Saturday, 27/04/2024 - 03:14|
CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CHÍNH THỨC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI THẦY VỚI TẤM LÒNG BAO DUNG

Hữu Thảo

Câu lạc bộ Cựu giáo chức Dòng họ Đỗ Hữu 

          Sắp tới ngày 20/11, hội viên chúng tôi lại nhóm họp như thường lệ. Trong kỳ gặp mặt lần này, tôi nhớ nhất là câu chuyện do một cụ hội viên kể lại từ một câu chuyện có thật cách đây hơn 30 năm mà trong đó chấu cụ là một nhân chứng. Tôi thấy bài viết có nội dung rất đáng tham khảo về cách giáo dục con trẻ, nên xin ghi lại đây để mọi người cùng đọc, suy ngẫm và liên hệ với thực tế để có những thay đổi cần thiết trong các hoạt động giáo dục. Chúng tôi cũng coi đây là món quà tinh thần nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam xin gửi tặng các nhà giáo, cả nghỉ hưu và đương chức. Câu chuyện đã được kể lại như sau:

    Cách đây hơn 30 năm, một cậu học trò lớp 3 của thầy giáo M, tên là K, và các bạn trong lớp được nhìn thấy một bạn trong lớp có chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp và xinh, mác nước ngoài. Cậu K và các bạn khác đều được cầm xem, ai cũng thích và ước ao cũng sẽ may mắn có quà từ họ hàng ở nước ngoài gửi về tặng như cậu bạn đó. Thế rồi, bỗng một hôm sau giờ ra chơi khi quay vào lớp thì cậu bạn có đồng hồ kêu mất đồng hồ. Cả lớp tá hỏa cùng nhau tìm giúp chiếc đồng hồ bị mất đó cho bạn, nhưng vô hiệu. Cuối cùng, nạn nhân đành phải lên thưa với thầy, khẩn khoản “nhờ thầy tìm giúp”. Thầy giáo phụ trách lớp bình tĩnh hỏi lại nạn nhân và các học trò trong lớp về hiện tượng bất thường này. Thầy không tin là trong lớp mình lại có chuyện xấu xa “tày trời” như vậy, vì học trò lớp thầy vốn ngoan có tiếng trong trường, và lâu nay không hề có mảy may biểu hiện gì khuất  tất như vậy cả. Thật là khó cho thầy, nhưng không thể thoái thác, thầy thật sự lúng túng chưa biết xử lý ra sao ? Vừa cần phải nghĩ nhanh để hành động, lại vừa phải thấu đáo cả lý và tình, phải đạt được cả hai yêu cầu tìm ra được đồng hồ, và lại vừa giáo dục được học trò về phẩm chất ngay thẳng, không tham lam và sự khoan dung, nhân bản. Sau mấy phút suy nghĩ rất lung, thầy phải dằn lòng quyết định một biện pháp bất đắc dĩ : khám túi của tất cả học trò trong lớp. Trước khi thực hiện biện pháp “cảnh sát” này thầy đã nói những lời tâm sự gan ruột này với các em để các em cũng đồng thuận. Và thầy đã làm việc này theo cách riêng của mình, tự thầy làm chứ không huy động thêm học trò nào cả. Thầy yêu cầu các em toàn lớp cùng đứng quay mặt vào tường và tự giác nhắm mắt lại, không quay ngang ngửa nhìn việc làm của thầy, khi nào xong việc thầy sẽ báo để các em trở về chỗ. Thầy đã soát hết túi ngoài và trong, quần và áo của tất cả 35 học trò (lớp không có nữ), cứ xong mỗi em thì thầy lại vỗ vai một cái rất thân mật, không dừng lâu lại ở vị trí nào cả (chắc để tránh sự đoán mò của các em). Kết thúc công việc đau lòng này, thầy toát đẫm mồ hôi, ướt hết áo, mặt mũi, trông rất tội nghiệp. Sau khi cho các em về chỗ, thầy mới bắt đầu việc thông báo kết quả. Một không khí chờ đợi im lặng và căng thẳng. Thầy giơ cao chiếc đồng hồ tìm được và hỏi nạn nhân : đây có đúng là đồng hồ của em không, nếu đúng thì lên đây nhận lại. Thầy ân cần căn dặn cậu học trò này và toàn lớp là từ nay phải cẩn thận hơn, đừng lơ đãng để mất tài sản như chuyện vừa xảy ra nữa, gây phiền hà cho thầy và cả lớp đấy. Ngay lập tức, cả lớp nhao nhao lên và hỏi thầy xem ai là thủ phạm và yêu cầu thầy phải kỷ luật. Thầy xua tay gạt đi và nói lại với cả lớp những lời tâm sự như ban nãy đã nói một vài ý chính rồi : Các em đều quay mặt vào trong nên thầy không thể nhận diện chính xác được, nếu đoán chừng mà nói thì oan cho bạn đó. Hơn nữa mục đích trước hết là tìm lại được đồng hồ bị mất thì đã đạt rồi còn gì. Các em nên hiểu đây là một khuyết điểm bột phát, xuất phát từ một nhận thức nông nổi, trẻ con, chứ không phải bản chất của các em, mà em nào ở tuổi này cũng có thể mắc phải. Thầy đề nghị các em nên tha thứ và bỏ qua. Thầy tin rằng bạn phạm lỗi đã rất ăn năn, hối hận, và sẽ “cạch đến già” đấy. Thầy yêu cầu các em từ nay không nhắc lại chuyện này nữa, coi như hôm nay lớp ta không có chuyện gì xảy ra cả nhé ! Các bài học bị ngừng lại hôm nay thì thầy sẽ dạy bù cho các em ngay ngày mai.

    Sau cái buổi học “không mong mà đến” đó, mọi việc dạy và học lại tiếp diễn bình thường, không ai còn nhắc đến câu chuyện rắc rối đó nữa. Và hầu như không có chuyện ai đó vẫn cố truy tìm ra người phạm tội, nên đến mãi sau này cũng không ai biết đích danh thủ phạm, ngoài chính cậu K, và có lẽ thêm cả thầy giáo.

    Hơn 30 năm đã qua đi nhanh chóng, tất cả 35 học trò lớp 3 năm ấy đều đã trưởng thành, riêng K đã thành một chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin. Hôm nay K về quê dự đám cưới của gia đình “sếp” của cậu, thì bất ngờ gặp lại thầy giáo M dạy mình lớp 3 năm ấy cũng đến dự cưới. Thầy đã già đi nhiều, mái tóc đã bạc gần hết, tuy nét mặt ít thay đổi, dáng người vẫn còn nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng và hiền dịu. K mới thoáng nhìn đã nhận ngay ra thầy, cậu bước vội đến trước mặt thầy, cúi gập người lễ phép chào thầy:

-  Em kính chào thầy ạ, thầy còn nhớ em không ?

Thầy giáo ngẩng mặt lên nhìn người đối diện, một thoáng ngạc nhiên, rồi nhăn trán bóp đầu suy nghĩ, sau vài phút thầy vẫn lắc đầu :

- Anh là ai, học tôi năm nào, ở trường nào nhỉ ? 

- Em là K đây mà thầy, học lớp 3 với thầy năm học 87 - 88 ở trường VY đấy ạ.

          Thầy vẫn chưa nhớ ra nên K lại muốn nói tiếp, nhưng thấy nói ngay ở đây thì không tiện nên lại thưa:

- Thầy ơi, chưa đến giờ khai cuộc, em mời thầy ra phía ngoài hội trường để ta nói tiếp chuyện, thầy nhé !

          Có lẽ thấy đó là đề nghị hợp lý nên thầy gật đầu và cùng K đi ra phía ngoài. K lại thưa chuyện tiếp :

 - Thầy ơi, em là K đây , cái thằng K chết tiệt, vì tham lam mà đã lấy cắp đồng hồ của bạn N năm ấy, để thầy phải đau lòng và vất vả giải quyết bằng cách khám túi toàn lớp đấy. Sau đó thầy lại thuyết phục các bạn cả lớp tha thứ, bỏ qua cho em nữa mà, thầy !

          Sau một lát suy nghĩ, thầy gật đầu tỏ ý đã nhớ ra câu chuyện, thầy vỗ vai K thân mật :

- Lâu lắm rồi mà em, thầy lại đã dạy qua nhiều trường nên không thể nhớ hết học trò cũ. Em nhắc lại câu chuyện thì thầy nhớ, nhưng thầy không dám và không muốn khẳng định thủ phạm là ai cả. Vì lúc ấy các em còn nhỏ quá, phải đeo cái tiếng ăn cắp thì tội nghiệp quá, xót xa quá, thầy không nỡ, và các bạn đã nghe thầy mà sẵn sàng tha thứ! Chuyện đã qua lâu rồi, em bây giờ đã thành một con người tử tế, thành đạt, nên không phải băn khoăn gì nữa nhé. Chỉ cần em luôn ghi nhớ và thực hiện tốt bài học đạo đức từ câu chuyện năm xưa ấy: Trung thực, Tự trọng, Ngay thẳng, Không tham lam. Ngoài ra thầy muốn khuyên thêm em một điều nữa là phải luôn đánh thức Lòng Vị Tha của mình, vì bây giờ em đã có điều kiện để có thể quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng, trước hết là người nghèo và các em nhỏ ở quê hương, vì quê ta còn nghèo mà em!

- Vâng ạ, em xin nghe lời thầy!

          Thầy trò tiếp tục tâm sự khá lâu nữa mới đến giờ vào hội trường. Trong câu chuyện nối tiếp, K đã nhiều lần nói lời cảm ơn chân thành và lời xin lỗi day dứt, không chỉ với cái tội cũ mà còn vì những khuyết điểm từ sau ngày đó đến nay trong quan hệ với thầy M và các bạn trong lớp. Chẳng hạn, ngay trong năm học đó K đã không dám đến gặp thầy để chính thức nhận tội và cảm ơn thầy, K đã không dám công khai trước lớp một lời xin lỗi và cảm ơn các bạn, chỉ vì cậu đã thiếu lòng dũng cảm và lại cứ sỹ diện hão! Thêm nữa còn tội lơ là việc chủ động tự mình đến thăm hỏi thầy trong các dịp lễ tết hàng năm, dù rằng cậu đã phải sớm xa quê lâu ngày để học hành và lập nghiệp, …

          Trước khi chia tay, K đã hứa với thầy sẽ sớm khắc phục những thiếu sót như cậu đã tự thú với thầy, sẽ sống tốt hơn nữa để xứng đáng là một đứa học trò tử tế của thầy, của trường VY.

          Câu chuyện chỉ có vậy, tưởng như đơn giản, tầm thường, nhưng bên trong lại chứa đựng những ý tưởng rất nhân văn và khoa học về việc giáo dục đạo đức cho con trẻ, đó cũng là một trong những mục tiêu, một triết lý giáo dục tiến bộ, mà nền giáo dục của chúng ta đã và đang hướng tới. Chắc là mỗi người chúng ta sẽ tự rút ra được bài học thiết thực theo góc nhìn riêng của mình                   


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết