTT, các kì thi HSG, các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các buổi trung thu, các tiết sinh hoạt,… tôi và lũ trẻ như hòa vào làm một như một duyên nợ. Tôi gắn kết và giữ liên lạc, chia sẻ với chúng cả khi chúng đã ra trường không còn bên tôi mỗi sớm.

          Thưa quý thầy cô!

          Tôi thấy rất rõ và rõ hơn bao giờ sau khi tôi từ cõi chết trở về sau khi sinh non bé thứ 2 trong tình trạng sản giật trước sinh, tôi đã từng mù cả 2 mắt và biết ơn các bác sĩ viện Bạch Mai, tôi đã trở về với ngôi trường hạnh phúc, với bọn nhỏ tôi yêu bằng 1 đôi mắt đã trải nghiệm hơn, vượt khó hơn và thấu hiểu cuộc sống hơn.Tôi càng nhiều sức mạnh, sức mạnh của việc yêu quý sự sống, sức mạnh của việc biết ơn, sức mạnh của tình yêu người, yêu trò và tôi thực sự yêu nghề hơn bao giờ hết. Và sau khi sinh bé thứ 2 xong tôi nhanh chóng lấy lại được sức khỏe, tâm thế và trở lại trường, tôi tiếp tục say xưa với công việc của mình. Tôi lại được tin tưởng giao các nhiệm vụ: tham gia đội ngũ cốt cán chuyên môn của PGD Yên Mỹ, làm giám khảo các cuộc thi GVG cấp huyện, làm cộng tác viên nghiệp vụ của sở GD-ĐT Hưng Yên, được bồi dưỡng HSG cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, với những kết quả rất tự hào. Đáng kể năm 2019 tôi bồi dưỡng được 2 giải Nhì HSG cấp tỉnh, 1 giải Ba HSG cấp tỉnh, 3 huy chương đồng và 3 giải triển vọng thi Toán tuổi thơ Quốc Gia tại Đà Nẵng, tháng 11 vừa qua tôi đã hướng dẫn nhóm STEM Đoàn Thị Điểm dành giải đặc biệt(giải cao nhất) của dự án “Nuôi dưỡng đam mê STEM” của đại sứ quán Mỹ tổ chức tại trường ĐH Sư phạm kĩ thuật Hưng Yên. Điều giờ tôi mong muốn làm rất nhiều cho ngôi trường của tôi, cho học trò của tôi đó là: làm thế nào để học trò của tôi hạnh phúc, làm thế nào để trường tôi thực sự là ngôi trường hạnh phúc? Thực ra tôi đã có câu trả lời, đó là bản thân người thầy như chúng tôi luôn biết yêu những điều bình dị, hiểu và tôn trọng năng lực của từng học trò, biết lắng nghe, thấu hiểu, biết quan tâm chia sẻ, biết tạo động lực và niềm tin, đồng thời tạo cơ hội cho học trò được sáng tạo, được trải nghiệm và tìm thấy chính mình trong các hoạt động học tập và các hoạt động giáo dục. Chia sẻ với những tâm trạng trăn trở trước thất bại, và tâm trạng hạnh phúc trước những thành công dù rất nhỏ của học trò thì thày, trò sẽ luôn hạnh phúc.

          Thưa quý thầy cô!

          Đứng trước những thách thức mới của nghề tôi luôn thấy mình được rất nhiều, không phải là tấm giấy khen, càng không phải là sự trầm trồ thán phục mà là sự trải nghiệm, nó đã giúp tôi thấy mình học hỏi được rất nhiều và trưởng thành hơn khi được may mắn nhận những thách thức mới. Chẳng hạn qua việc bồi dưỡng HSG quốc gia môn Toán, ở đó tôi thấy mình cần cố gắng tự học nhiều hơn vốn tiếng anh, tìm hiểu cách hội nhập với các đề thi quốc tế,… Khi tham gia hướng dẫn học sinh làm dự án STEM tôi lại thấy, một xu thế dạy học của thời kì hội nhập toàn cầu về việc làm trong tương lai, là cơ hội việc làm nếu thầy dạy học và định hướng học sinh phát huy được năng lực, là cách thức dạy học khoa học, là quy trình dạy học nhóm, tương tác giữa các học sinh, là kỉ luật khi làm việc nhóm, toàn cầu hóa về ngôn ngữ,…

          Thưa quý thầy cô!

          Thật may mắn cho tôi, hôm nay được có cơ hội trải lòng bằng một câu chuyện riêng về chủ đề trường học hạnh phúc- thầy cô hạnh phúc- học sinh hạnh phúc. Với cá nhân tôi, hạnh phúc thực sự thật giản đơn, bình dị và luôn hiện hữu ngay quanh chúng ta, nó chỉ thực sự đến với những ai luôn cố gắng, luôn tận tâm với công việc và luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh. Tôi đã có những tháng ngày hạnh phúc với cuộc sống, với nghề vì tôi biết rất rõ tất cả cái mà tôi đang phấn đấu và đạt được không phải là những thành tích mà tôi đã đạt được, mà là những giá trị của cuộc sống đã cho tôi lớn, trưởng thành, cho tôi được sống lại, được chia sẻ, được có lớp lớp các thế hệ học sinh vô cùng đáng yêu để tôi được yêu thương, được cống hiến và tôi may mắn có một gia đình hạnh phúc, là chỗ dựa về mọi mặt để tôi yên tâm yêu nghề. 

          Tự đáy lòng mình, tôi biết ơn các bác sĩ viện Bạch Mai đã cải tử hồi sinh tôi, biết ơn nghề đã chọn tôi và cho tôi cơ hội, biết ơn cuộc sống về những trải nghiệm cho tôi lớn mỗi ngày, biết ơn bố mẹ tôi đã nuôi tôi khôn lớn, biết ơn các thầy cô đã từng dạy tôi thành người, các thầy cô là đồng nghiệp, học trò chính là môi trường hạnh phúc thứ 2 của tôi, biết ơn phụ huynh đã tin tưởng tôi,... Tôi biết ơn nhiều nhiều lắm cuộc sống này. Tôi thật sự hạnh phúc, và chắc chắn khi bước vào lớp mọi giới hạn về sáng tạo của trò, tôi luôn tôn trọng và bị lôi cuốn vì tôi thực sự trân quý cuộc sống này. Tôi tin trường tôi là trường học hạnh phúc, học sinh của tôi là học sinh hạnh phúc vì tôi là một giáo viên đã chạm tay đến hạnh phúc!

          Trước khi ngừng lời, xin kính chúc quý thầy cô luôn có thật nhiều sức khỏe, gia đình luôn hạnh phúc, mỗi thầy cô luôn giữ lửa và truyền lửa cho các thế hệ học trò.

          Cảm ơn quý thầy cô đã lắng nghe!

          Trân trọng cảm ơn!


Tác giả: Đặng Thị Ngọc
Nguồn:Trường THCS Đoàn Thị Điểm, huyện Yên Mỹ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết