Saturday, 04/05/2024 - 08:55|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

YÊU THƯƠNG CHO ĐI, YÊU THƯƠNG Ở LẠI

Là một giáo viên có hơn hai mươi năm đứng trên bục giảng, tháng Tư về, cô Thảo cũng lục tìm trong miền ký ức của riêng mình để nhớ về cô học trò nhỏ tên Quỳnh. Câu chuyện về cô học trò mang tên một loài hoa nở về đêm ấy dù đã trôi qua gần 5 năm nhưng ấn tượng đậm sâu đến nỗi cô cứ ngỡ như vừa mới hôm qua.

Tháng Ba qua đi, mang theo cái ẩm ướt của một mùa xuân muộn. Đất trời thay áo mới, chiếc áo dệt bằng những tia nắng đầu mùa trong veo, tinh khôi của tháng Tư. Nắng tháng Tư là nắng ngọt - ngọt từ lòng người tỏa “nắng mật ong”, ngọt từ lòng đất chứa căng nhựa cây cội rễ, ngọt cả ngọn gió đồng nội hiếm hoi. Tháng Tư cũng là tháng có nhiều ký ức. Tháng Tư có ký ức của một đời người và ký ức của một dân tộc, của một cá thể với một cộng đồng, của một cộng đồng với cả lịch sử nhân loại. Hình như những mốc thời gian đáng nhớ trên hành trình lịch sử bao giờ cũng mang một ý nghĩa trường tồn vĩnh viễn.

Là một giáo viên có hơn hai mươi năm đứng trên bục giảng, tháng Tư về, cô Thảo cũng lục tìm trong miền ký ức của riêng mình để nhớ về cô học trò nhỏ tên Quỳnh. Câu chuyện về cô học trò mang tên một loài hoa nở về đêm ấy dù đã trôi qua gần 5 năm nhưng ấn tượng đậm sâu đến nỗi cô cứ ngỡ như vừa mới hôm qua.

Cô nhớ rất rõ, đó là vào một ngày tháng 8 năm 2018, ngày đầu tiên cô nhận học sinh bước vào lớp 10 niên khóa 2018-2021. Lớp cô chủ nhiệm bao gồm 44 học sinh, chủ yếu là học sinh nữ, đến từ nhiều địa phương trên toàn huyện. Sau khi điểm danh, cô phổ biến một số hoạt động của lớp trong thời gian sắp tới. Cả lớp im lặng lắng nghe cô nói. Phổ biến nội dung xong, cô ngắm nhìn tất cả lớp như muốn ghi nhớ ngay lập tức 44 gương mặt trong sáng, hồn nhiên có thể cô sẽ gắn bó suốt ba năm tới. Lòng cô dịu lại, thầm mong một khóa học sinh sẽ gặt hái được mùa bội thu. Rồi đây trong cuốn sổ nhật ký về nghề giáo của cô sẽ có thêm nhiều trang ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Nguồn ảnh minh họa: trường THPT Tiên Lữ

Bỗng ở phía dãy bàn thứ 2, phía trong bên cạnh cửa sổ, từ trên xuống phát ra tiếng rì rầm, thì thào, cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của cô. Tuy đó chỉ là những tiếng rì rầm nhưng cũng đủ để cô kịp nghe và kết nối để nhận ra, có một em học sinh nữ nói với các bạn bên cạnh rằng:

- Chúng mày có tin, tao sẽ khiến cho cô chủ nhiệm này phải trải qua những ngày tháng chật vật, điêu đứng không?

Nghe bạn nói vậy, mấy em học sinh ngồi bên cạnh không dám nói gì, khuôn mặt lộ rõ sự lo lắng, sợ hãi. Còn cô học trò kia nói xong thì nhìn ra phía ngoài cửa sổ tỏ vẻ vô can vừa như thách thức vừa như không quan tâm đến xung quanh.

Lời nói của em học sinh ngồi bên cạnh cửa sổ ấy như một gáo nước lạnh dội vào những hy vọng và mong ước của cô. Cô ngạc nhiên đến sững sờ, cô giận, cô buồn, cô đau. Mặt và hai tai của cô đỏ bừng, tim cô đập nhanh hơn. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, chưa khi nào cô phải đối mặt với một tình huống oái oăm, trớ trêu, trái khoáy như thế này. Cô cố trấn tĩnh, im lặng không nói gì, ánh nhìn của cô tập trung về phía tiếng thì thào khiến nhóm học sinh bên cạnh đã lo lắng càng thêm lo lắng. Dường như chúng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một cuộc tra hỏi vô cùng căng thẳng.

Phải mất khoảng vài phút, sau khi đã chắc chắn làm chủ được cảm xúc của mình, cô mới lật giở lại danh sách lớp và nhẹ nhàng nói:

- Cô sẽ điểm danh lại lần nữa để cô tin chắc rằng 44 gương mặt ngồi đây đều là học sinh lớp do cô chủ nhiệm. Cô sẽ đọc cả họ tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh. Cô gọi đến tên em nào thì các em thưa to và rõ ràng nhé.

Nhờ điểm danh lần thứ hai mà cô biết được em học sinh đó tên là Trần Thị Ngọc Quỳnh. Điểm danh xong, cô cho học sinh của mình ra về. Còn cô một mình ngồi lại, lòng nặng trĩu, không khỏi trăn trở thậm chí hoang mang, lo lắng. Tại sao em học sinh ấy còn nhỏ, lại là nữ mà có suy nghĩ táo tợn và đáng sợ đến thế? Làm thế nào để Quỳnh không gây khó khăn cho công tác chủ nhiệm của mình? Làm thế nào để Quỳnh không còn suy nghĩ tiêu cực như thế? Cô xem lại danh sách, biết được trường THCS em đã từng học tập. Bằng các mối quan hệ bạn bè, thân quen, cô Thảo đã liên lạc được với giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9 của Quỳnh. Thông qua giáo viên ấy, cô biết được địa chỉ nhà ở, hoàn cảnh gia đình, lực học, tính cách, mối quan hệ bạn bè của em. Bố mẹ Quỳnh đã ly hôn từ năm em học lớp 7. Từ đó Quỳnh ở với bà ngoại và mẹ. Nhưng mẹ Quỳnh buôn bán nay trong Nam, mai ở ngoài Bắc nên ít có thời gian gần gũi với con gái. Quỳnh rất cá tính, nhận thức nhanh nhưng ham chơi, có năng khiếu về văn nghệ và hội họa. Trong thời gian học ở trường THCS, đặc biệt ở lớp 9, Quỳnh luôn lôi kéo nhiều bạn bè tham gia các hành động chống đối lại các thầy cô giáo và tập thể lớp nhằm gây sự chú ý khiến gia đình và thầy cô nhiều lần phiền lòng. Gia đình và nhà trường đã phối hợp và áp dụng nhiều biện pháp giáo dục nhưng Quỳnh chưa tiến bộ.

Từ những thông tin có được, cô Thảo xác định không thể giáo dục Quỳnh bằng những hình thức cứng nhắc hay quát mắng. Với hoàn cảnh gia đình và tính cách như Quỳnh, cô nên dùng tình cảm, niềm tin, sự kiên nhẫn, khơi dậy năng khiếu để lấn át những phản ứng và suy nghĩ tiêu cực trong cô học trò này.

Nghĩ là làm, sáng hôm sau, cô tìm đến nhà Quỳnh. Nhà Quỳnh nằm trên trục đường hàng ngày cô Thảo đến trường nên cô không phải mất quá nhiều thời gian và công sức.

Người mở cổng mời cô vào nhà là bà ngoại của Quỳnh. Sau khi nghe cô Thảo giới thiệu, bà ngoại Quỳnh hốt hoảng:

- Chắc cháu Quỳnh lại gây ra lỗi gì ở lớp à cô? Khổ thế đấy, mới ngày đầu tiên đến nhận lớp. Tôi đã nhắc nhở cháu nhiều lần rồi. Nếu cháu có lỗi gì thì mong cô thông cảm.

          - Thưa bà, không có chuyện gì đâu ạ. Tiện đường đến trường, cháu ghé vào thăm gia đình thôi ạ - Cô Thảo đáp.

          - Thế mà tôi cứ tưởng cháu lại gây ra lỗi gì với cô. Cô ngồi chơi để tôi đánh thức cháu dậy.    

Sau khi đánh răng, rửa mặt xong, vừa ra gặp cô, Quỳnh đã nói với cô bằng vẻ khó chịu:

- Cô đến đây làm gì? Cô định trách phạt em à? Cô thích làm gì thì cô làm. Em không quan tâm.

- Em ngồi xuống ghế rồi hai cô trò mình nói chuyện với nhau một lát nhé - Cô Thảo nhẹ nhàng nói.

- Cô nói gì thì cô nói nhanh đi. Lát nữa em còn phải đi chơi - Quỳnh vẫn khó chịu.

Cô Thảo tiến gần đến Quỳnh hơn và nói:

- Cô rất mừng khi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp của các em. Tuy mới gặp một lần nhưng cô đã rất có thiện cảm với các em. Cô nhận ra trên gương mặt của các em và nhất là ở em vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, niềm háo hức, phấn khởi và sự quyết tâm thực hiện ước mơ. Cô hy vọng em và các bạn trong lớp sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cô hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em có đồng ý không?

- Em không làm được đâu. Cô bảo các bạn khác đi - Quỳnh vẫn gai góc đáp lời cô Thảo.

Cô Thảo nói tiếp:

- Thôi được rồi, cô trò mình không nói đến chuyện đó nữa.

Cô hỏi Quỳnh tiếp:

- Được vào trường THPT rồi, em có ước mơ gì cho tương lai không?

- Em chẳng có ước mơ gì cả. Vì có ước mơ cũng chẳng bao giờ được thực hiện - Quỳnh vẫn trả lời cô Thảo bằng giọng điệu rất khó chịu.

- Ba năm trước, ở lớp cô chủ nhiệm cũng có một chị có suy nghĩ giống như em bây giờ. Thế mà, tháng 9 này, chị ấy là sinh viên trường Đại học kiến trúc, khoa Thiết kế thời trang, đúng với sở trường và năng khiếu của chị ấy đấy. Chị ấy vui lắm. Hôm nào cô sẽ đưa em đến nhà chị ấy chơi.

- Thật vậy à cô? Chắc chị ấy phải vẽ giỏi lắm cô nhỉ? Em cũng thích được vẽ lắm - Ánh mắt Quỳnh tươi sáng hẳn lên - Nhưng, em không làm được như chị ấy đâu, cả ở bản thân em và gia đình em.

Cô Thảo biết mình đã khơi đúng điều sâu kín trong cô học trò có vẻ bề ngoài gai góc ấy. Hôm nay dừng lại ở đây thôi. Mỗi ngày một chút, mỗi ngày một việc, không thể vội vàng. Cô nghĩ vậy.

- Bây giờ cô phải lên trường có việc. Em và các bạn nhớ hỗ trợ cô, còn cô chắc chắn sẽ đưa em đến nhà chị học sinh cũ của cô chơi. Thế nhé!

- Vâng ạ - Quỳnh trả lời cô đầy tiếc nuối.

Thực hiện lời hứa, khi năm học mới bắt đầu, cô đã đưa Quỳnh đến nhà cô tân sinh viên trường Đại học Kiến trúc. Cô lại nhờ học trò cũ của mình thường xuyên liên lạc, động viên, khuyên nhủ Quỳnh để em có thái độ đúng mực với thầy cô, bạn bè, tích cực học tập. Không biết hai học trò cũ và mới, cách nhau 3 khóa ấy đã nói gì với nhau những gì, chỉ biết, Quỳnh dần thay đổi thái độ. Sự gai góc, xù xì của Quỳnh đã dần dần dịu lại.

Nguồn ảnh minh họa: trường THPT Tiên Lữ

Mặt khác, ở lớp cô giao cho Quỳnh phụ trách các hoạt động phong trào văn nghệ. Mỗi lần giao nhiệm vụ xong, cô đều gọi riêng Quỳnh để nói những lời động viên, khích lệ. Thời gian đầu, khi được cô Thảo giao việc, Quỳnh nhận xong rồi để đấy, để mặc các bạn trong nhóm làm sao thì làm. Quỳnh không chống đối, không lôi kéo các bạn khác trong lớp chống đối đã là thành công bước đầu của cô rồi. Dù kết quả các phong trào của lớp do Quỳnh phụ trách có như thế nào thì cô vẫn kiễn nhẫn, nhẹ nhàng ghi nhận và tiếp tục khích lệ Quỳnh.

Chuyện cứ thế, cho đến dịp Đoàn trường tổ chức các hoạt động chào mừng ngày 20/11, trong đó có nội dung làm báo tường bằng tiếng Anh. Thực ra trong lớp cũng có nhiều học sinh vừa có năng khiếu vẽ vừa học tốt Tiếng Anh chứ không riêng gì Quỳnh. Nhưng trong buổi sinh hoạt lớp, cô Thảo đã giao cho Quỳnh cùng một nhóm học sinh, trong đó Quỳnh phụ trách chính nội dung Báo tường. Quỳnh say sưa từng đường nét, nắn nót từng con chữ, quên cả thời gian và những trò tinh nghịch, quấy phá. Năm ấy, báo tường bằng Tiếng Anh của lớp do Quỳnh phụ trách chính đã được giải Nhất toàn khối.

Trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, khi nhận được kết quả, Quỳnh không reo hò hay vỗ tay như các bạn. Quỳnh cúi mặt, hai mắt rưng rưng, đỏ hoe. Buổi Lễ vừa kết thúc, Quỳnh đã chạy ngay đi tìm gặp cô Thảo. Khi đứng trước mặt cô, hai bàn tay của Quỳnh đan vào nhau và nói:

- Em cảm ơn cô nhiều lắm!

Cô Thảo nhẹ nhàng vỗ vào vai Quỳnh và nói:

- Cô cũng cảm ơn em. Cô luôn tin tưởng ở em. Hãy cố gắng hơn nữa em nhé.

Cứ như thế, cô Thảo vẫn nhẹ nhàng, gần gũi, tạo cơ hội cho Quỳnh. Còn cô học trò ấy sau này ngày càng gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm trong các phong trào của lớp, học tập tiến bộ. Trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2021, Quỳnh đã trúng tuyển vào ngành Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Nguồn ảnh minh họa: trường THPT Tiên Lữ

Niềm tin, sự kiên nhẫn, tình yêu thương chân thành của cô Thảo là hành trang quý giá sẽ theo Quỳnh trên con đường thực hiện ước mơ và tạo dựng cuộc sống. Còn với cô Thảo, sự trưởng thành của Quỳnh là quả ngọt, trở thành động lực để cô tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề giáo.

(Ghi chú: Tên thật của nhân vật trong truyện đã được thay đổi).

Tác giả: Cô giáo Vũ Thị Uyển – Trường THPT Tiên Lữ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết